CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:10

6 tai nạn dễ xảy ra với trẻ trong dịp Tết

 

Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), mỗi năm BV tiếp nhận hàng chục trường hợp trẻ bị tai nạn trong dịp Tết, trong đó phổ biến nhất là hóc dị vật, bỏng, chấn thương do ngã... Để khuyến cáo phụ huynh, theo BS Tiến, 6 loại tai nạn thường gặp là:
1. Té cầu thang: Khi không có người giữ, ba mẹ tự trông bé, nhưng do không để ý, bận việc hoặc lơ là, bé có thể bò trên giường té xuống sàn hoặc té từ cầu thang xuống khi cầu thang không có lưới chắn hoặc phụ huynh quên đóng tấm chắn.

 

 

2. Điện giật: Nhiều gia đình có thói quen trang trí đèn vào dịp Tết, nhưng điều này rất nguy hiểm với trẻ nhỏ, bởi những ổ điện hoặc đèn để lâu ngày có thể bị hở, bé sờ vào bị điện giật, gây nguy hiểm với trẻ.

3. Bỏng: Tết là dịp hầu hết các gia đình đều chế biến nhiều loại thức ăn, khi để trẻ chơi một mình, bé rất dễ bị bỏng từ nước sôi, nước canh, lẩu hoặc nồi thịt vừa nấu. Thậm chí nhiều trường hợp, phụ huynh ủi đồ xong, quên cất, trẻ chạm vào và gây bỏng nặng.
4. Uống nhầm giấm, dầu lửa: Tại các vùng quê, giấm và dầu lửa thường được phụ huynh chứa trong vỏ của các chai nước ngọt, bé nhầm tưởng đó là nước ngọt nên uống, gây nên tình trạng viêm phổi hoặc các biến chứng khác như phỏng thực quản.
5. Uống nhầm thuốc: Khi phụ huynh bận rộn việc, để con chơi trong phòng một mình, bé nghịch và tò mò, thấy những viên thuốc giống kẹo nên uống, thậm chí có những trường hợp còn uống uống nhầm cả thuốc ngừa thai của mẹ.

6. Hóc dị vật: Tết là dịp bé hay tiếp xúc với các loại hạt dưa, hạt bí, hạt dẻ, hướng dương hoặc các loại trái cây có hạt như dưa hấu, na… Khi bé ăn những loại trái cây và hạt này trong lúc đùa giỡn, gây sặc đường thở, ho sặc sụa, tím tái và có thể dẫn đến tử vong nếu không can thiệp thích hợp.

Để hạn chế những tai nạn mùa Tết, BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 cho biết, trông trẻ cẩn thận là điều kiện tiên quyết để tránh xảy ra các tai nạn. Đặc biệt, theo BS Tiến, khi có con nhỏ, phụ huynh cần áp dụng nguyên tắc Ngôi nhà an toàn: Ít trang trí những vật dụng mà bé có thể chậm, kéo, mó gây đổ, bể…; cầu thang phải có lan can, lưới và nắp chắn để bé không bị té; hạn chế điện trang trí vì có thể gây điện giật, phỏng hoặc ngưng tim với trẻ
“Phụ huynh nên để những dị vật có nguy cơ tránh xa tầm tay trẻ. Trong trường hợp nghi ngờ trẻ mắc hóc dị vật (có biểu hiện tím tái, khó thở…), tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ em vì như thế sẽ đẩy dị vật vào sâu hơn. Sau đó đưa trẻ đến các cơ sở gần nhất để tiếp tục được cấp cứu. Đối với các trường hợp té sông hồ, ao, cách sơ cứu là hà hơi thổi ngạt, ấn tim và đưa trẻ đến các cơ sở y tế. Tuyệt đối không được sốc nước, lăn lu nóng hay giẫm đạp…”, BS Tiến khuyến cáo.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh