THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:14

70 năm làm theo lời Bác

 

Trong suốt 24 năm trên cương vị người đứng đầu nhà nước, Bác Hồ luôn khẳng định công lao to lớn của các thương binh, liệt sĩ và NCC. Ngày 16/2/1947, Người ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tử tuất. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên đặt nền tảng cho chính sách thương binh, liệt sĩ của nước ta. Người căn dặn: “... Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những NCC với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ.”

Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh” để nhân dân ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh, gia đình liệt sĩ. Thực hiện chỉ thị của Người, các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương đã họp tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên thống nhất đề nghị lấy ngày 27/7/1947 làm “Ngày thương binh, liệt sĩ” trong cả nước. Từ đó, ngày 27/7 hàng năm trở thành “Ngày Thương binh - liệt sĩ”.

Đánh giá cao sự cống hiến của thương binh, liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “... Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ hy sinh gia đình và tài sản họ để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của ta. Trong đó, có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ”.  Bác đã kêu gọi đồng bào chia sẻ với những tâm tư, mất mát lớn của thương binh, tự Người chủ động thăm hỏi, tặng quà, anh em thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ...”

 

Bác Hồ thăm các thương binh nặng. (Ảnh tư liệu)

 

Để tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ, và tri ân những người thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng. Hàng năm cứ đến “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” là Bác gửi thư thăm hỏi tới thương binh, gia đình liệt sĩ . Cùng với những lời thăm hỏi động viên tinh thần là những món quà vật chất, khi là chiếc áo, lúc lại tấm khăn. Có chiếc áo lụa do phụ nữ Nam bộ may gửi từ chiến trường miền Nam tặng Bác, Bác cũng dành cho bộ đội, Bác đã tặng lại chiếc áo ấy cho chiến sĩ Nguyễn Đức Thưởng quê Kinh Môn - Hải Dương, Đơn vị F320 - Đại đoàn Đồng Bằng bị thương khi dũng cảm chiến đấu đánh chặn quân Pháp ở Nam Định. Những món quà vật chất, tinh thần ấy đã khích lệ, tiếp thêm nhiều nghị lực cho các đồng chí thương binh để họ vươn lên tiếp tục chiến đấu và cống hiến cho Tổ quốc.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn công việc đền ơn đáp nghĩa với thương binh, gia đình liệt sĩ phải trở thành phong trào rộng khắp, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của toàn xã hội chứ không phải là việc làm phúc. Trước khi đi xa tại di chúc Bác căn dặn “... Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh...”

Tình cảm của Bác Hồ với thương binh, gia đình liệt sĩ thật vô bờ bến. Về với thế giới người hiền Bác vẫn lo toan, thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu Nhà nước đối với công tác thương binh, liệt sĩ.

Thực hiện lời dạy của Người, 70 năm qua (1947 - 2017), công tác thương binh - liệt sĩ và NCC đã đạt được những thành tựu to lớn và quan trọng. Hệ thống chính sách ưu đãi NCC đã được nghiên cứu, hoàn thiện và đi vào cuộc sống; đến nay đã bao phủ hầu hết các đối tượng có công với cách mạng, tuyệt đại bộ phận NCC và thân nhân NCC được hưởng đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.

Từ khi Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16/2/1947 đặt “chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ” đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi NCC đã được nghiên cứu xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ và kịp thời, bảo đảm chất lượng để từng bước cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, là cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với NCC và thân nhân; cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra.

Nhiều vấn đề bất hợp lý do lịch sử để lại cũng như vấn đề mới nảy sinh trong quá trình chuyển đổi cơ chế và những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh, như vấn đề xác nhận liệt sĩ, thương binh; chính sách ưu đãi đối với thanh niên xung phong, những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; chính sách ưu đãi về giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, chế độ trợ cấp đối với một số đối tượng NCC được các cấp, các ngành quan tâm, giải quyết hiệu quả.

Việc xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi đối với NCC đạt được kết quả tích cực. Phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC phát triển mạnh mẽ, sâu rộng từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đã đạt được hiệu quả thiết thực, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, bằng nhiều nguồn hỗ trợ, tài trợ đã tích cực triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC bằng những việc làm thiết thực thông qua: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ được chú trọng và đạt được kết quả tích cực. 70 năm qua, Đảng, Nhà nước và quân đội đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Nhà nước đầu tư nâng cấp các trung tâm giám định ADN của các bộ, ngành nhằm đẩy nhanh việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đã tích cực trong việc phát hiện, quy tập mộ liệt sĩ và ghi danh, ghi công liệt sĩ. Công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã tạo sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân. Bằng phương pháp thực chứng, phương pháp giám định ADN, các cơ quan chức năng đã quy tập, lấy mẫu hài cốt liệt sĩ, sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, phân tích hàng chục nghìn trường hợp, góp phần phục vụ tích cực cho công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thời gian qua.

Có thể nói, cho đến nay hệ thống chính sách ưu đãi xã hội đối với NCC đã góp phần đảm bảo đời sống NCC được ổn định và từng bước được cải thiện. Cụ thể, 97% gia đình NCC có mức sống ổn định; 96% xã phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và NCC; nhiều thương binh, thân nhân liệt sĩ làm kinh tế giỏi, xóa đói giảm nghèo bền vững, yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần.

NGUYỄN TRUNG CHÍNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh