5 bước giải quyết khi mắc sai lầm trong công việc
- Bài thuốc hay
- 16:51 - 31/07/2019
Dũng cảm tự thú
“Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”… khi mắc lỗi lầm thì việc dũng cảm “tự thú” là đều cần thiết. Bạn nên thừa nhận sai lầm và chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những hành động, quan điểm chưa đúng đắn ở hiện tại. Thay vì tìm cách lấp liếm, bạn hãy “tự thú”. Cấp trên thường đánh giá cao những nhân viên tự giác nhận khuyết điểm của mình và coi đó là một bước tiến trong công việc cũng như sự phát triển của nhân viên. Chắc chắn rằng nếu bạn thừa nhận sai, bạn sẽ được “khoan hồng” bằng một mức khiển trách hoặc kỷ luật nhẹ nhất. Ngược lại, nếu cố tìm giấu diếm dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng hơn thì bạn có thể bị sa thải, phải tìm việc làm nhanh chóng để thay thế , thậm chí gặp phiền phức lớn hơn nữa.
Đề xuất giải pháp khắc phục
Hãy đề xuất các biện pháp khắc phục những sai lầm của mình sau khi đã suy nghĩ thấu đáo. Bạn có thể nhờ sự trợ giúp từ bạn bè hoặc đồng nghiệp để đưa ra giải pháp phù hợp nhất. Đây là cơ hội tốt để chứng minh bạn là người có khả năng và có thành ý khắc phục sai lầm đã gây ra.
Cam kết không tái phạm lỗi sai tương tự
Thất bại để trưởng thành hơn. Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần. Chính những lần thất bại giúp ta có kinh nghiệm tuyệt vời để tránh những va vấp về sau. Tuy nhiên, đừng đi vào “vết xe đổ” của chính mình. Vì khi bạn mắc một sai lầm đến 2 lần, có nghĩa là bạn quá dễ dãi với bản thân mình, không có tinh thần khắc phục và chắc chắn điều đó sẽ khiến cấp trên và đồng nghiệp của bạn dần xa lánh bạn.
Vượt qua nỗi sợ thất bại
Đứng lên ngay sau một cú ngã đau là chuyện chẳng hề dễ dàng nhưng bắt buộc bạn phải đứng dậy và bước tiếp về phía tương lai. Đừng khiến bản thân cảm thấy chán nản, mệt mỏi cùng cực mỗi khi mắc sai lầm. Điều này chỉ làm lãng phí thời gian. Hãy biến thất bại này thành một bài học cuộc sống, và sử dụng nó để giúp bạn làm việc tốt hơn. Chỉ khi bạn vượt qua nỗi sợ thất bại bạn mới vươn đến những thành công khác.
Liên tục trau dồi kỹ năng
Đừng bao giờ quên đi bài học giá trị mà bạn nhận ra được sau sai lầm. Hãy lưu giữ nó như một vật báu cho cuộc đời bạn vì có những lúc chúng ta sẽ cần đến nó như chìa khóa của sự thành công. Nhớ đến sai lầm để tránh mắc phải trong tương lai và thêm quý trọng những thành công đạt được.
Bên cạnh đó, hãy luôn trau dồi kỹ năng liên tục bởi “Ngọc không mài không quý, người không học không hay”. Để tránh sai sót trong công việc bạn cần phải đủ kiến thức để hiểu hết các vấn đề, đủ nhạy bén để phát hiện những điểm bất ổn, đủ linh hoạt để xoay chuyển tình thế, đủ khéo léo để vượt qua những khúc cua khó khăn trong công việc, đủ tinh thần để đối phó với áp lực, đủ bình tĩnh để gỡ hết những nút thắt đang gặp phải… và còn rất nhiều yếu tố khác bạn cần trau dồi để trở nên “bất khả chiến bại”. Kỹ năng càng hoàn thiện càng khó sai lầm. Bản thân càng hoàn thiện, càng dễ chạm vào đỉnh thành công.
Vậy, làm sao để tránh phạm sai lầm trong công việc, người nhân viên nên nghiêm túc kiểm điểm lại mình và phân tích xem tại sao mình phạm lỗi để tránh mắc phải những sai sót tương tự. Tuy nhiên, không nên quá sa đà vào việc phân tích ấy mà hãy cố gắng làm việc tốt hơn để xây dựng lại niềm tin của cấp trên. Phải biết vượt qua sự tự ái của bản thân, ngại ngùng với đồng nghiệp để tiếp tục công việc. Không dùng quà cáp biếu xén hay nịnh bợ sếp vì như thế chứng tỏ bạn coi thường họ khiến cho họ càng thiếu thiện cảm đối với bạn. Đồng thời, để tránh phạm sai lầm, khi nhận công việc mới chúng ta nên trao đổi trước với sếp, nhờ sếp mô tả trước công việc sẽ làm và hỏi ngay những vấn đề khúc mắc. Ngoài ra bạn nên học hỏi nhiều hơn ở đồng nghiệp đi trước. Nếu cảm thấy công việc quá khó, vượt quá khả năng thì bạn nên kiến nghị với sếp để được sắp xếp công việc phù hợp. Được làm việc ở một vị trí yêu thích sẽ khiến bạn say mê làm việc hơn, đó cũng là cách để tránh sai lầm.
Hy vọng rằng những chia sẻ từ bài viết sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích để đối diện với sai lầm và biết cách tận dụng sai lầm để vươn đến thành công.