CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:57

Tiếp sức cho ngư dân Việt

Giảm rủi ro cho ngư dân

Xã đảo Ninh Vân có trên 300 người làm nghề lặn biển, trong đó có những người chuyên lặn sâu từ 40-50 mét nước trở xuống. Nhờ nghề lặn mà Ninh Vân thay da đổi thịt nhưng những nỗi đau từ biển cả vẫn luôn được cảnh báo và đã trở thành nỗi lo lắng thường trực. Trước đây nhiều người đã phải sống cảnh đời thực vật vì không có kỹ năng lặn biển.

Để hạn chế các tai nạn, AFEPS thường xuyên đến Ninh Vân tổ chức việc huấn luyện và chuyển giao công nghệ lặn biển cho ngư dân nhằm tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra. Theo nhận định của bà Trà Thị Bông Sen - Chủ tịch xã Ninh Vân, các nhân viên, chuyên gia của AFEPS rất nhiệt tình, họ chỉ bảo cặn kẽ. Trước đây ngư dân địa phương tham gia lặn biển chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm lâu năm, học lẫn nhau. Nhưng nay đã lặn theo kỹ thuật tiên tiến nhất của thế giới. Có những đợt các chuyên gia của AFEPS ăn ở tại nhà ngư dân luôn. Tổ chức này đã sáng tạo phương pháp cấp cứu tai biến mạch máu não khi lặn biển, bão hòa khí nito bằng oxi ở khi lặn sâu.

Ông Nguyễn Văn Quân, một thợ lặn lão luyện ở Ninh Vân cho biết, phương pháp “Bão hòa khí nitơ bằng oxy khi lặn sâu” do AFEPS truyền đạt đã trở thành bảo bối cho các ngư dân lặn biển. Phương pháp này giúp người lặn có thể cấp cứu và điều trị được các ca tai biến khi lặn biển lâu ngày bằng cách ôm người tai biến rồi lặn xuống độ sâu từ 6 - 9m cho thở oxy. Tùy vào triệu chứng tai biến mà có thời gian bão hòa khác nhau. Nếu bị tê rân toàn thân thì phải ở dưới nước 1 tiếng thở oxy. Với phương pháp này, chỉ cần 1 bình oxy là có thể tránh được tai biến mạch máu não hoặc bại liệt. Sau khi học phương pháp này, tôi đã đem truyền đạt cho rất nhiều bạn bè của tôi cũng đang lặn biển, từ đó nhiều tai nạn đáng tiếc đã không còn xảy ra nữa''.

Sau nhiều ngày ăn ở cùng ngư dân ở Ninh Vân, tìm hiểu và biết ở Quảng Ngãi còn nhiều thợ lặn hay gặp tai nạn khi lặn biển, từ cuối năm 2016 đến nay, AFEPS liên tục thực hiện các khóa đào tạo cấp cứu tai nạn biển và tai nạn lặn cho ngư dân các huyện Bình Sơn và Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Với phương pháp truyền đạt sinh động, từng chuyên gia, bác sĩ của AFEPS đã giúp hàng trăm ngư dân ở Quảng Ngãi cũng như Ninh Vân nắm vững cách cấp cứu ngừng tim, hồi sinh tim phổi, kỹ thuật lặn an toàn và phương pháp đối phó các loại tai nạn lặn biển. Đặc biệt, các phương pháp này đều được hưỡng dẫn thực hiện cấp tốc trong thời gian ngắn nhất.

Tự tin hơn khi ra khơi

 

         Nhiều ngư dân ở Khánh Hòa được AFEPS trang bị kỹ thuật lặn.


Theo đánh giá của Sở Y tế Khánh Hòa, chương trình huấn luyện của AFEPS rất bổ ích, góp phần trang bị cho các ngư dân cách phòng tránh và xử trí các tai nạn lặn biển, xử lý tai nạn lặn ngay tại chỗ bằng phương pháp tái nén dưới nước và thở oxy ở độ sâu 9m. Nhờ thông thạo các kỹ năng ứng phó với biến cố khi lặn biển mà AFEPS đã truyền đạt, huấn luyện nên nhiều ngư dân tự tin hơn trong những chuyến vươn khơi.

Thợ lặn Nguyễn Đức Bình ở xã Ninh Vân cho biết, trước đây vừa lặn vừa sợ nên năng suất đánh bắt không cao, lại chứng kiến nhiều người lặn không đúng kỹ thuật, vội vàng nổi lên mặt nước, sự thay đổi áp suất đột ngột dẫn đến tai biến ngay. Nay không sợ nữa rồi vì song song cùng với kỹ năng xử lý tình huống thì khả năng vận hành dầu chạy máy nén khí đeo trên mình đã thành thạo. Mỗi chuyến vươn khơi lặn biển 5-8 ngày ngoài săn cá mà còn tìm được rất nhiều rong biển, san hô đỏ nên cuộc sống nhiều ngư dân khấm khá lên.

Thợ lặn Nguyễn Tấn Ngọt (trú thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, Quảng Ngãi) chia sẻ: "Dù có kinh nghiệm lặn biển lâu năm nhưng các phương pháp xử lý tai nạn truyền thống mà ngư dân tích lũy được vẫn thua xa phương pháp tiên tiến mà AFEPS huấn luyện cho. Giờ đây dù có lặn sâu đến 40m cũng không còn lo sợ tại nạn do áp xuất lặn nữa. Các phương pháp sơ cứu người bị nạn tại chỗ mà AFEPS đã chuyển giao cho ngư dân áp dụng đạt kết quả cao.

Ngoài huấn luyện, đào tạo, các thành viên của AFEPS còn quyên góp tiền để hỏi thăm, giúp đỡ các thợ lặn gặp tai nạn tiếp cận nghề nghiệp khác. Thợ lặn Nguyễn Văn Thịnh ở xã Ninh Vân sau khi được AFEPS hỗ trợ chiếc máy khâu và máy ép nilon đã sống tốt bằng nghề khâu lưới và đóng gói các mặt hàng đặc sản của Ninh Vân như tỏi, cá khô… để bán cho các đại lý. Anh Thịnh giãi bầy, trước kia do không có kỹ năng ứng phó với tai nạn khi lặn sâu nên bị liệt chân. Tưởng cuộc sống đi vào ngõ cụt vì xưa nay chỉ biết làm nghề lặn biển. Nhưng được AFEPS giúp đỡ, chuyển sang công việc khác cũng đủ trang trải cuộc sống thường nhật. 

HÀ ĐẠO

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh