8 điều ít biết về Thống chế Đức Erwin Rommel - “Cáo sa mạc” Bắc Phi
- Văn hóa - Giải trí
- 18:12 - 26/02/2016
Thống chế Rommel. Ảnh: History.com.
Vào ngày 14/10/1944, hai phái viên của Đức Quốc xã xuất hiện tại tư gia của tư lệnh quân sự cấp cao Erwin Rommel – nhân vật nổi bật vào đầu Thế chiến 2 ở chiến trường Pháp và Bắc Phi.
Các phái viên này tố cáo Thống chế Rommel đã tham gia vào một âm mưu ám sát bất thành Adolf Hitler và đưa cho Rommel sự lựa chọn nghiệt ngã: Hoặc ra tòa để bị xử về tội phản quốc, hoặc uống thuốc độc tự tử.
Biết rằng đằng nào cũng chết dưới chế độ của Hitler, Thống chế Rommel đã đồng ý nhét viên thuốc cực độc cyanide vào miệng để đổi lấy quyền miễn trừ cho gia đình mình.
Bảy thập kỷ sau, người ta đã xác định được một số thông tin mới về nhân vật “Cáo sa mạc” (biệt hiệu mà bạn bè và đối phương đặt cho Rommel).
1. Thời bé hiền lành và dễ bảo
Mặc dù sau này trong binh nghiệp của mình Rommel nổi tiếng với những chiến thuật táo bạo, chị gái của ông mô tả Rommel thời nhỏ là một đứa trẻ hiền lành và dễ bảo.
Rommel thời bé mê toán học và kỹ thuật. Ông cùng bạn bè lứa tuổi 14 đã tự chế một chiếc tàu lượn hoàn thiện. Ông cũng tháo rời một chiếc xe máy và lắp ráp trở lại.
Không đủ điểm vào đại học, Rommel tính đến chuyện vào làm tại một nhà máy khinh khí cầu gần quê nhà ở miền nam nước Đức.
Thế nhưng người cha của Rommel là hiệu trưởng một trường học đã hướng ông vào con đường quân ngũ.
Không được vào lực lượng pháo binh và công binh, chàng trai 18 tuổi Rommel cuối cùng được nhận vào binh chủng bộ binh vào năm 1910 với tư cách học viên sĩ quan. Khác với những người thân là nam giới đi nghĩa vụ quân sự, ông sau đó ở lại trong quân đội trong suốt phần còn lại của đời mình.
2. Bị thương nhiều lần trong cả 2 cuộc Thế chiến
Rommel xông xáo tham gia vào nhiều cuộc tấn công và trinh sát đầy hiểm nguy trong suốt Thế chiến 1. Vì vậy các đồng đội của ông đã đùa rằng “ở đâu có Rommel, ở đó là mặt trận”.
Có lần trong một đợt chiến đấu kéo dài 52 tiếng đồng hồ, đơn vị của ông bắt được khoảng 9.000 tù binh Italy.
Xông pha bao nhiêu thì ông bị thương nhiều bấy nhiêu. Tháng 9/1914, khi đã bắn hết đạn, Rommel một mình dùng lưỡi lê tấn công 3 lính Pháp. Kết quả ông bị đối phương bắn thủng đùi, vết thương rộng ngoác như nắm đấm.
Ba năm sau ở Romania, ông mất nhiều máu do một viên đạn găm vào cánh tay. Ông cũng thường xuyên bị đau dạ dày, sốt và kiệt sức.
Sang Thế chiến thứ 2, Rommel càng chịu nhiều thương tật hơn, từ viêm ruột thừa đến vết thương ở mặt do mảnh đạn pháo.
Ngay sau cuộc đổ bộ Normandy, máy bay của phe Đồng minh oanh kích trúng chiếc xe mui trần của Rommel ông khi đang đi qua khu vực Normandy của nước Pháp. Hậu quả, xe của ông lộn một vòng bay ra khỏi đường. Khi người ta phủi hết bụi đi thì Rommel đã bất tỉnh với nhiều vết rạn nứt ở hộp sọ và các mảnh kính găm trên gương mặt của ông.
Sau này, để che đậy việc bức tử Rommel bằng thuốc độc trước công luận, các quan chức Đức Quốc xã đã công bố rằng Rommel chết do các vết thương trong vụ không kích này. Chỉ đến khi kết thúc Thế chiến 2, sự thật này mới được làm sáng tỏ.
3. Giai đoạn đầu, Rommel hâm mộ Hitler
Sau Thế chiến thứ 2, các lực lượng Đồng minh phương Tây lao vào cuộc chiến ý thức hệ với Liên Xô. Trong bối cảnh đó, phương Tây cố làm sống lại danh tiếng của nước Đức. Để đạt được điều này, họ đã minh họa Rommel như một chiến binh hào hiệp, và nhấn mạnh chi tiết Rommel chưa bao giờ gia nhập Đảng Quốc xã.
Tuy nhiên việc ông tận tụy với Hitler (trong giai đoạn đầu) là không phải bàn cãi. Khi Hitler lên nắm quyền, Rommel đã nhất trí với kế hoạch tái vũ trang của y và gọi y là “người thống nhất quốc gia”.
Sau này khi Rommel và Hitler quen nhau trong giai đoạn xâm chiếm Ba Lan, Rommel, đã viết thư cho vợ mình nói rằng “Quốc trưởng [Hitler] biết điều gì là đúng cho chúng ta”.
Ngoài ra Rommel cũng tham dự các khóa nhồi sọ của Đức Quốc xã và ký “Heil Hitler!”. Hitler thậm chí còn tặng Rommel một bản cuốn “Mein Kampf” (Cuộc đấu tranh của tôi) có thủ bút của Hitler.
Chỉ mãi về sau Rommel mới tiêu tan ảo vọng vào Hitler và tin rằng nước Đức phải đàm phán với phe Đồng minh thay vì cố đánh đến cùng.
4. Rommel bất tuân một số mệnh lệnh trực tiếp của Hitler
Sau khi chỉ huy một sư đoàn xe tăng tiến công chớp nhoáng nước Pháp trong năm 1940, Rommel được điều sang mặt trận Bắc Phi, nhằm hỗ trợ cho các binh sĩ phát xít của Italy đang vất vả đối phó với quân Anh.
Khi tới đó, Rommel gần như ngay lập tức lật ngược tình thế, đẩy lùi quân Anh hàng trăm dặm bằng một chuỗi các cuộc tấn công táo bạo. Chính nhờ loạt chiến dịch này, ông được người ta đặt cho biệt danh “Cáo sa mạc” và được thăng lên lon Thống chế.
Tuy nhiên vào tháng 10/1942, người Anh nhờ vào ưu thế số lượng áp đảo đã chặn đứng đà tiến của quân Rommel ở gần El Alamein, Ai Cập.
Thiếu xe tặng, đạn dược và nhiên liệu, Rommel chuẩn bị rút lui. Nhưng Hitler đã gửi thư cho Rommel yêu cầu ông không được lùi dù chỉ “một tấc đất”.
Trong thư, Quốc trưởng Hitler viết thêm “đối với binh sĩ, ông có thể chỉ cho họ thấy không còn con đường nào khác – hoặc là chiến thắng hoặc là chết”.
Bất chấp việc tôn thờ Hitler, Rommel bất tuân lệnh của gã vì sợ rằng lực lượng của mình có thể bị tiêu diệt hoàn toàn.
Bên cạnh đó, Rommel còn phớt lờ một mệnh lệnh khác yêu cầu các tướng Đức phải hành quyết các lính đặc nhiệm Đồng minh bị bắt.
Cuối cùng Rommel chạy tới Tunisia, giành chiến thắng trong một trận đấu tăng với người Mỹ ở đó. Đồng thời ông cũng thua một trận khác với quân Anh. Sau đó Rommel trở về châu Âu vào tháng 3/1943.
Hai tháng sau, phe Đồng minh đã đánh bật quân Đức khỏi Bắc Phi, dọn đường cho cuộc xâm chiếm Italy.
5. Rommel tăng cường phòng thủ bờ biển trước cuộc đổ bộ Normandy
Ý thức rõ phe Đồng minh sẽ xâm chiếm Tây Âu trong tương lai gần, Đức Quốc xã đã giao cho Rommel kiểm tra hệ thống phòng ngự của Đức dọc theo tuyến bờ biển Thái Bình Dương dài khoảng 2.570km.
Trái ngược với các tuyên truyền tâng bốc của Đức Quốc xã về phòng tuyến này, Rommel nhận ra rằng khu vực này rất yếu và dễ bị chọc thủng.
Dưới sự giám sát của Rommel, lực lượng Quốc xã đã xây dựng hệ thống công sự, vùng ngập ven biển, và bố trí lượng lớn dây thép gai, mìn và rầm thép trên bờ biển và ở ngoài khơi.
Ngoài ra, Rommel còn muốn bố trí xe tăng để ngăn ngừa quân Đồng minh thiết lập đầu cầu đổ bộ nhưng thượng cấp của ông bỏ ngoài tai, muốn giữ hầu hết lực lượng tăng thiết giáp ở sâu trong nội địa.
6. Rất có thể Rommel không biết âm mưu giết Hitler
Khi tình hình quân sự của Đức xấu đi, một nhóm sĩ quan cấp cao định ám sát Hitler bằng một trái bom giấu trong valy. Tuy nhiên âm mưu này bị vô hiệu hóa vào thời khắc cuối cùng.
Rommel là bạn của một trong những người mưu phản đó và chắc chắn đã trao đổi với họ về tương lai nước Đức sau khi Hitler ra đi.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể xác định rõ Rommel dính líu vào âm mưu này sâu đến mức độ nào. Theo bà góp phụ Rommel, ông phản đối việc ám sát – ông chỉ muốn bắt và đưa Hitler ra xét xử.
7. Rommel và các lãnh đạo phe Đồng minh không ngần ngại ca ngợi lẫn nhau
Trong giai đoạn thành công đỉnh cao của Rommel ở Bắc Phi, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã ca ngợi Rommel trước Hạ viện Anh.
Churchill nói: “Chúng ta có một đối thủ rất táo bạo và khéo léo – một vị tướng vĩ đại”.
George Patton, Bernard Montgomery, và các vị tướng hàng đầu khác của phe Đồng minh cũng thể hiện sự tôn trọng dành cho Rommel.
Rommel phản ứng lại một cách lịch thiệp, nói về Patton rằng: "Chúng tôi được chứng kiến thành tựu kinh ngạc nhất về vận động chiến” và rằng “Montgomery chưa bao giờ phạm một sai lầm chiến lược nghiêm trọng nào”.
8. Ở Đức người ta vẫn tôn vinh Rommel
Khác với những nhân vật Đức nổi bật trong Thế chiến 2, ông Rommel không bị phỉ nhổ trên quy mô lớn. Trên thực tế, tên của ông còn được đặt cho 2 căn cứ quân sự và vài con phố ở Đức. Một đài tưởng niệm Rommel ở quê nhà ông này ca ngợi ông là “hào hiệp”, “can đảm” và một “nạn nhân của chế độ chuyên chế”.
Nhiều nhà sử học cho rằng Rommel chủ yếu quan tâm đến sự nghiệp cá nhân của mình hơn là đến những tội ác mà chế độ Đức Quốc xã đã phạm phải.