THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 02:41

Ai bức tử Công thự 107 Trần Hưng Đạo?

 

Công thự tuyệt đẹp biến thành ‘’khu ổ chuột’’


 Nguyên trạng công thự 107 Trần Hưng Đạo( Ảnh do tiến sĩ Trần Thu Dung từ Paris cung cấp)

Nhìn vào hình chụp nguyên trạng công thự 107 Trần Hưng Đạo bất kỳ ai cũng không thể không thốt lên rằng : tuyệt đẹp ! Theo KTS Lý Trực Dũng :  Nằm trong một khuôn viên rộng tới 2.800 m2, là trụ sở của Chi nhánh Hội Tam điểm ở Đông Dương và có một giá trị văn hóa và lịch sử xứng đáng. Được Nhà nước giao quản lý và sử dụng công thự này năm 1955, Tổng cục Đường sắt VN đã nhiều lần cải tạo, thay đổi mục đích sử dụng của công trình này như làm hội trường, làm văn phòng, làm trạm y tế, cho xây chen thêm 6 ngôi nhà nữa sát công thự, nâng tổng diện tích sàn xây dựng tới 2.669m2. Tuy nhiên, qua thời gian những cơi nới, thay đổi này lại biến không gian thoáng đãng hài hòa của công thự thành khu ổ chuột, nhếch nhác.

,

Những công trình xây chen áp sát xung quanh biến công thự thành khu ổ chuột.

Ai bức tử Công thự ?

   Từ khi được Nhà nước giao sử dụng công thự này, Tổng cục Đường sắt VN đã nhiều lần cải tạo, thay đổi mục đích sử dụng của công trình, nhưng từ khi cải tạo để làm hội trường thì mới là bước ngoặt làm thay đổi số phận nó.

 Theo KTS Lý Trực Dũng : ‘’Nhìn vào bức ảnh nguyên trạng công thự cho thấy mái nhà là mái ngói hay mái lợp đá phiến Acđoa, trong khi ngôi nhà bị sập cho thấy toàn bộ mái nhà của công thự này đã bị thay thế bằng mái tôn như ở một nhà xưởng rẻ tiền. Trần nhà cũ có thể là trần vôi rơm rất nhẹ rất thông dụng thường thấy ở các công trình kiến trúc Pháp cũ hoặc trần gạch rỗng chuyên dụng cho trần nhà chở từ Pháp sang gác lên xà nhỏ thép hay bằng bê tông cốt thép.

Còn ảnh chụp hiện trạng đổ sụp cho thấy một trần bê tông cốt thép rất lớn hàng trăm m2, tất nhiên rất nặng, không thấy hệ thống dầm đỡ hoặc dầm treo tương xứng. Trong khi nguyên tắc cải tạo các công trình kiến trúc cũ là giảm tải chứ không tăng tải trọng. Ai thiết kế và thi công trần bê tông cốt thép này? Tường gạch xây thu hồi dày 330cm ở hầm mái cũng bị đục nham nhở từ lâu, tất nhiên ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của mái.’’

Còn theo Tiến sỹ -kỹ sư Nguyễn Hữu Việt thì : ‘’Nó chỉ sập phần mái ở giữa chứng tỏ kết cấu mái ở thời điểm sập này không bảo đảm. Có thể có nhiều nguyên nhân phá hủy kết cấu sau 20 năm sử dụng. Khi cải tạo phần mái họ đã dỡ mái cũ ra lợp lại bằng tôn mà không bảo tồn lại nguyên trạng cái mái ngói cũ là việc làm phi kiến trúc trong bảo tồn di sản, còn thay thế trần vôi rơm hay trần gạch rỗng bằng trần bê tông cốt thép (BTCT) cũng vậy, chưa kể đến việc xử lý kết cấu cho trần nhà khi thay bằng kết cấu BTCT rất nặng với khẩu độ lớn mà không thấy các dầm chịu lực đâu cả thì quả là không biết nói như thế nào với tác giả và chủ đầu tư cả!

"Người ta không giảm bớt tải cho nó mà lại chất tải thêm hơn rất nhiều thì sao nó chịu nổi? Đây là việc làm cố tình bức tử nó, bắt ‘’nó chết từ từ’, quả là họ vô trách nhiệm và kém hiểu biết, làm liều khi tùy tiện phá vỡ kết cấu phần mái nhà, các bức tường chịu lực trong quá trình cải tạo nó…’’, tiến sỹ -kỹ sư Nguyễn Hữu Việt lên tiếng.

Như vậy có thể thấy rõ, công thự 107 Trần Hưng Đạo không tự đổ sụp do thiên tai hay hết niên hạn sử dụng mà chính là do cơ quan sử dụng đã cải tạo, xây chen, can thiệp thô bạo ảnh hưởng đến hệ thông kết cấu chịu lực và sự ổn định của nó và chính họ là tác nhân đã bức tử một công trình kiến trúc có giá trị . Họ cũng không thường xuyên và không kịp thời kiểm tra, phát hiện các vết nứt ở tường hay trần bị võng gây biến dạng công trình có thể dẫn sự cố đổ sập. Vậy ai là người bức tử Công thự 107 THĐ ? Chắc chắn là Tổng công ty Đường sắt VN. Rồi đây họ phải trình cho các cơ quan hữu quan các hồ sơ thiết kế về việc cải tạo thay đổi kết cấu của ngôi nhà và các tài liệu liên quan  Cơ quan nào cấp phép cho họ cải tạo, xây chen đến mức như thế? Là Sở Nhà đất Hà Nội trước đây hay Sở Xây dựng ngày này ? Ai là tác giả của cái đồ án cải tạo quái gở đó ? Tại sao nhân dân trong khu vực nguy hiểm đó đã không được cảnh báo về nguy cơ ngôi nhà bị sập ( trong khi khoảng 35 người của Ban quản lý Dự án đường sắt khu vực 1 đang làm việc ở tầng 2 khu bị sập thì thoát hiểm an toàn)?. Có hay không việc người của Ban quản lý dự án khu vực 1 trước khi sự cố xảy ra đã cho sơ tán thiết bị văn phòng ra ngoài an toàn như người dân ở quanh ngôi nhà này búc xúc cho biết ?

Bài học cho bảo tồn công trình kiến trúc Pháp cũ ?

Hà Nội có gần 1.600 biệt thự, dinh thự và hàng chục công sở, nhà ga, bệnh viên, trường học, bảo tàng có giá trị khi Chính phủ tiếp quản thủ đô năm 1954. Các công trình kiến trúc Pháp là di sản văn hóa để lại cho thế hệ sau. Nhưng có ai biết là từ khi nào thì công tác bảo tồn các công trình kiến trúc này mới được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm và thực hiện? Hà Nội có hay không có 1 cơ quan chịu trách nhiệm về bảo tồn công trình kiến trúc ? hay chỉ manh mún dăm cơ quan thuộc trực thuộc Sở Xây dựng, Sở quy họach Kiến trúc và cả Sở Văn hóa nhưng chưa có anh nào chịu trách nhiệm chính về việc này?. Còn công tác kiểm định và bảo tồn nó thì sao? Thực tế cho thấy một Tổng công ty Nhà nước được giao sử dụng một tài sản cố định có giá trị nhưng họ không hề có ý thức bảo tồn nó, mà chỉ nhằm mục đích duy nhất là khai thác, bóc lột nó  để phục vụ cho họ, không hề nghĩ đến chuyện duy tu bảo dưỡng nó. Còn những biệt thự do tư nhân sở hữu nữa, chúng ta đã có quy định chung mang tính nguyên tắc và bắt buộc các chủ đầu tư khi  duy tu, bảo dưỡng, sữa chữa cải tạo các ngôi nhà kiến trúc cổ hay chưa ? hay vẫn cứ tùy tiện nếu thích thì cấp phép cho đập bỏ rồi xây lại tùy thích, biến những công trình văn hóa thành những ’’con quái vật kiến trúc’’?

Các nền văn minh thế giới đều thay đổi theo thời gian, trong đó kiến trúc với gía trị vật thể và phi vật thể của nó là một tác nhân đóng góp vô cùng to lớn cho sự phát triển. Kiến trúc Pháp ở Việt Nam góp phần làm thay đổi không chỉ không gian và diện mạo cho Hà Nội, vậy mà chưa ai thay đổi được cái tư duy “cha chung không ai khóc” tệ hại vẫn đang ngự trị trong những người có thẩm quyền, lẽ ra phải có trách nhiệm nhưng vô trách nhiệm.

Không có lý gì mà cả ngàn biệt thự giá trị lại bị sao nhãng, không duy tu bảo dưỡng kịp thời, thậm chí còn bị cải tạo thô bạo làm biến dạng để phục vụ mục đích nhất thời của người sử dụng, vốn không phải người làm ra nó và dĩ nhiên là không biết quý trọng nó. Nhưng thử hỏi phía các cơ quan chức năng Hà Nội đã làm tròn trách nhiệm chưa ?
Nếu không biết trân trọng di sản kiến trúc và không có ý thức gìn giữ nó, không có quy chế bảo tồn và bảo vệ nó thì rất có thể những kiến trúc tuyệt đẹp này sẽ lần lượt ra đi như công thự 107  Trần Hưng Đạo (Hà Nội) sẽ ra sao nếu một ngày những di sản kiến trúc thời Pháp không còn nữa ?

.

Thanh Bình/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh