9 cách ứng phó khi trẻ nài nỉ quá mức
- Y học 360
- 13:16 - 29/03/2019
Quãng thời gian 2 tuổi cũng là lúc con trẻ bắt đầu bộc lộ tính cách của mình.
Một trong những thói quen khó chịu nhất của trẻ lúc này chính là thói nài nỉ, kèm theo hờn dỗi và quấy phá. Các bậc cha mẹ có thể im lặng để trẻ ngưng ồn ã, hoặc thỏa hiệp để mình được bình yên hơn.
Người mẹ 34 tuổi, Josephine Lam đã chọn cách thứ 2. Nhưng mới đây, chị và chồng đã phải dành cả bữa tối ở nhà hàng để dỗ dành cậu con trai 2 tuổi rưỡi khóc quấy vì quên mất núm vú giả ở nhà.
Josephine chia sẻ: “Thật xấu hổ, nhiều khách hàng đánh giá chúng tôi, thế nên cả nhà phải ăn xong sớm và về nhà. Tôi cũng bực bội lắm, vì ngoài nghe theo con ra tôi không biết làm gì khác nữa”.
Đây không phải lần đầu tiên con trai chị nài nỉ để được thứ mình muốn, và cũng không phải lần đầu Josephine nghe theo con mình - trước đó chị đã từng làm lơ khi con trai xin thêm bánh quy, và cậu bé đã nài nỉ hơn nửa tiếng.
Chị Josephine cho biết: “Khi tôi và chồng đi làm thì con trai được gửi cho nhà nội, họ thường cho thằng bé thứ nó muốn. Thế nên nó dần hiểu ra chỉ cần xin xỏ là sẽ được mọi thứ, đặc biệt là với ông bà. Tôi đã phạt nó nhiều lần rồi mà không được, rồi tôi cũng bỏ cuộc”.
“Tôi nghe nói trẻ con thường chấm dứt giai đoạn nài nỉ khi chúng được 8 hoặc 9 tuổi, thế nên tôi đành cầu nguyện. Tôi thật lo nó sẽ trở nên ích kỉ vì được nuông chiều quá mức”.
Đứa trẻ nào cũng sẽ nhõng nhẽo đòi hỏi điều gì đó từ cha mẹ. Katy Harris, chuyên gia tâm lý trẻ em ở Family SOS cho biết: “Trẻ con thường lặp đi lặp lại yêu cầu để nhận được sự chú ý và nhấn mạnh mong muốn”.
Lí do nằm ở cảm giác thỏa mãn tức thì. Không giống như người lớn, trẻ em trong giai đoạn từ 3 đến 5 tuổi chưa học được cách chờ đợi cho đến khi nhu cầu và mong muốn của mình được đáp ứng. Và bởi vì khả năng giao tiếp của trẻ vẫn chưa được phát triển hoàn thiện nên chúng không thể thể hiện sự thất vọng một cách đúng mực. Vì vậy, chúng quyết định biểu lộ cảm xúc, ví dụ như khóc lóc, mè nheo, gào thét để những nhu cầu của chúng được đáp ứng nhanh hơn.
Vậy cha mẹ phải làm gì để ứng phó khi con trẻ nài nỉ quá mức?
1. Dạy con cách kiểm soát nhu cầu
Bác sĩ Harris cho biết: "Là cha là mẹ, chúng ta phải dạy cho trẻ biết rằng dù chúng bực bội và thất vọng thế nào khi không được thứ mình muốn, thì chúng vẫn phải chấp nhận hoàn cảnh và vượt qua”.
2. Phớt lờ khi con nài nỉ
Bác sĩ Harris khuyên các bậc phụ huynh nên cho con thấy mình đang bận và sẽ không quan tâm đến yêu cầu của chúng. Trẻ sẽ bắt đầu hiểu rằng chúng không thể tiếp tục tiến công trong tình huống đó. Phải lắng nghe con nài nỉ rất khó khăn, nhưng phụ huynh phải học cách lờ chúng đi. Qua đó, trẻ sẽ dần hiểu được hành vi của chúng có thể ảnh hưởng đến người khác như thế nào.
3. Vạch ra một kế hoạch rõ ràng
Nếu cha mẹ định mua cho con đồ chơi mới trong dịp sinh nhật chứ không phải hôm nay, hãy bảo với con như vậy. Để cho con thấy mình nói là làm, cha mẹ có thể vẽ một bức tranh hoặc ghi chú lại trên lịch.
4. Đặt ra hình phạt
Nếu con vẫn khăng khăng nài nỉ cho bằng được, hãy cho con ngồi một mình một ghế tách biệt với cả nhà. Nói với con rằng chừng nào con còn như thế thì sẽ phải ngồi đây. Khi bạn tỏ rõ lập trường như vậy, con sẽ phải tự quyết định (và dần dần tự hiểu rằng) liệu xin xỏ nài nỉ có phải việc tốt hay không.
5. Nghĩ cách thương lượng
Bác sĩ Harris cho biết “Chấp nhận nhượng bộ là một quá trình học hỏi. "Nếu bạn mua một bộ lắp ghép nhỏ hơn bởi vì con đã có nhiều bộ tương tự như thế rồi thì hãy nói cho trẻ rằng bộ mới này nhỏ nhưng chơi vui hơn. Con bạn sẽ sẵn sàng suy nghĩ đúng mực hơn nếu bạn tỏ ra thông cảm, thấu hiểu thay vì gắt gỏng đối đầu.
6. Đặt câu hỏi để con ngưng nài nỉ ngay lập tức
Hiểu được rằng trẻ sẽ không từ bỏ nếu không có được thứ mình muốn, bác sĩ Harris khuyên phụ huynh nên khiến trẻ bộc lộ bực dọc bằng cách tự nói những câu như: "Con không thích nếu không có được những gì con muốn".
Bằng cách giúp trẻ nhận ra nguyên nhân khiến chúng không vui, phụ huynh sẽ đưa ra được những phản hồi phù hợp, ví dụ như: “Bố/ mẹ biết con thấy khó chịu khi không có thứ mình muốn, nhưng con sẽ ổn thôi, một khi con không quá bận tâm nữa”.
Bố mẹ có thể hỏi con những câu sau khi con nài nỉ: “Con còn muốn buồn vì chuyện này bao lâu nữa?”, “Con định cứ tiếp tục như thế rồi lại buồn bực hay muốn vui chơi tiếp nào?”, “Con cứ tiếp tục mè nheo thế này và rầu rĩ cả ngày sao?”.
Trong khi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên, trẻ sẽ học được cách bình ổn cảm xúc và nói lên được thất vọng của mình. Và khi trẻ lớn dần lên, chúng cũng sẽ hiểu được dù mình không thể khống chế tình huống nhưng có thể kiểm soát cảm xúc bản thân. Đó là một kĩ năng sống rất đáng học tập.
7. Thỏa thuận trước
Nếu bạn quyết định không mua đồ chơi cho con, hãy nói rõ và nhấn mạnh điều này trước khi đến cửa hàng đồ chơi. Bà mẹ 4 con Karen Sum luôn nhắc nhở các con của mình trước khi bước vào cửa hàng, ví dụ như: "Hôm nay chúng ta sẽ mua sữa thôi, còn đồ chơi có thể sẽ là tuần sau nhé". Việc đặt ra những quy tắc và nghiêm túc tuân thủ chúng rất quan trọng, vì như thế trẻ sẽ biết trước những thỏa thuận với bố mẹ và không đòi hỏi lung tung.
8. Đếm ngược tới nhiệm vụ tiếp theo
Để khuyến khích thói quen đánh răng của trẻ, hãy cảnh báo trước với trẻ rằng con phải ngừng ngay việc mình đang làm và đánh răng mỗi tối sau khi bạn đếm từ 1 đến 10. Ông bố 40 tuổi Donald Lim cho biết phương pháp này cực kỳ hữu hiệu đối với cô con gái 3 tuổi của anh: "Tôi và vợ đặt ra lịch trình này và nghiêm túc thực hiện, thế nên con gái tôi cũng ngầm hiểu rằng đấy là tín hiệu phải nghe lời bố mẹ. Chúng tôi cũng dùng cách này để con ngưng khóc quấy”.
9. Bỏ đi
Nếu bạn đã nói với con rõ ràng rằng giờ đã đến lúc về nhà và sẽ không chơi cầu trượt thêm một lượt nào nữa nhưng con vẫn nài nỉ chơi thêm, thì đừng do dự quay lưng bước đi.
Bà mẹ 34 tuổi Georgina Tan của 2 cô con gái 2 tuổi và 6 tuổi nói: "Tôi đã nói rất rõ rằng tôi không chấp nhận chúng mè nheo. Không chính là không”.