THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:29

50.000ha đất lúa bị hạn mặn được chuyển sang trồng cây, con khác

50.000ha đất lúa bị hạn mặn được chuyển sang trồng cây con khác

 - Ảnh 1.

Nông dân Trà Vinh trồng hoa màu trên đất lúa để thích ứng với hạn mặn.

Cụ thể, thông tin trên Sài Gòn giải phóng cho biết, các địa phương hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang trồng rau màu khoảng 45.300ha, trồng cây ăn trái 3.450ha, nuôi thủy sản các loại 1.200ha. Bên cạnh đó, còn chủ động thực hiện việc cắt vụ, giãn vụ khoảng 100.000ha đất lúa ở những khu vực khó khăn về nguồn nước.

Tuy nhiên, điều lo ngại hiện nay là có khoảng 60.000ha lúa đông xuân do nhiều nông dân Đồng bằng sông Cửu Long tự gieo sạ muộn vào tháng 1-2020, không theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Các trà lúa này đang ở giai đoạn trổ bông, trong đó có khoảng 30.000ha khả năng bị ảnh hưởng hạn mặn, dẫn đến nguy cơ thiệt hại nếu nguồn nước cung cấp không đủ trong những ngày tới.

Cùng với các giải pháp cứu hàng chục ngàn ha lúa bị hạn mặn trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các cơ quan chuyên môn trực thuộc bộ và các địa phương nhanh chóng rà soát, xây dựng kế hoạch xuống giống vụ lúa hè thu và vụ mùa, phù hợp với tình trạng nguồn nước và thích ứng với xâm nhập mặn phức tạp.

Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục chuyển đổi mạnh hơn về cơ cấu cây trồng; nhất là các khu vực không chủ động được nguồn nước, thường xuyên bị hạn mặn thì nên giảm đất lúa để chuyển sang nuôi thủy sản, trồng rau màu, cây ăn trái… đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, đồng thời tăng được giá trị thu nhập cho nông dân.

50.000ha đất lúa bị hạn mặn được chuyển sang trồng cây con khác

 - Ảnh 2.

Bộ NN-PTNT khuyến cáo các tỉnh ĐBSCL chuyển đổi đất lúa không chủ động được nguồn nước sang trồng cây khác, nhằm giảm thiệt hại.

Trao đổi với Vnexpress, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long lý giải, do El Nino diễn ra trên toàn lưu vực sông Mekong từ đầu năm 2019 kéo dài đến tháng 9, làm cho mưa thấp kỷ lục, dẫn đến thiếu nước. Cộng với tình trạng các đập thủy điện thượng nguồn trữ nước chạy các tuabin, làm chậm đường đi của dòng Mekong. Tuy nhiên, do đã được dự báo sớm và có kinh nghiệm ứng phó, nên thiệt hại ghi nhận không nặng nề như bốn năm trước.

Chuyên gia này cho rằng, về lâu dài, cần hạn chế tối đa sự can thiệp thô bạo vào tự nhiên, như Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, diện tích gần 1,2 triệu ha chỉ nên làm hai vụ, tập trung sản xuất sạch, hữu cơ. Cần giảm bớt diện tích trồng lúa, chuyển sang cây trồng ít sử dụng nước. Mùa lũ cần cho nước tràn vào hai vùng này để bồi đắp phù sa, vệ sinh đồng ruộng. Lúc đó vùng hạ nguồn sẽ bớt ngập, bớt nhu cầu đê bao khép kín, nước có thể vào lại ruộng vườn.

HÒA THANH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh