CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:38

Thư của Bác Hồ về Thương binh, gia đình Liệt sỹ vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử

 

Ngày 14/7, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Tạp chí Lao động Xã hội phối hợp với Cục Người có công và Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng tổ chức Hội thảo báo chí “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh, liệt sỹ - Lý luận và thực tiễn”. Tham dự Hội thảo có Phó Cục trưởng Cục Người có công Nguyễn Duy Kiên; Quyền Tổng biên tập báo Lao động và Xã hội Nguyễn Trung Chính, Phó Tổng Biên tập Tạp chí nghiên cứu Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng TS. Nguyễn Xuân Trung; đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí, cùng đông đảo phóng viên Trung ương và địa phương.

 

Hội thảo báo chí “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh, liệt sỹ - Lý luận và thực tiễn”. 


Hội thảo đã nghe TS. Nguyễn Xuân Trung – Phó Tổng Biên tập Tạp chí nghiên cứu Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng tham luận “Nội dung và ý nghĩa của bức thư Bác Hồ gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc”; TS. Lê Thị Hiền, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng tham luận về “Công tác thương binh, liệt sĩ – Từ đạo lý của dân tộc đến tư tưởng Hồ Chí Minh”; ông Nguyễn Duy Kiên - Phó Cục trưởng Cục Người có công tham luận “70 năm hình thành và phát triển chính sách ưu đãi người có công và kiến nghị hoàn thiện”...

 

TS. Nguyễn Xuân Trung, tham luận tại hội thảo.


Các tham luận đều khẳng định, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, liệt sĩ là những người đã cống hiến xương máu, hy sinh tính mạng để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với cách mạng không chỉ là phong trào hay nhiệm vụ chính trị mà quan trọng hơn cả đó là chiều sâu nhân văn trong tư tưởng, nhân cách và con người Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hằng năm, đều đặn cứ vào dịp tháng 7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư thăm hỏi tới thương binh, gia đình liệt sĩ, tới các đơn vị điều dưỡng và các cán bộ phụ trách để nhắc nhở việc chăm sóc chu đáo các thương binh và gia đình liệt sĩ. Cùng những lời thăm  hỏi động viên tinh thần là những món quà vật chất, khi là chiếc áo, khi là tấm khăn. Đặc biệt, Bác thường gửi trọn tháng lương của mình vào dịp này tặng thương binh. Những món quà vật chất, tinh thần ấy đã khích lệ, tiếp thêm nhiều nghị lực cho các đồng chí thương binh...

Thực hiện lời dạy của Bác, công tác “đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành phong trào quần chúng rộng lớn, được xã hội hóa và hướng vào các hoạt động thiết thực. Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi với thương binh và thân nhân liệt sĩ.

 

ông Nguyễn Duy Kiên cho biết, hiện nay có 4 Pháp lệnh, 4 Nghị định, 22 Thông tư và Thông tư liên tịch, 13 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đang còn hiệu lực thi hành nhằm giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công.

 

Hệ thống văn bản Pháp luật về ưu đãi người có công hiện hành đã đáp ứng và cơ bản thể chế hóa được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, tạo môi trường Pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia tích cực vào việc Đền ơn đáp nghĩa, chăm lo, trợ giúp người có công và tạo điều kiện để người có công tiếp tục vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Duy Kiên nhấn mạnh: “Chính sách ưu đãi xã hội qui định tại Pháp lệnh đã đi vào đời sống xã hội và đạt được nhiều kết quả: Hầu hết người có công và thân nhân của họ đã được hưởng các chế độ ưu đãi của nhà nước (hàng năm ngân sách Nhà nước đã dành gần 30.000 tỷ đồng để thực hiện chế độ ưu đãi nhằm không ngừng chăm lo đến đời sống của người có công với cách mạng ngày càng tốt hơn; 97% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 96,5% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công); Đời sống người có công được ổn định và từng bước được cải thiện...”.

Tuy nhiên, theo ông Kiên, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách ưu đãi đối với người có công đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Chưa quy định chế độ ưu đãi đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, bị địch bắt từ sau 30/4/1975; Quy định người có công thuộc 2 đối tượng trở lên được hưởng trợ cấp, phụ cấp với từng đối tượng dẫn đến một người có thể được hưởng nhiều suất trợ cấp người phục vụ... Từ đó, ông đề xuất tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi đối với người có công, điều chỉnh chế độ trợ cấp ưu đãi trên cơ sở mức tiêu dùng bình quân xã hội; tăng cường xã hội hóa, đẩy mạnh phong trào chăm sóc người có công...

 

Các đại biểu cũng nghe đại diện các cơ quan báo chí, các nhà báo trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng như những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong việc tuyên truyền về lĩnh vực này.


Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về công tác thương binh – liệt sĩ, TS. Nguyễn Công Dũng - Phó Tổng biên tập Thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Báo luôn xác định một trong những nội dung tuyên truyền quan trọng là phải tuyên truyền tích cực những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thương binh – liệt sĩ, đồng thời tuyên truyền tích cực các mô hình, điển hình và các cá nhân trong cộng đồng xã hội có những việc làm thiện nguyện trong hoạt động tri ân này. 

Hội thảo lần này là nơi tập trung các chuyên gia, cùng đông đảo lãnh đạo và phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội nhằm cung cấp thông tin về Tư tưởng Hồ Chí Minh với công tác thương binh, liệt sỹ, sự quan tâm của Người đối với người có công với cách mạng; trao đổi, thảo luận các vấn đề mới trong linh vực người có công nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ. Đây cũng là dịp để các cơ quan báo chí, các nhà báo trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng như  những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong việc tuyên truyền về lĩnh vực này.

QUÝ ĐỨC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh