CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:42

6 tháng đầu năm 2020: Việt Nam có 33.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Cũng theo thông tin từ ông Nguyễn Gia Liêm, trong những năm gần đây số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng hàng năm. 2017: 135 nghìn; 2018: 143 nghìn; 2019: 152 nghìn; 6 tháng đầu năm 2020: 33.000 người (tập trung chủ yếu 3 tháng đầu năm). Cùng với số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng lên, số lượng người lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại các thị trường lao động ngoài nước cũng tăng lên đáng kể, cụ thể: Đài Loan có 230.000 người, Nhật Bản có gần 200.000 người, Hàn Quốc có gần 50.000 người, Malaysia có 25.000 người, ngoài ra các nước khác.

6 tháng đầu năm 2020: Việt Nam có 33.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài - Ảnh 1.

Tìm hiểu thông tin tuyển dụng người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, thu nhập tiết kiệm của người lao động làm việc ở nước ngoài cũng tăng lên so với trước đây, khoảng 1.500 USD tại Nhật Bản và 1.800 USD ở Hàn Quốc, 600 - 800 USD tại Đài Loan, 350 - 500 USD tại Malaysia và Trung Đông. Đặc biệt đối với lao động có chứng chỉ trình độ tay nghề mức lương cơ bản khoảng 900 – 1.000 USD/tháng nhưng thu nhập có thể đến 1.500 – 2.000 USD/tháng nhờ làm thêm và năng suất lao động. Hàng năm, số tiền do người lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về nước khoảng 2,7 – 3,3 tỷ USD. "Mục đích người lao động ra nước ngoài làm việc nhằm tìm kiếm việc làm phù hợp, tăng thu nhập, nâng cao trình độ nghề và kỹ năng cho bản thân người lao động. Bên cạnh đó góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho gia đình người lao động. Chủ trương nói trên đã được thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng và Quốc hội, trong Bộ Luật lao động, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và các văn bản quy định, hướng dẫn của Chính phủ, các cơ quan chức năng của Nhà nước ở Trung ương và địa phương", ông Liêm nhấn mạnh.

Cũng theo thông tin từ ông Liêm, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt được kết quả nói trên nhận, trước hết phải nói đến sự quan tâm thường xuyên của các cấp Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành và sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông quan tâm hợp tác trong công tác thông tin, tuyên truyền các chính sách, pháp luật và thông tin về tình hình lao động đi làm việc ở nước ngoài, thị trường lao động ngoài nước qua đó nâng cao được nhận thức của xã hội và người lao động.

Cùng với đó, đội ngũ các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ngày càng tăng cả về lượng và chất, đóng góp rất lớn và quan trọng vào kết quả đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nói trên. Nhiều doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã chủ động tìm kiếm, khai thác hợp đồng và phát triển thị trường lao động ngoài nước, đầu tư bài bản cho công tác chuẩn bị nguồn lao động, đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động Việt Nam trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã hợp tác với các trường nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tuyển chọn và bồi dưỡng nghề, ngoại ngữ cho học viên đang học tập và đã tốt nghiệp để đáp ứng những đơn hàng có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt ở thị trường lao động ngoài nước.

Thông tin về tình hình bảo vệ lao động Việt Nam ở nước ngoài trong dịch COVID-19, ông Liêm cho hay, Cục đã có báo cáo cũng như trao đổi với Ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài và các doanh nghiệp để thông tin cách phòng tránh dịch bệnh, tạo thành mạng lưới thông tin của người lao động nhằm bảo vệ an toàn cho người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, làm việc với các cơ quan đại diện các nước tiếp nhận lao động để hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi của người lao động trong trường hợp các doanh nghiệp đóng cửa, giãn cách xã hội vì COVID-19. Về số công nhân Việt Nam tại Cộng hòa Uzbekistan, ông Liêm thông tin, hiện các cơ quan chức năng đang lên phương án để đưa người lao động về Việt Nam, với 2 phương án là thuê máy bay của Uzbekistan đưa lao động về hoặc thuê máy bay từ Việt Nam sang đón. Về việc một số lao động ở một số địa bàn hết hợp đồng lao động nhưng chưa về nước được, ông Liêm lưu ý, bởi ưu tiên của các chuyến đưa lao động về là các đối tượng cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ… nên quá trình sẽ theo thứ tự ưu tiên.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh