THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:03

40% người bệnh nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không dùng vì sợ… kỳ thị

40% người bệnh nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không dùng vì sợ… kỳ thị - Ảnh 1.

Điều trị bệnh nhân HIV tại Bệnh viện Đống Đa

Đây là thực trạng đáng suy nghĩ bởi từ năm 2020 tới đây, các nguồn thuốc kháng virus ARV điều trị HIV sẽ không còn, khi đó toàn bộ chi phí điều trị ARV sẽ được hỗ trợ qua bảo hiểm y tế.

Và như vậy, với kinh phí điều trị ARV trung bình vào khoảng 6-13 triệu đồng/người/năm, nếu không có bảo hiểm y tế, người bệnh sẽ khó theo nổi.

Lây truyền HIV qua tình dục đồng giới nam tăng báo động

Có mặt tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đống Đa - cơ sở tuyến đầu về điều trị HIV của thành phố Hà Nội, chúng tôi ghi nhận khu vực phòng khám, quầy tiếp đón làm thủ tục bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV đã được sắp xếp lại thành một khu riêng biệt.

Trong khi đó, tại khu vực điều trị nội trú cũng chỉ có một số ít người bệnh HIV đang điều trị, chủ yếu là người bệnh mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội nặng.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đống Đa cho biết, với vai trò được Sở Y tế phân công là bệnh viện tuyến đầu về quản lý điều trị bệnh nhân HIV của toàn thành phố, hiện Bệnh viện Đống Đa đang quản lý điều trị khoảng 1.300 bệnh nhân HIV, bao gồm cả những bệnh nhân là người ngoại tỉnh nhưng đang sống ở Hà Nội.

Qua theo dõi trong 9 tháng đầu năm nay, bệnh nhân HIV được phát hiện mới vào khám, điều trị đa số là người trẻ, bị lây truyền HIV chủ yếu qua đường tình dục, tiếp đó mới đến tiêm chích ma túy. Đặc biệt, thời gian gần đây, xu hướng lây truyền HIV qua con đường quan hệ tình dục đồng giới nam gia tăng báo động.

“Nhiều bệnh nhân còn rất trẻ. Qua tiếp xúc cho thấy, các bạn trẻ này tiếp cận những thông tin về tình dục đồng giới trên mạng một cách khá dễ dãi và lại không hiểu biết đầy đủ về các biện pháp phòng tránh bệnh qua đường tình dục. Đây là xu hướng cần cảnh báo” – bác sĩ Minh chia sẻ.

Ngược lại, tín hiệu tích cực là hiện nay, người bệnh HIV vào khám, điều trị thường ở giai đoạn sớm chứ không như trước đây thường có các biểu hiện bệnh, xuất hiện các nhiễm trùng cơ hội ồ ạt rồi mới vào viện.

Cũng vì được phát hiện bệnh sớm và điều trị theo đúng phác đồ nên đa số đều có tình trạng sức khỏe tiến triển tốt lên, không phải nhập viện nằm nội trú.

40% người bệnh nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không dùng vì sợ… kỳ thị - Ảnh 2.

Bảo hiểm y tế là "phao cứu sinh" cho người bệnh HIV khi thuốc ARV không còn được cấp miễn phí

Đa phần người bệnh vẫn lo sợ kỳ thị

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thái Minh, HIV giờ được coi như là một căn bệnh mãn tính của xã hội hiện đại, cũng giống như bệnh tiểu đường, huyết áp, viêm gan B… chứ không còn là căn bệnh thế kỷ nữa. Dù chưa có thuốc chữa khỏi bệnh song nếu được phác hiện sớm và tuân thủ đúng phác đồ điều trị ARV thì bệnh nhân vẫn hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh trong nhiều năm.

Thế nhưng, dù tính chất bệnh thay đổi, nhận thức của người bệnh thay đổi, song phần đa người bệnh vẫn còn mặc cảm và lo sợ sự kỳ thị của cộng đồng, thậm chí tìm cách giấu giếm bệnh.

Trong số 1.300 bệnh nhân HIV được quản lý điều trị tại Bệnh viện Đống Đa, khoảng 80% bệnh nhân có Bảo hiểm y tế. 20% số bệnh nhân HIV chưa có thẻ Bảo hiểm y tế chủ yếu rơi vào đối tượng học sinh sinh viên, một số đối tượng vừa đi tù, đi trại về và một số đối tượng hộ nghèo.

Tuy nhiên, qua theo dõi, trong số 80 người có thẻ Bảo hiểm y tế thì chỉ khoảng 40% người bệnh thường xuyên sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế mỗi lần đi khám chữa bệnh. Bác sĩ Minh phân tích, một phần bệnh nhân ở ngoại tỉnh nên không chuyển đúng tuyến Bảo hiểm y tế được hoặc bệnh nhân từ tuyến dưới của thành phố chủ động vượt tuyến lên.

“Mặt khác, có một tỷ lệ không nhỏ lượng bệnh nhân HIV mà bệnh viện đang tiếp nhận, điều trị là viên chức, công chức hoặc người đang đi làm việc ở các doanh nghiệp, đơn vị… nên họ ngại sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế vì lo sợ bị lộ danh tính, sợ sự kỳ thị của cộng đồng” – bác sĩ Minh cho biết.

Hiện thuốc ARV (thuốc kháng virus HIV) vẫn đang được cấp miễn phí theo tài trợ của các dự án, tuy nhiên chương trình này chỉ kéo dài đến hết năm nay. Bắt đầu từ năm 2020 tới đây, tất cả chi phí điều trị thuốc kháng virus đều được hỗ trợ chi trả qua BHYT, khi đó nếu bệnh nhân nhiễm HIV không có thẻ Bảo hiểm y tế thì rất khó có thể theo điều trị được.

Để chuẩn bị cho việc chuyển từ cấp miễn phí thuốc ARV sang hỗ trợ chi trả thuốc ARV qua Bảo hiểm y tế, vừa qua, Bệnh viện Đống Đa đã triển khai đề án khám chữa bệnh cho người bệnh HIV bằng Bảo hiểm y tế. Theo đó, bệnh viện đã tổ chức một khu làm thủ tục Bảo hiểm y tế riêng cho người bệnh HIV để giúp người bệnh thuận tiện hơn và “đỡ ngại” khi phải làm thủ tục Bảo hiểm y tế ở chung quầy với các bệnh nhân thông thường...

Các bác sĩ cho biết, ước tính, một người nhiễm HIV khi điều trị bằng thuốc ARV thì quỹ Bảo hiểm y tế phải chi trả khoảng 6-13 triệu đồng/người/năm cho tiền thuốc và các chi phí xét nghiệm, thuốc nhiễm trùng cơ hội… Nếu không tham gia BHYT, người nhiễm HIV rất khó có đủ khả năng chi trả chi phí điều trị. Vì thuốc ARV phải uống suốt đời nên người bệnh cần chủ động tham gia Bảo hiểm y tế và đi khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế để được chi trả.

Hơn 9.100 bệnh nhân HIV ở Hà Nội đang được điều trị ARV

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đến hết năm 2018, thành phố đã ghi nhận 21.038 trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống. Hiện, Hà Nội duy trì 22 phòng khám ngoại trú cho bệnh nhân HIV, trong đó có hơn 9.148 người đang được điều trị ARV.

Năm 2019, cùng với cả nước, thành phố triển khai cấp thuốc ARV bằng nguồn Bảo hiểm y tế tại 5 cơ sở điều trị. Hà Nội cũng đã phê duyệt kinh phí 1,6 tỷ đồng để hỗ trợ cùng chi trả thuốc ARV cho bệnh nhân HIV có thẻ Bảo hiểm y tế. Tính đến hết tháng 7-2019, thành phố đã có 7.801 người nhiễm HIV đang điều trị ARV có thẻ Bảo hiểm y tế (chiếm 85,3%).

Phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến nay, Việt Nam là nước duy nhất huy động nguồn lực trong nước thông qua Bảo hiểm y tế để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV/AIDS.

Theo DUY TIẾN/ANTĐ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh