6 tháng, Hà Nội giải quyết việc làm cho 90,5 nghìn lao động
- Bài thuốc hay
- 23:10 - 30/06/2019
Ước tính tháng 6, chỉ số sử dụng lao động ở các doanh nghiệp công nghiệp giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế Nhà nước giảm 3%; khu vực ngoài nhà nước giảm 1,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,5%.
Ước tính 6 tháng đầu năm 2019, chỉ số sử dụng lao động tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế nhà nước giảm 1,6%; khu vực ngoài nhà nước tăng 0,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,5%. Một số ngành công nghiệp có chỉ số sử dụng lao động tăng so cùng kỳ: Sản xuất trang phục tăng 3,1%; chế biến gỗ tăng 3,7%; sản xuất thuốc và dược liệu tăng 3,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 13%...
Nhìn chung, tình hình sử dụng lao động ở các doanh nghiệp công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2019 có sự biến động đúng theo quy luật, chỉ số sử dụng lao động khối doanh nghiệp nhà nước biến động giảm, khối kinh tế ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài tăng.
Đến hết quý II/2019, lực lượng lao động khu vực thành thị trên địa bàn thành phố Hà Nội có xu hướng tăng nhanh hơn khu vực nông thôn. Tỷ trọng lực lượng lao động khu vực thành thị chiếm 59% trên toàn Thành phố.
Xét theo trình độ đào tạo, tại khu vực thành thị, lực lượng lao động có bằng cấp cao hơn so với khu vực nông thôn (chiếm 79,4% trong tổng số lực lượng lao động qua đào tạo). Ngược lại, lực lượng lao động không qua đào tạo và lao động không có bằng cấp khu vực nông thôn cao hơn (chiếm 63,3% trong tổng số lực lượng lao động).
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chiếm 52,3% so với tổng dân số và đang có xu hướng giảm dần do khả năng già hóa dân số. Tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn chiếm 48,9% trong tổng số lực lượng lao động; lao động nữ chiếm 49,7%.
Tỷ lệ lao động thiếu việc làm đến hết quý II/2019 chiếm 0,3% tổng số lực lượng lao động, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn chiếm 0,3%; khu vực thành thị chiếm 0,2%. Tỷ lệ lao động thất nghiệp giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ lao động thất nghiệp ở thành thị chiếm 2,6% tổng số lực lượng lao động; tỷ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn chiếm 1,1%.
Về giải quyết việc làm, ước tính 6 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 90,5 nghìn lao động, đạt 58,8% kế hoạch năm; đưa 1,5 nghìn người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tiếp nhận khai báo, đăng ký 870 thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 21,2 nghìn người với số tiền 455 tỷ đồng, hỗ trợ học nghề cho 2.609 người với số tiền 8,1 tỷ đồng.
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động thông qua việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các Điểm, Sàn giao dịch việc làm vệ tinh trên địa bàn Thành phố tạo điều kiện người lao động và người sử dụng lao động tra cứu, kết nối thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu thị trường lao động của Thành phố. Đồng thời, nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững. Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, phát triển mô hình gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo địa chỉ. Tổ chức thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp, quản lý, cho vay hiệu quả nguồn vốn ngân sách Thành phố và cấp huyện ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội. Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, khảo sát nhu cầu việc làm của người lao động sau khi hoàn thành hợp đồng trở về nước để tổ chức giới thiệu việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng của người lao động.