CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:57

Vinh dự, tự hào tiếp nối truyền thống

Ảnh tư liệu

Ngày càng hoàn thiện và lớn mạnh không ngừng

Chia sẻ với chúng tôi trước ngày trọng đại của Thanh tra ngành, ông Nguyễn Tiến Tùng, Phó Chánh Thanh tra phụ trách cho biết, trong suốt quá trình lịch sử 70 năm xây dựng và trưởng thành, Thanh tra ngành LĐTB&XH luôn tự hào được sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt, sâu sắc của Đảng, của Chính phủ, của lãnh đạo Bộ cũng như sự phối hợp chặt chẽ của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. “Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, ngày 28 tháng 11 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 226/SL quy định về tổ chức của Bộ Lao động và nhiệm vụ của các phòng ban trực thuộc, theo đó, Bộ Lao động có Nha thanh tra và hành chính. Đây là mốc thời gian đánh dấu chính thức sự ra đời của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tiền thân là Nha Thanh tra và hành chính… Kể từ đó đến nay, qua từng thời kỳ lịch sử, Thanh tra Bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…”, ông Tùng cho biết. 

Kể từ đó đến nay, đồng hành cùng với sự phát triển của đất nước, Thanh tra LĐTB&XH ngày càng hoàn thiện và lớn mạnh không ngừng; chức năng, nhiệm vụ cũng được mở rộng hơn cho phù hợp với tình hình mới. Lĩnh vực thanh tra của ngành LĐ-TB&XH được Nhà nước giao là: Giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội; phát hiện và xử lý kịp thời sai sót của các ngành, các cấp trong việc thực hiện chính sách pháp luật về các lĩnh vực của ngành, đồng thời phát hiện những vấn đề bất hợp lý, những sơ hở ngay trong bản thân của chính sách để đề xuất biện pháp khắc phục; bảo đảm cho chính sách, pháp luật về lao động, thương binh và xã hội được thực thi một cách có hiệu quả. 

Đặc biệt, giai đoạn 2005-2014, trung bình mỗi năm, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động và thanh tra chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động tại 350 doanh nghiệp gồm tổng cty, các doanh nghiệp tại các địa phương, khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, ban hành gần 3000 kiến nghị, 50 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; thanh tra việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng tại 8 tỉnh, thành phố; thanh tra việc thực hiện chính sách xã hội tại gần 14 tỉnh (chính sách đối với trẻ em, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo hiểm xã hội); thanh tra đối với 6 đơn vị thuộc Bộ về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và hoạt động xây dựng cơ bản; thanh tra về dạy nghề tại gần 8 tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ còn thanh tra việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các Sở; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Sở LĐTBXH về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hộibình đẳng giới; tiếp gần 1400 lượt công dân, xử lý gần 4000 đơn, thư và giải quyết khoảng 16 đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Chánh Thanh tra. 

Viết tiếp truyền thống 70 năm lịch sử vẻ vang

Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, Thanh tra Bộ đã từng bước khẳng định vị trí quan trọng, không thể thiếu trong quản lý nhà nước về LĐ-TB&XH. Qua nhiều lần tách, nhập, thay đổi theo sự thay đổi của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng với sự đoàn kết, gắn bó, tin tưởng nhau, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và từng cán bộ, thanh tra viên Thanh tra Bộ luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, hoạt động ngày càng đi vào nề nếp và thể hiện được vai trò nòng cốt trong đấu tranh, xử lý vi phạm, phòng, chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều vấn đề đặt ra đối với ngành như: tình trạng TNLĐ và BNN diễn biến phức tạp; xuất khẩu lao động ngày một khó khăn gây nên những vi phạm của doanh nghiệp đối với người lao động; nhiều doanh nghiệp trốn, nợ đọng bảo hiểm xã hội,…đòi hỏi công tác Thanh tra phải có những thay đổi quan trọng cả về số lượng và chất lượng cán bộ cũng như kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp công tác. 

“Tiếp tục những thành tựu đã đạt được, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài đang đặt lên vai những cán bộ trẻ. Thời cơ vận hội, khó khăn và thách thức đang cần sức trẻ, sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết đánh giá, tận dụng, khắc phục để tiếp nối truyền thống của cha, anh”- ông Tùng chia sẻ- “Thời gian tới, hội nhập khu vực và quốc tế diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng, theo đó các yêu cầu quản lý nhà nước ngành LĐTB& XH ngày càng tăng, đòi hỏi phải có những thay đổi phù hợp trong tất cả các lĩnh vực trong tình hình mới. Trong đó Thanh tra Bộ phải thực hiện tốt hai vai trò, một là tham mưu cho Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; hai là trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ”, ông Tùng nói.

Do đó, phương hướng, trong những năm tới Thanh tra Bộ cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây: Xây dựng và kiện toàn bộ máy thanh tra từ Trung ương đến địa phương, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thanh tra. Bên cạnh đó phải bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý những vấn đề cấp bách mà nhân dân đòi hỏi. Đồng thời tăng cường công tác tổng kết, sơ kết thực tiễn, trao đổi học tập kinh nghiệm để xác định những phương pháp và cách thức thanh tra phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao; tăng cường hợp tác quốc tế và tiếp tục thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trên tinh thần đoàn kết nội bộ, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đứng trước những yêu cầu đó, các cán bộ thanh tra Bộ luôn không ngừng phấn đấu, nỗ lực, vượt mọi khó khăn, gian khổ, thậm chí thiếu thốn cả về vật chất, tinh thần, nhưng luôn quyết tâm giữ vững đoàn kết, không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp hoạt động, kiện toàn tổ chức để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đưa hình ảnh và nâng vị thế của Thanh tra Bộ lên tầm khu vực và thế giới, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Với niềm tự hào sâu sắc được đứng trong hàng ngũ những người làm công tác thanh tra LĐTB&XH, được Đảng, Bác Hồ và lãnh đạo Bộ tin cậy, giao phó, trong suốt 70 năm qua, lớp lớp các thế hệ cán bộ làm công tác thanh tra ngành LĐTB&XH luôn ý thức tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi phẩm chất, đạo đức và bản lĩnh chính trị; nêu cao tinh thần cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từ nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng chính sách và hướng dẫn chỉ đạo thực hiện các luật. Từ sự phấn đấu kiên trì, với ý chí vượt khó vươn lên như thế, tập thể cán bộ, công chức Thanh tra của Bộ đã được được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng 3 năm 2003, Huân chương Lao động Hạng nhì năm 2009, là Chi bộ 10 năm liền đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch, vững mạnh…

Kết quả đó đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Thanh tra Bộ trong suốt chiều dài 70 năm xây dựng và phát triển, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”.

Nguyễn Thanh/ Lao động & Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh