CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:59

6 địa phương ban hành chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, cao hơn chuẩn nghèo quốc gia

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp

Ngày 12/9, Thường trực Ủy ban Xã hội họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững; kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp. Tham dự có Bộ trưởng Bộ Lao động – TB&XH Đào Ngọc Dung; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; đại diện lãnh đạo các Bộ: KH&ĐT, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Ngân hàng chính sách, BHXH Việt Nam cùng một số cơ quan hữu quan.

Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm

Về việc thực hiện chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025;

Trong đó, năm 2022, thực hiện chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Có 06 địa phương đã ban hành chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, cao hơn chuẩn nghèo quốc gia.

Ông Thanh cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã tổng hợp, công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ giai đoạn 2022-2025 trên phạm vi toàn quốc, cụ thể: Tỷ lệ nghèo đa chiều trên phạm vi toàn quốc là 9,35% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 5,2%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 4,15%).

Về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022, ước kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025), cụ thể như sau: Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm

Đưa ra ý kiến thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá cao những kết quả đạt được. Đồng thời đề nghị, Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp; Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát các văn bản, hướng dẫn, nhằm bảo đảm đúng mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc thực hiện Chương trình.

Thường trực Ủy ban cũng đề nghị, Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định vốn sự nghiệp thực hiện cho một số dự án, tiểu dự án chưa được phân bổ vốn; tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện, đẩy mạnh giải ngân cho các dự án, tiểu dự án chưa được thực hiện.

Một số ý kiến đại biểu cho rằng, việc phân bổ vốn còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ do sự chậm trễ của một số bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng kế hoạch và đề xuất kinh phí, thẩm định nguồn vốn thực hiện Chương trình.

Nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện Chương trình chưa bố trí thực hiện nội dung “cải thiện dinh dưỡng” và “hỗ trợ nhà ở” cho người nghèo.

Các đại biểu cũng nêu rõ, cần tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để đảm bảo công tác này được tiến hành hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh trình bày báo cáo

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh trình bày báo cáo

Chính sách hỗ trợ lao động ảnh hưởng Covid-19: Độ bao phủ rộng, kịp thời

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, thực hiện chính sách theo Nghị quyết, đã có 340.888 đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp, tương ứng với 11.822.638 người lao động;

Tính đến hết ngày 07/9/2022, đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho 13.261.552 lao động thuộc đối tượng hỗ trợ và có 33.470 người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện không nhận hỗ trợ.

Thứ trưởng nhấn mạnh, việc triển khai chính sách theo quy định của Nghị quyết được người lao động, người sử dụng lao động đón nhận, đánh giá cao.

Chính sách có độ bao phủ rộng, trực tiếp, thiết thực, kịp thời đối với người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Việc triển khai thực hiện chính sách minh bạch, khẩn trương, đúng đối tượng, đúng mục đích (trên 99% người lao động nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản cá nhân), đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ quy định tại Nghị quyết của Chính phủ và điều kiện quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

“Đến nay, việc xác định số giảm đóng cho các đơn vị sử dụng lao động thuộc đối tượng hỗ trợ và việc giải quyết hỗ trợ cho người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đề nghị hỗ trợ đã hoàn thành, tuân thủ các quy định tại Nghị quyết”, Thứ trưởng Lê văn Thanh nói.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Thực hiện nhanh chóng, thủ tục nhanh gọn

Đưa ra ý kiến về vấn đề này, Thường trực Ủy ban cho rằng, việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động và người sử dụng lao động đã được thực hiện nhanh chóng, thủ tục nhanh gọn, tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin của người lao động vào chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Từ đó, khuyến khích người lao động tham gia và chấp hành các quy định của pháp luật về chính sách bảo hiểm thất nghiệp. 

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban và các đại biểu cũng cho biết, bên cạnh các địa phương triển khai nhanh chóng, kịp thời, một số địa phương vẫn còn thực hiện chậm, một bộ phận người lao động vẫn chưa được thực hiện chính sách hỗ trợ mặc dù đã hết thời hạn thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021.

Do đó, làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ đối với một số người lao động ở thời điểm gặp khó khăn, cần được hỗ trợ…

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, các chuyên gia.

Ghi nhận sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, bà Thúy Anh đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục rà soát văn bản; thực hiện hiệu quả các tiểu dự án; hoàn thành việc giải ngân vốn hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, các ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia sẽ được tổng hợp đầy đủ để hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2022.

Sau đó, Ủy ban Xã hội sẽ tổ chức thẩm tra chính thức báo cáo của Chính phủ tại Phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 7. Báo cáo thẩm tra sẽ được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu thành viên Ủy ban và được trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 4.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh