9 điều làm nên tuổi thơ hạnh phúc của một đứa trẻ, bạn đã làm được bao nhiêu điều?
- Bác sĩ
- 18:05 - 13/06/2020
Ký ức tuổi thơ của bạn là gì? Có êm đềm đáng nhớ không hay là những ám ảnh và uất ức? Cuộc sống của một người bao gồm hàng triệu những ký ức ta nhận được từ gia đình, bè bạn và những người khác nữa, thậm chí chẳng thân thuộc gì. Tất nhiên không phải mọi ký ức đều khiến chúng ta mỉm cười, nhưng sự thật là sẽ luôn có những khoảnh khắc hạnh phúc mà ta nhớ mãi, dù nó rất nhỏ.
Mình cho rằng con cái sẽ có những ký ức tốt đẹp về cha mẹ và tuổi thơ của con khi mà:
1. Con được lắng nghe
Trong thế giới quay cuồng và bận rộn này, thật dễ dàng để nói: "Bố/mẹ đang bận, con chờ đi" nhưng thực tế là không có gì thay đổi kể cả khi đứa trẻ đã chờ đợi cả giờ đồng hồ. Từ ngày này qua ngày khác, con không có được sự chú ý mong muốn.
Khi chúng ta sẵn sàng nghe, có thể trẻ đã quyết định không nói hoặc quên những gì muốn nói. Trẻ nhỏ chỉ muốn chia sẻ khoảnh khắc với cha mẹ, dù khoảnh khắc đó có thể chẳng quan trọng hay có gì đặc biệt với người lớn. Nhưng với trẻ, đó là ưu tiên hàng đầu.
Trước khi nói con chờ, hãy nhớ là những thứ như điện thoại, máy tính, mạng xã hội hay tivi thì không bị xúc phạm, không biết cảm thấy tổn thương về cảm xúc và cũng chẳng nhớ quên bất cứ điều gì. Nhưng những đứa trẻ thì có!
2. Con được ôm
Chẳng quan trọng là trẻ còn nhỏ hay đã lớn thế nào, con người ai cũng cần ôm. Một đứa trẻ muốn được ôm, và đôi khi chỉ một cái ôm là quá đủ. Vì sao ôm con lại trở nên khó khăn và bị từ chối? Khi mà ôm đơn giản chỉ là thể hiện tình yêu, sự an toàn, hạnh phúc và giúp trẻ tự tin hơn?
Nếu có điều gì nuối tiếc nhất về tuổi thơ của mình, thì có lẽ đó là mình không có nhiều ký ức về việc ôm bố mẹ. Tuần trước khi ôm mẹ ở sân bay để tạm biệt bà, mình đã tự hỏi: "Sao ngày xưa bố mẹ ít ôm mình đến thế, nhất là khi lớn hơn". Và mình chẳng còn nhớ gì về những cái ôm trong thời thơ ấu nữa, trong khi cảm giác nhận được từ nó thì dễ chịu vô cùng.
3. Có những thói quen và truyền thống gia đình
Nhà mình thường có "family time" vào cuối tuần, đơn giản chỉ là nằm xem phim 1 bộ cùng với nhau. Chẳng quan trọng lắm nó là phim gì, nhưng được nằm/ngồi bên nhau và thư giãn đã tạo ra những kết nối rất tuyệt vời rồi.
4. Được ăn những bữa cơm nhà
Nấu nướng tất nhiên cần thời gian và sự cẩn thận. Những đứa trẻ ăn ở ngoài nhiều hơn ở nhà, kể từ mẫu giáo. Sự vắng mặt những bữa cơm gia đình thực sự ảnh hưởng tiêu cực tới các mối quan hệ, sự tin tưởng và ấm áp. Ít nhất là 1 bữa ăn, dù là bữa gì, hãy ăn cùng nhau.
5. Hãy nói yêu con
Có thể đó là điều chúng sẽ nhớ nhất về cha mẹ!
6. Cùng nhau ăn mừng những thành tựu
Mỗi đứa trẻ là khác biệt và thành tích của chúng cũng khác nhau. Có bé đọc tốt khi lên 5, nhưng có những em bé phải đợi tới 10. Có bé chơi thể thao rất hay nhưng có những em bé dị ứng với trái bóng. Có bé là học sinh giỏi nhất trong lớp, nhưng có những bé hoàn thành bài học với gia sư riêng. Mỗi đứa trẻ chắc chắn sẽ có thứ chúng làm tốt, dù đó là gì. Và chúng ta không chỉ ủng hộ, mà còn nên ăn mừng những thành tựu cùng nhau.
7. Hãy chơi với nhau
Mọi đứa trẻ đều thích chơi cùng bố mẹ. Những niềm vui này với người lớn có vẻ chẳng có gì thú vị. Hãy tìm ra những gì sẽ mang lại niềm vui cho cả gia đình: đi bộ cùng nhau, câu cá, cắm trại, chơi thể thao, đọc sách, đạp xem, xem phim... bất cứ thứ gì có thể mang lại niềm vui và sự đoàn kết, tạo ra những kỷ niệm và trẻ sẽ không bao giờ quên.
8. Thực hiện những gì bạn đã hứa
Chúng ta hứa rất nhiều! Và nhiều người quên làm những điều mình đã nói. Như mình đã viết, cuộc sống đối với những đứa trẻ tồn tại bằng khoảnh khắc. Và sự thất hứa của người lớn là một nỗi đau. Nếu đã hứa gì, thì hãy thực hiện lời hứa. Bằng không thì đừng hứa. Hoặc nếu không thực hiện được lời hứa, hãy có lí do chính đáng và giải thích với con.
9. Và cuối cùng, hãy yêu con
Điều này nghe có vẻ hơi nực cười. Cha mẹ nào mà chẳng yêu con. Vấn đề là hãy yêu đúng cách. Tin vào bản năng làm cha mẹ không có nghĩa là làm cha mẹ một cách bản năng. Yêu con vô điều kiện cũng có 2 loại tích cực và tiêu cực. Và sẽ không bao giờ đủ để con cảm thấy mình được yêu khi bố mẹ chỉ nói yêu nhưng sau đó phớt lờ, bỏ bê những ham muốn, nguyện vọng và những câu chuyện, yêu cầu của trẻ.
Nói yêu thôi chưa đủ, hãy thực sự làm!
Tuổi thơ của con ngắn lắm!