8 điều phụ huynh cần nhớ khi dạy con về an ninh mạng
- Y học 360
- 13:34 - 06/04/2019
Bạn có bất an khi con mình lên mạng quá nhiều?
Hãy theo dõi một số phương thức dưới đây để giữ con mình an toàn khỏi nguy hiểm thế giới ảo nhé.
1. Đừng tiết lộ danh tính trên mạng
Con bạn có thể muốn khoe khoang trên mạng, đặc biệt là khi bắt gặp bạn bè đồng trang lứa, nhưng điều này có thể trở thành mối nguy hại tiềm tàng.
Hãy khuyên con đừng tiết lộ thông tin cá nhân trên mạng. Một vài trang mạng xã hội yêu cầu con bạn phải tiết lộ tên thật và những thông tin cá nhân, nhưng hãy khuyên con chỉ nên ghi những thông tin cơ bản thôi.
Con bạn nên tránh tiết lộ những thông tin như tên đầy đủ, địa chỉ cụ thể, tên trường học lên mạng.
2. Giữ bí mật tên đăng nhập và mật khẩu
Hãy dạy con hiểu rằng tên đăng nhập và mật khẩu là hai điều rất cá nhân và không được phép tiết lộ với ai.
Dạy con về tầm quan trọng của tên đăng nhập và mật khẩu. Nếu hai thứ này rơi vào tay người xấu, con bạn có thể gặp nguy hiểm. Có thể khuyên con bạn nói mật khẩu cho bố mẹ biết, và hứa chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp.
Khuyên con thường xuyên thay đổi mật khẩu để không bị hack.
3. Không đăng hình ảnh nhạy cảm, nguy hiểm
Bố mẹ phải thật nghiêm khắc nhắc nhở con về những hình ảnh được phép đăng lên mạng.
Phải dặn, đặc biệt nếu con đang ở độ tuổi thành niên, tuyệt đối không được đăng tải những hình ảnh mang tính khỏa thân, hành vi thân mật, hành vi bất hợp pháp hay hành vi thô tục. Nhắc con dặn bạn bè không kêu gọi tên con vào xem những hình ảnh như thế.
Con bạn có thể cảm thấy một vài hình ảnh sẽ không thể nào lan rộng được, nhưng bố mẹ phải nhấn mạnh rằng tốc độ lan truyền trên mạng rất nhanh, một bức ảnh có thể không bao giờ bị dỡ bỏ.
4. Đừng thờ ơ trước những hành vi gây hấn
Do ảnh hưởng từ bên ngoài, nhiều trẻ sẽ muốn tạo cho mình hình tượng ngầu trên mạng bằng những hành vi dọa nạt bất lịch sự.
Dặn con phải lịch sự trên mạng như ở bên ngoài và yêu cầu người khác đối xử lịch sự với mình.
Bình luận gây hấn hay bất lịch sự có thể gây rắc rối cho con, thậm chí có thể phải nhận cả hình phạt pháp luật thích đáng.
5. Cẩn trọng với người quen trên mạng
Khi lên mạng, con bạn có thể sẽ gặp được những người mới mẻ thú vị và muốn tận mắt thấy họ.
Dặn con đừng bao giờ đồng ý gặp mặt người quen trên mạng. Thông tin trên mạng có thể là giả, và gặp gỡ người này một mình có thể không an toàn. Hãy hỏi con về những người quen trên mạng, và hỏi xem hai bên thường hay nói những chuyện gì.
Nếu con bạn muốn gặp người quen trên mạng, hãy đảm bảo con không đi một mình. Bạn có thể đi theo con để dự trù tình huống khẩn cấp.
6. Thường xuyên trò chuyện với con
Thường xuyên hỏi về những trang web con hay ghé thăm, nhưng bố mẹ chớ tỏ ra đánh giá hay khắt khe quá mức.
Hỏi con xem có gì mới hay thú vị trong trang web con thường ghé thăm không, bố mẹ có thể tò mò muốn biết đó là gì và bảo con mở trang web đó ra. Nếu con không mở, bố mẹ có thể tự mình kiểm tra xem trang web đó có gì.
Trong trường hợp trang web không an toàn với con bạn, hãy trò chuyện và giải thích với con tại sao lại như thế. Hãy cảnh báo con rằng những trang web đáng ngờ có thể đột nhập vào máy tính con rồi gây hại. Bố mẹ cũng nên nói qua cho con tên của một số trang web mang tính trái luật và nguy hiểm.
7. Dạy con phân biệt thật giả
Hãy cảnh báo và dạy con bạn về cách phân biệt thật giả trên mạng.
Có những người sẽ bịa đặt trên mạng chỉ để tô hồng hình ảnh của mình. Vì thế, bố mẹ cần dạy con cách nhận biết và tránh xa những người như thế.
Hoặc bố mẹ có thể đóng giả là một bạn đồng trang lứa với con và gửi cho con một tin nhắn. Sau khi trò chuyện được một lúc, hãy tiết lộ sự thật và dạy con rằng cuộc sống ngoài kia có rất nhiều người như vậy. Đặc biệt, bố mẹ cần dừng lại ngay nếu con bắt đầu chia sẻ thông tin cá nhân và cảnh báo con.
8. Dạy con cẩn trọng khi tải thông tin trên mạng
Dặn dò con đừng tải tập tin nào từ mạng nếu chúng chưa được xác minh an toàn.
Hãy dặn dò con là rất nhiều trang web có chứa virus, kể tên một số trang web nguy hiểm, không đáng tin.
Dạy con về cách tải tệp tin an toàn và hướng dẫn con cài đặt phần mềm chống virus.
Kể cả khi bố mẹ đã dặn dò, các con vẫn sẽ thử nghiệm nhiều thứ trên mạng. Hãy trò chuyện và mở lòng với con cái, đừng quá khắt khe và đánh giá. Nếu có thể, hãy chặn đường truyền tới những trang web có thể gây hại cho con.