THỨ NĂM, NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2024 08:06

6 tháng đầu năm: Hơn 1,1 triệu người thất nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Sáng nay (6/7), tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê công bố tình hình lao động việc làm quý II/2021 và kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,1 triệu người, tăng 101,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

6 tháng đầu năm: Hơn 1,1 triệu người thất nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Quang cảnh họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý II/2021 và kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020.

Thị trường lao động quý II chưa có dấu hiệu khả quan

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho biết, thị trường lao động quý II chưa có dấu hiệu khả quan. Trong khi số người có việc làm giảm, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng so với quý trước. 

"Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 nghìn người so với quý trước và giảm 82,1 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái", ông Tiến nói.

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) đánh giá, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý II, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm lớn như Hà Nội, TP. HCM, và các tỉnh lân cận.

Đáng chú ý, theo Tổng cục Thống kê, làn sóng Covid-19 lần 4 làm nghiêm trọng hơn những tác động tiêu cực đến người lao động. 

Cụ thể, so với quý 1/2021, Covid-19 làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực. Cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: mất việc, phải nghỉ giãn việc/ nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

Dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Lao động thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực dịch vụ quý II/2021 chiếm tỷ trọng cao nhất với 35,8% (tương đương với hơn 410 nghìn người thiếu việc làm).

So với cùng kỳ năm 2020, số lao động thiếu việc làm ở khu vực dịch vụ quý II/2021 tăng gần 100 nghìn người. Sự bùng phát của đại dịch trong quý II đã làm gia tăng áp lực về nhu cầu làm thêm giờ của người lao động ở khu vực dịch vụ.

Xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở hầu hết các nhóm tuổi; trong đó, chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 15 - 24 tuổi (thành thị: 38,5%; nông thôn: 46,7%) và nhóm từ 55 tuổi trở lên (thành thị: 34,4%; nông thôn: 47,7%).

Ông Nguyễn Trung Tiến nhận định: "Điều này cho thấy, người dân khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị…” 

Sự bùng phát nhanh hơn, mạnh hơn của dịch Covid-19 lần thứ tư khiến tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị tăng cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 2,8% và 2,49%). Xu hướng này khác với xu hướng của những năm trước khi tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường cao hơn so với khu vực thành thị.

Thu nhập bình quân tháng của lao động quý II đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226 nghìn đồng so với quý trước và tăng 547 nghìn đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Diễn biến khó kiểm soát của dịch Covid-19 trong quý II đã làm gián đoạn đà phục hồi thu nhập bình quân của người lao động kể từ quý III/2020 đến quý I/2021. Quý II/2021, ghi nhận mức giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước.

Thu nhập bình quân của người dân giảm 1%

Theo khảo sát mức sống dân cư năm 2020, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng trong cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm khoảng 1% so với năm 2019. 

Tuy nhiên, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2020 ở khu vực thành thị vẫn cao hơn so với khu vực nông thôn 1,6 lần.

Ông Nguyễn Trung Tiến cho biết, dịch Covid-19 đã khiến thu nhập dân cư trong năm 2020 giảm 1%  so với năm 2019.

Mặc dù thu nhập giảm nhẹ trong năm 2020 nhưng chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước vẫn tăng 13% so với năm 2018 (2,89 triệu đồng/người/tháng). Tuy nhiên, do năm 2020 là một năm người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, nên chi tiêu năm này tăng chậm hơn so với thời kỳ trước (chi tiêu bình quân năm 2018 tăng 18% so với năm 2016).

Các hộ gia đình thành thị có mức chi tiêu bình quân đầu người/tháng xấp xỉ 3,8 triệu đồng trong khi các hộ nông thôn chỉ ở mức 2,4 triệu đồng, chênh lệch giữa hai khu vực là 1,6 lần.

Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Trung Tiến cũng cho biết, cơ cấu thu nhập đã có sự chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn; trong đó, tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng, ngược lại tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thủy sản ngày càng giảm, kết quả này phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu trong việc làm.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh