AFF Cup 2020: Khó khăn chưa từng có
- Văn hóa - Giải trí
- 09:34 - 30/11/2021
Phải ăn trong… phòng ngủ, không được tập gym
Thông tin từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), chủ nhà Singapore yêu cầu các thành viên đội tuyển tham dự AFF Cup 2020 phải dùng bữa tại phòng đang ở, không phục vụ bữa ăn ở phòng chung nhằm hạn chế tiếp xúc. Đây là quy định chưa từng có tiền lệ và ngay cả khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp như hiện nay thì chủ nhà Singapore cũng có quy định gây ra nhiều khó khăn với các đội bóng.
VFF và một số liên đoàn khác ở Đông Nam Á đã đưa ra ý kiến về vấn đề này bởi nhiều lý do. Thứ nhất, văn hóa châu Á xem trọng các bữa ăn tập thể. Thứ hai, đây là khoảng thời gian hiếm hoi để toàn đội có thể trò chuyện với nhau trong ngày. Nếu đội nào vào chung kết thì sẽ có 1 tháng sinh hoạt chỉ trong phạm vi khách sạn, sân tập, sân thi đấu. Việc họ phải ăn tại phòng cũng được coi là tác động tiêu cực đến tinh thần trong quá trình tham gia giải đấu.
Một quan chức VFF cho biết, khi đến Singapore, các đội tuyển di chuyển đến thẳng khách sạn và hoạt động theo cơ chế "bong bóng khép kín". Các đội tuyển chỉ được di chuyển từ khách sạn đến sân tập, sân thi đấu và ngược lại; không tiếp xúc với ai ngoài phạm vi bong bóng. Vì vậy, việc ăn, uống tại phòng được xem là không cần thiết.
Chưa biết chủ nhà Singapore có điều chỉnh quy định này không nhưng chắc chắn chuyện sinh hoạt, tập luyện ở AFF Cup 2020 sẽ rất căng thẳng. Được biết, các đội tuyển sẽ không được phép tập gym trong khách sạn. Đây cũng là quyết định gây khó hiểu bởi các đội đều hoạt động theo cơ chế “bong bóng”, bên cạnh đó việc hạn chế vận động sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới việc duy trì thể lực cũng như hồi phục chấn thương.
Giới truyền thông “bó tay”
Đây có thể trở thành một kỳ AFF Cup khép kín nhất từ trước đến nay, đặc biệt với báo chí truyền thông và người hâm mộ. Cụ thể, chủ nhà Singapore không cho phép các phóng viên được tác nghiệp các buổi tập. Các cuộc họp báo, phỏng vấn đều phải diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Phóng viên không được phép ra khỏi khách sạn mà chỉ có thể được đến sân khi diễn ra trận đấu. Tuy nhiên, thêm một quy định không giống ai nữa là BTC không bố trí cho toàn bộ phóng viên được ra sân mà sẽ thu xếp, chọn lọc số lượng hạn chế, theo hình thức… bốc thăm.
Cụ thể, trong các ngày diễn ra trận đấu, số lượng báo chí cũng giới hạn với tối đa 20 phóng viên ảnh và 60 phóng viên viết được phép tham dự và tác nghiệp. Với 10 đội bóng tham dự giải, đây thực sự là số lượng rất hạn chế với giới truyền thông, đặc biệt là những ê kíp truyền hình có nhiều người.
Đặc biệt, Liên đoàn Bóng đá chủ nhà không hỗ trợ cấp thư mời cho các phóng viên. Vì thế, giới truyền thông phải chủ động đăng ký với các cơ quan của Singapore trong trường hợp được phép nhập cảnh. Kể cả khi có thư mời, khi sang Singapore, tất cả phóng viên vẫn cần phải cách ly 7 ngày (các đội tuyển thì không phải cách ly) với giá khá đắt - khoảng 22 triệu đồng. Đó là chưa kể giá xét nghiệm Covid-19 tại Singapore cũng rất cao, hơn 2 triệu đồng/lần.
Vì lý do này, rất nhiều phóng viên Việt Nam từng có kế hoạch sang Singapore tác nghiệp nhưng đành phải ở nhà, tác nghiệp qua… ti vi.
Trước những khó khăn trên, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đã đề nghị chủ nhà Singapore xem xét lại một số quy định. Cụ thể, ông Trần Quốc Tuấn cho rằng, chủ nhà Singapore nên tạo điều kiện để phóng viên được tác nghiệp tối thiểu 15 phút đầu mỗi buổi tập, tương tự cơ chế mà AFC và FIFA áp dụng tại vòng loại World Cup 2022 vừa qua.