CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:52

50 năm Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN: Những thành tựu và sự tham gia của Việt Nam

 

Nhìn lại một quá trình

Kể từ những ngày đầu thành lập, mục tiêu hợp tác về văn hóa - xã hội trong ASEAN đã được chú trọng cùng với các mục tiêu về đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và tăng cường hợp tác kinh tế. Trải qua một quá trình hợp tác và phát triển, sau khi Hiệp hội đã bao gồm cả 10 quốc gia Đông Nam Á, lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua văn kiện quan trọng là Tầm nhìn ASEAN 2020, với mục tiêu tổng quát nhằm đưa Hiệp hội trở thành “một nhóm hài hòa các dân tộc Đông Nam Á, gắn bó trong một cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau”. Đồng thời, ý tưởng về việc xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) cùng với 2 Cộng đồng khác là Chính trị - An ninh và Kinh tế được hình thành.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Tháng 10/2003, lãnh đạo các nước ASEAN đã ký Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II (Tuyên bố Ba li II), nhất trí đề ra mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với ba trụ cột chính: Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC); đồng thời khẳng định ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài khối, vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và hợp tác cùng có lợi ở khu vực.

Để kịp thích ứng với những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực cũng như trên cơ sở những thành tựu của ASEAN trong 40 năm qua, nhất là kết quả thực hiện Chương trình hành động Viên Chăn (VAP), tháng 1/2007, với quyết tâm đẩy nhanh tiến trình liên kết nội khối dựa trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, lãnh đạo các nước ASEAN đã nhất trí đẩy nhanh hơn mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 (thay vì vào năm 2020 như thỏa thuận trước đây).

Theo đó, ASEAN đã khẩn trương xúc tiến xây dựng các Kế hoạch tổng thể (Blueprint) để xây dựng Cộng đồng Chính trị- An ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, trong đó đề ra mục tiêu và thời hạn hoàn thành đối với từng biện pháp, hoạt động cụ thể.

Với việc hình thành Cộng đồng ASEAN cuối năm 2015, lao động các quốc gia ASEAN tự do di chuyển tìm kiếm việc làm trong nội khối.

Thành tựu của ASCC trong 50 năm qua

ASCC là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, với mục tiêu góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN “cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng tới con người, xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội nhằm đạt được tình đoàn kết và thống nhất lâu bền giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận và rộng mở, nơi cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao”.

ASCC tập trung nhiều vào khía cạnh con người, vào những nội dung thiết thực với cuộc sống của toàn thể người dân trong khu vực. Việc đẩy mạnh xây dựng ASCC sẽ thúc đẩy sự gắn kết người dân giữa các quốc gia, khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình xây dựng Cộng đồng; đồng thời bổ trợ tích cực cho việc xây dựng hai trụ cột còn lại.

Lễ thượng cờ ASEAN nhân Kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN.

Báo cáo đánh giá việc thực hiện Kế hoạch tổng thể ASCC giai đoạn 2009 - 2015 đã chỉ ra những kết quả phát triển quan trọng của Cộng đồng, góp phần thúc đẩy sự thay đổi xã hội trong khu vực, cụ thể như: Hợp tác khu vực được tăng cường; giảm đáng kể tình trạng nghèo cùng cực ở một số nước thành viên ASEAN (AMS); cải thiện sức khỏe và giáo dục; gia tăng chất lượng lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu lao động khu vực và toàn cầu; phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển các phong cách sống tích cực.

Nhìn lại quá trình hợp tác thời gian qua, các nước hài lòng ghi nhận những thành tựu văn hoá - xã hội quan trọng đạt được trong khuôn khổ xây dựng Cộng đồng ASEAN. Việc thực hiện Kế hoạch tổng thể ASCC nhìn chung là tích cực, trong đó có khoảng 99% các dòng hành động đã được giải quyết thông qua việc tiến hành các hoạt động khác nhau của các cơ quan chuyên ngành ASEAN.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại Diễn đàn Trẻ em ASEAN lần thứ 4, tháng 6/2016 do Việt Nam đăng cai.

Đáng chú ý, trong vòng hai thập kỷ qua, tỷ lệ người sống dưới mức 1,25 USD/ngày đã giảm từ 1/2 xuống còn 1/8; tất cả các nước thành viên ASEAN đã cho thấy sự cải thiện rõ rệt trong Chỉ số phát triển con người; hầu hết các nước thành viên ASEAN đã ban hành luật pháp, chính sách và chương trình an sinh xã hội để ứng phó với các tác động tiêu cực của hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa đối với các nhóm yếu thế; tỷ lệ phụ nữ tham gia nghị viện đạt mức 18,5%; đã có 24 di sản văn hoá của ASEAN được UNESCO công nhận... Ngoài ra, số dân trong độ tuổi 15- 24 biết chữ ở khu vực ASEAN đã đạt tỷ lệ hơn 98%.

Tuy nhiên, đói nghèo, dịch bệnh, thiếu tiếp cận trường học, thảm họa thiên tai, ô nhiễm môi trường vẫn đang là những thách thức lớn của Cộng đồng các nước thành viên ASEAN. Do đó, vẫn cần phải làm nhiều việc hơn nữa để bảo đảm những lợi ích và kết quả của sự tiến bộ, cần phải tìm các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong việc xây dựng một ASEAN bền vững, tự cường.

Với dân số hiện nay khoảng 650 triệu người, trong đó hơn 300 triệu người tham gia lực lượng lao động và tổng sản lượng hàng năm được ước tính khoảng 2.000 tỷ USD, Cộng đồng ASEAN không chỉ chú trọng vào yếu tố thị trường chung, mà còn đặc biệt chú ý đến việc hỗ trợ nhau để trở thành khu vực phát triển đồng đều, hướng đến một Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm.

Sự hình thành Cộng đồng ASEAN năm 2015 có ý nghĩa hết sức to lớn, cụ thể là đã phản ánh được sự lớn mạnh của ASEAN sau 50 năm hình thành và phát triển vươn lên trở thành một cộng đồng liên kết chặt chẽ trên cả 3 trụ cột: Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội, với vị thế ngày càng cao ở cả khu vực và thế giới. Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN vào năm 2025 được kỳ vọng sẽ là một cộng đồng thu hút sự tham gia của người dân và mang lại lợi ích cho người dân, là một cộng đồng đùm bọc, bền vững, tự cường và năng động. Cùng với đó, Kế hoạch tổng thể ASCC đến năm 2025 tiếp tục khẳng định “trọng tâm của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN là cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng vào người dân, thân thiện với môi trường và hướng tới thúc đẩy phát triển bền vững” với các đặc điểm, thành tố gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân, hòa nhập, bền vững, tự cường và năng động.

Việc thực hiện Kế hoạch tổng thể ASCC đến năm 2025 đang được tích cực triển khai bởi các cơ quan chuyên ngành thuộc Cộng đồng,trong đó Hội đồng ASCC chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện, với sự hỗ trợ của Hội nghị các quan chức cấp cao (SOCA) và các cơ quan chuyên ngành.

Thí sinh Việt Nam tham dự kỳ thi tay nghề ASEAN.

Sự tham gia đóng góp của Việt Nam vào ASCC

Trải qua hơn hai thập kỷ gia nhập ASEAN, Việt Nam đã và đang thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm nghĩa vụ của mình, góp phần quan trọng vào sự phát triển và thành công của ASEAN nói chung và ASCC nói riêng:

- Nỗ lực xây dựng ASCC thông qua việc thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện các văn kiện định hướng cho việc thực hiện các mục tiêu của ASCC. Trong năm Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến, chủ trì xây dựng và trình các nhà lãnh đạo Cấp cao ASEAN thông qua hai văn kiện quan trọng của ASCC là Tuyên bố Hà Nội về Phúc lợi và Phát triển cho phụ nữ và trẻ em trong ASEAN và Tuyên bố của lãnh đạo cấp cao ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đưa ra sáng kiến và cùng các nước ASEAN nỗ lực xây dựng các Tuyên bố khác như: Tuyên bố ASEAN về Tăng cường an sinh xã hội; Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em trong ASEAN; Tuyên bố Bandar Seri Begawan về thanh niên tình nguyện và doanh nhân trẻ; Tuyên bố ASEAN về tăng cường hợp tác trong quản lý thảm họa. Các Tuyên bố này đều được thông qua vào năm 2013. Đây là các văn kiện quan trọng, định hướng hoạt động cũng như thúc đẩy quá trình xây dựng một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

- Tích cực triển khai thực hiện các sáng kiến khu vực và Kế hoạch tổng thể ASCC giai đoạn 2009 - 2015. Việt Nam được đánh giá là một thành viên có nhiều cố gắng trong việc lồng ghép thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể ASCC giai đoạn 2009 - 2015 vào các chương trình, dự án quốc gia và đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, môi trường, khoa học và công nghệ.

- Nỗ lực trong việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thành viên và thúc đẩy hợp tác chuyên ngành thông qua việc tổ chức thành công các sự kiện quan trọng cấp Bộ trưởng thuộc ASCC. Điển hình như: Tổ chức thành công Hội nghị Hội đồng ASCC  lần thứ 3 tháng 4/2010 và lần thứ 5 tháng 8/2010; Hội nghị Bộ trưởng Thanh niên ASEAN lần thứ 7 năm2011; Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa và Nghệ thuật ASEAN lần thứ 6 cùng các sự kiện văn hóa, nghệ thuật liên quan tháng 4/2014; Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 tháng 9/2014; Hội thi tay nghề ASEAN tháng 10/2014; Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 và các sự kiện liên quan tháng 10/2015.

- Hưởng ứng các sáng kiến và nỗ lực chung của ASEAN ngay sau khi Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập như tích cực thực hiện những ưu tiên trong lĩnh vực lao động, việc làm, thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động di cư; lồng ghép giới và bảo vệ các quyền của phụ nữ; thúc đẩy và bảo vệ quyền có quốc tịch của phụ nữ và trẻ em; thúc đẩy sự tham gia kinh tế của người cao tuổi; diễn đàn trẻ em ASEAN nhằm tăng cường sự tham gia của trẻ em và thúc đẩy thực hiện các quyền trẻ em,...

- Là quốc gia đi đầu trong thúc đẩy việc thực hiện Kế hoạch tổng thể ASCC đến năm 2025 với việc ban hành “Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của ASCC đến năm 2025” ở cấp quốc gia, trong đó các mục tiêu cụ thể bao gồm: Đến cuối năm 2016, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch hành động triển khai nội dung của Đề án; Nâng cao nhận thức và năng lực cho các cơ quan, tổ chức và người dân về ASCC; và huy động nguồn lực để đảm bảo thực hiện một cách hiệu quả các mục tiêu xây dựng Cộng đồng gắn kết và mang lại lợi ích, hòa nhập, bền vững, tự lực tự cường và năng động. Đề án đã được dịch sang tiếng Anh để giới thiệu tại các phiên họp của Hội nghị Hội đồng ASCC và nhận được sự quan tâm của tất cả các nước thành viên ASEAN. Các nước đánh giá cao và đề nghị Việt Nam thường xuyên chia sẻ về tiến độ thực hiện Đề án ở cấp quốc gia như một điển hình tốt trong ASEAN.

Phương hướng tham gia của Việt Nam vào ASCC thời gian tới

Sau nửa thập kỷ phát triển, tương lai phía trước của ASEAN vẫn đang rộng mở, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang biến đổi nhanh và tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 hứa hẹn nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức với các nước trong khối. Mặc dù có thêm nhiều cơ hội việc làm, di chuyển lao động có kỹ năng, thúc đẩy, bảo vệ quyền của nhóm yếu thế và an sinh xã hội, Việt Nam cũng sẽ gặp những thách thức do hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân sự trong việc thực hiện các hoạt động theo cam kết khu vực về lao động và xã hội, ngay cả đối với những sáng kiến hoạt động do Việt Nam đề xuất. Ngoài ra, nhận thức của người dân về ASEAN nói chung và về ASCC nói riêng vẫn còn chưa cao.

Trong bối cảnh đó, phương hướng về sự tham gia của Việt Nam vào ASCC trong thời gian tới là:

Thứ nhất, tiếp tục tham gia với phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”; đóng vai trò đi đầu hoặc dẫn dắt trong một số lĩnh vực hay vấn đề mà ta có thế mạnh hoặc có lợi ích trực tiếp; kiên trì các vấn đề nguyên tắc nhưng cần linh hoạt về biện pháp và cách thức tiến hành nhằm tranh thủ những điểm tương đồng, hạn chế và thu hẹp bất đồng, tăng cường đoàn kết và hợp tác ASEAN; kết hợp chặt chẽ giữa các hoạt động đa phương và song phương;

Thứ hai, chuẩn bị tốt hơn về mặt nội bộ, nhất là chủ động nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến, dự án có giá trị và khả thi nhằm thúc đẩy đưa những ưu tiên của Việt Nam vào các hoạt động khu vực hướng tới việc học hỏi kinh nghiệm và điển hình tốt về luật pháp và chính sách và việc thực hiện các lĩnh vực chuyên ngành;

Thứ ba, tăng cường nguồn nhân lực, vật lực nhằm đảm bảo sự tham gia và tiếng nói đồng đều của Việt Nam trong tất cả các cơ quan chuyên ngành, các hoạt động theo nghĩa vụ thành viên; cần có kế hoạch phân bổ nguồn lực tài chính và kỹ thuật để thực hiện các cam kết, sáng kiến của Việt Nam trong ASEAN nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của Việt Nam;

Thứ tư, nâng cao nhận thức về ASEAN cũng như tầm quan trọng của việc Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN để có sự quan tâm và đầu tư nguồn lực thích đáng, đặc biệt là sự chú trọng và ủng hộ của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể; thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định trong nước để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các cam kết ASEAN. 

ĐÀO NGỌC DUNG (Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh