THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:23

Hỗ trợ nạn nhân da cam: Cần sự chung tay của cộng đồng

Kỷ niệm 55 năm Ngày thảm họa da cam Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2016), Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin (10/8), Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PV Báo LĐ&XH về vấn đề này. 

*Xin Trung tướng cho biết những hậu quả của cuộc chiến tranh hoá học do Mỹ gây ra tại Việt Nam?

- Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải 80 triệu lít hóa chất độc, 61% trong số đó là chất da cam (366 kg dioxin) xuống miền Nam Việt Nam, gây hậu quả rất nghiêm trọng cho môi trường sinh thái và sức khỏe con người Việt Nam. Gần 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam bị phun rải chất độc da cam/dioxin; khoảng 86% lượng chất độc phun rải xuống các vùng rừng rậm, 14% còn lại xuống ruộng vườn, hoa màu.

Đã có 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam, 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là trẻ em thế hệ con, cháu… Dioxin là chất độc nhất trong các chất độc mà con người biết đến.  Các nhà khoa học đã chỉ ra, với liều lượng 1 picogram (ppt, phần nghìn tỷ gram) dioxin có thể gây bệnh ung thư, tai biến sinh sản; vài chục nanogram (ng, phần tỷ gram) có  thể lập tức gây chết người.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh.

Hội thảo quốc tế lần thứ 2 về chất diệt cỏ do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và tác hại lâu dài của nó đối với thiên nhiên và con người, đã kết luận: “Chất dioxin của Mỹ đã hủy diệt thiên nhiên cây cỏ; hủy diệt sức khỏe con người, gây nhiều bệnh tật nặng nề; gây nên những biến đổi gen di truyền qua mẹ hoặc bố, gây tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng, dị tật ở những đứa con sinh ra; gây các bệnh ung thư”...

* Những năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nạn nhân da cam nói chung và người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hoá học nói riêng. Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện các chính sách này?

- Trong điều kiện khó khăn, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề này gồm cả việc tìm kiếm công nghệ, chi phí cho xử lý các khu vực tồn lưu lượng dioxin cao; ban hành chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ nhiễm chất độc hóa học; thúc đẩy công tác chăm sóc nạn nhân và hỗ trợ cuộc đấu tranh đòi công lý; cho phép thành lập và tạo điều kiện cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam hoạt động, phát triển.

Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học là một trong những đối tượng người có công được quy định trong “Pháp lệnh Ưu đãi người có công”. Hàng năm, Chính phủ chi hàng chục tỷ đồng giải quyết chính sách cho người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hoá học được hưởng trợ cấp hàng tháng theo các mức khác nhau. Người bị dị dạng, dị tật do phơi nhiễm dioxin mất hết khả năng lao động cũng được hưởng trợ cấp.

Tính đến nay, cả nước  đã giải quyết chính sách cho khoảng 300.000 người tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Có khoảng 30% số nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin được mua thẻ bảo hiểm y tế. Khoảng 20 - 25% trẻ em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin được đưa vào thực hiện chương trình chăm sóc phục hồi chức năng.

Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam còn nhiều hạn chế, bất cập về cả nội dung văn bản lẫn quá trình tổ chức thực hiện.  Số hồ sơ tồn đọng còn nhiều, mức trợ cấp thấp, đời sống của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin còn rất nhiều khó khăn, nhất là những người bị bệnh nặng.

* Chính sách xã hội hoá đã góp phần quan trọng như thế nào trong hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam vươn lên trong cuộc sống, thưa ông?

- Chủ trương của Việt Nam trong hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là chính sách kết hợp với hoạt động xã hội hóa. Trên thực tế, xã hội hóa mang lại nhiều lợi ích về tinh thần, vật chất; qua đó truyền thống tốt đẹp của dân tộc được phát huy, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố.

Ra đời tháng 1/2004, đến nay, tổ chức hội đã được thành lập ở 63 tỉnh, thành phố; 594 huyện, quận; 6.350 xã, phường với gần 360.000 hội viên. Các cấp hội đã thu hút hàng vạn cựu chiến binh tình nguyện làm công tác hội, đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam/dioxin khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Trong 5 năm (2011 - 2016), toàn Hội vận động được hơn 911 tỷ đồng (gồm tiền mặt và hiện vật quy thành tiền) và hỗ trợ trực tiếp không qua quỹ hội từ  2004 - 2010 là 239 tỷ đồng, riêng năm 2015 đạt hơn 260 tỷ đồng.

Số tiền trên đã được quản lý chặt chẽ và dùng để hỗ trợ các nhu cầu cấp bách của nạn nhân, như: Xây dựng 24 trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng ở tỉnh, thành hội và trung tâm khu vực tại Hà Nội; trợ cấp việc làm cho gần 500 nạn nhân; xây mới và sửa chữa (chủ yếu là xây mới) 1.582 nhà; cấp 3.337 suất học bổng; khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 78.000 lượt và tặng quà dịp lễ, tết, ngày 10/8 cho nạn nhân.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tặng quà gia đình nạn nhân da cam.

Sự chăm sóc cho nạn nhân theo hình thức xã hội hóa ngày càng đa dạng, phong phú và có sức lan tỏa lớn. Các phong trào “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam,” “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” đã được cả xã hội ủng hộ, tham gia hưởng ứng. "Ngày vì nạn nhân da cam" được tổ chức thường xuyên.

*Là tổ chức duy nhất đại diện cho các nạn nhân da cam, trong thời gian qua Hội đã tổ chức các hoạt động gì trong việc đấu tranh yêu cầu phía Mỹ chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả dioxin tại Việt Nam?

- Hiện Chính phủ Mỹ cũng đã có kế hoạch xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường tại sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa - hai điểm “nóng” về tồn dư dioxin tại Việt Nam. Chính phủ Mỹ cũng đã có viện trợ nhân đạo cho người khuyết tật Việt Nam. Từ 2009 đến nay, Chính phủ Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam được khoảng 20 triệu USD. Tuy nhiên, phía Mỹ chưa nhận hết trách nhiệm của mình và đặc biệt các công ty hóa chất của Mỹ vẫn đang tìm mọi cách trốn tránh trách nhiệm, chưa thực hiện đền bù cho nạn nhân da cam Việt Nam một cách xứng đáng.

Thực tế, công ty hóa chất Mỹ đã đền bù cho quân nhân tham gia chiến tranh Việt Nam bị nhiễm chất độc hóa học và ngay cả Chính phủ Mỹ cũng đền bù cho quân nhân Mỹ, nhưng đối với Việt Nam thì họ vẫn cố tình lẩn tránh hậu quả.

Bà Trần Tố Nga là người Việt quốc tịch Pháp. Trước đây bà Nga là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, hoạt động ở chiến trường miền Đông Nam bộ. Bà Nga bị phơi nhiễm chất độc da cam ở đó và bà đã sinh ra 3 người con đều bị dị tật. Từ năm 2009, bà Nga đã ra làm chứng tại Tòa án Lương tâm nhân dân quốc tế do Hội Luật gia dân chủ quốc tế tổ chức tại Pháp. Từ đó, bà suy nghĩ làm gì để ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam. Năm 2014, bà đệ đơn kiện 26 công ty hóa chất Mỹ tới Tòa Đại hình, thành phố Evry (Cộng hòa Pháp). Vụ kiện đã được tòa án Pháp thụ lý hồ sơ.Đến nay, qua 2 lần phiên tòa mở ra đã có 18 - 19 công ty hóa chất Mỹ phải ra tòa diện kiến nhưng họ vẫn không chịu trách nhiệm về hậu qủa da cam. Nhưng vụ kiện đã được công luận thế giới ủng hộ. Về phía Việt Nam, Hội đã công bố Thư ngỏ ủng hộ vụ kiện của bà Nga; nhiều địa phương đã phát động phong trào ủng hộ bà Nga về tinh thần, vật chất.

* Xin cảm ơn ông!

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh