6 chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2023
- Tây Y
- 15:08 - 30/07/2023
1. Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
Ngày 29/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2023/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 14/8/2023. Các quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 1/7/2023.
Theo đó, từng ngày 1/7, điều chỉnh tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2023 đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội hằng tháng trước ngày 1/1/2022.
Điều chỉnh tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2023 đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng từ ngày 1/1/2022 đến trước ngày 1/7/2023.
Những người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trước ngày 1/1/1995 theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 42/2023/NĐ-CP, sau khi thực hiện điều chỉnh theo khoản 1 Điều 2 Nghị định số 42/2023/NĐ-CP nếu có mức hưởng thấp hơn 3.000.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm như sau: Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 2.700.000 đồng/người/tháng; Tăng lên bằng 3.000.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2.700.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.000.000 đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, tại kỳ lĩnh tháng 7, người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng vẫn nhận mức lương hưu, trợ cấp cũ. Do đó, để bảo đảm chế độ, chính sách cho người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu, ngay trong tháng 8/2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện chi trả mức lương, trợ cấp mới; chi trả số tiền chênh lệch tăng thêm của kỳ lĩnh tháng 7/2023 theo quy định của Nghị định số 42/2023/NĐ-CP.
2. Quy định mới về cán bộ, công chức cấp xã
Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã thay thế 4 Nghị định của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan, do đó có nhiều điểm mới (Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/8/2023).
Nghị định này thay thế 4 Nghị định của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan, gồm: Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 5/12/2011 về công chức xã, phường, thị trấn; Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (các quy định của pháp luật có liên quan là các văn bản hướng dẫn các Nghị định của cơ quan có thẩm quyền).
Về chức danh cán bộ, công chức cấp xã, Nghị định không quy định chức danh công chức Trưởng Công an xã (do đã bố trí Công an chính quy ở cấp xã).
Theo Nghị định, cán bộ cấp xã có các chức vụ sau đây: Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam); Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Công chức cấp xã có các chức danh sau đây: 1- Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự; 2- Văn phòng - thống kê; 3- Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); 4- Tài chính - kế toán; 5- Tư pháp - hộ tịch; 6- Văn hóa - xã hội.
Nghị định quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã. Cụ thể, đối với phường: Loại I là 23 người, loại II là 21 người, loại III là 19 người; Đối với xã, thị trấn: Loại I là 22 người, loại II là 20 người, loại III là 18 người.
Cán bộ cấp xã được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo so với mức lương cơ sở như sau: Bí thư Đảng ủy: 0,30; Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân: 0,25; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân: 0,20; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh: 0,15.
Nghị định cũng quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã; Chế độ phụ cấp với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
3. Không quy định chức danh công chức Trưởng Công an xã
Nghị định 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã có hiệu lực từ 1/8, thay thế 4 Nghị định số 114/2003/NĐ-CP; Nghị định số 92/2009/NĐ-CP; Nghị định số 112/2011/NĐ-CP; Nghị định số 34/2019/NĐ-CP.
Nghị định này quy định về chức vụ, chức danh, số lượng, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ, chính sách; bầu cử, tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Cụ thể, về số lượng cán bộ, công chức cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể như sau: Đối với phường Loại I là 23 người, loại II là 21 người, loại III là 19 người; Đối với xã, thị trấn loại I là 22 người, loại II là 20 người, loại III là 18 người.
Nghị định cũng quy định về cán bộ cấp xã gồm: Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Một điểm mới về chức danh cán bộ, công chức cấp xã, Nghị định 33/2023/NĐ-CP không quy định chức danh công chức Trưởng Công an xã (do đã bố trí Công an chính quy ở cấp xã).
4. Người dân được đăng ký xe ở nơi tạm trú
Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8.
Tại khoản 2 Điều 3 thông tư này quy định, chủ xe là tổ chức, cá nhân có trụ sở, nơi cư trú (nơi đăng ký thường trú, tạm trú) tại địa phương nào thì đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe thuộc địa phương đó. Biển số xe được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe được quản lý theo số định danh cá nhân.
Việc nộp lệ phí đăng ký xe thực hiện qua ngân hàng hoặc trung gian thanh toán được kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công; trường hợp không thực hiện được trên cổng dịch vụ công thì nộp tại cơ quan đăng ký xe.
Đối với biển số ô tô trúng đấu giá được đăng ký, cấp biển số tại Phòng CSGT, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi chủ xe có trụ sở, cư trú hoặc tại Phòng CSGT quản lý biển số xe trúng đấu giá đó.
5. Tăng lệ phí sát hạch lái xe
Thông tư số 37/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/8 thay thế Thông tư số 188/2016/TT-BTC ngày 8/11/2016, quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ hoạt động trên các phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng.
Trong đó, điểm đáng chú ý tại Thông tư số 37/2023/TT-BTC là việc tăng mức phí sát hạch lái xe. Cụ thể, đối với thi sát hạch lái xe các hạng A1 đến A4, lý thuyết 60.000 đồng/lần; thực hành 70.000 đồng/lần (tăng 20.000 đồng).
Đối với thi sát hạch lái xe ô tô hạng B1, B2, C, D, E, F lần lượt lý thuyết 100.000 đồng/lần (tăng 10.000 đồng); thực hành trong hình 350.000 đồng/lần (tăng 50.000 đồng); sát hạch thực hành trên đường giao thông 80.000 đồng (tăng 20.000 đồng), ngoài ra học viên còn phải lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông với lệ phí 100.000 đồng/lần.
6. Quy định về phong tỏa tài sản của đối tượng thanh tra
Nghị định số 43/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra có hiệu lực từ ngày 15/8.
Nghị định quy định rõ việc phong tỏa tài sản của đối tượng thanh tra khi có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bao gồm: thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện giao dịch chuyển tiền qua tài khoản khác với thông tin không rõ ràng về mục đích, nội dung người nhận;
Có dấu hiệu chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng, cho tặng, thế chấp, cầm cố, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản; có hành vi làm sai lệch hồ sơ, sổ sách kế toán dẫn đến thay đổi về tài sản.
Ngoài ra, đối tượng thanh tra bị phong tỏa tài sản khi không thực hiện đúng thời gian giao nộp tiền, tài sản theo quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.