CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:17

Hết năm 2019 sẽ có 48.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV từ BHYT

TS Hoàng Đình Cảnh cho biết:

Điều trị ARV đã triển khai tại Việt Nam  hơn 10 năm nay, hầu hết từ nguồn tài trợ quốc tế. Hiện nay, có trên 115 nghìn người nhiễm HIV đang được điều trị ARV và con số này sẽ ngày một tăng. Trong khi đó, nguồn viện trợ đã giảm dần và kết thúc vào năm 2018. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã chủ trương sử dụng BHYT là nguồn thay thế và chỉ đạo các địa phương phải đảm bảo 100% người nhiễm có thẻ BHYT.

Người nhiễm HIV thuộc rất nhiều các đối tượng khác nhau và sẽ tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng đã quy định trong Luật BHYT. Tuy nhiên, phần đông người nhiễm HIV thuộc nhóm người không được hỗ trợ của nhà nước mà phải tham gia BHYT theo hộ gia đình. Các địa phương cân đối kinh phí hỗ trợ cho những đối tượng thuộc hộ cận nghèo, khó khăn để đảm bảo 100% người nhiễm có thẻ BHYT.

 

TS Hoàng Đình Cảnh


Với chủ trương BHYT toàn dân thì việc điều trị ARV thông qua BHYT sẽ khuyến khích mọi người tham gia trong đó bao gồm cả người nhiễm HIV vì BHYT không chỉ phục vụ khám điều trị HIV/AIDS hay cấp thuốc ARV mà còn để khám và chữa các bệnh khác.

Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời nếu không tham gia BHYT người nhiễm HIV sẽ phải chi trả khoản kinh phí lớn hàng năm. Vì vậy, điều trị ARV thông qua BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý và phù hợp với hầu hết người dân Việt Nam.

Vậy xin ông cho biết, về phía cơ sở khám, chữa bệnh đã chuẩn bị như thế nào để chuyển đổi khám và điều trị HIV/AIDS qua BHYT?

Để triển khai khám, chữa bệnh từ quỹ BHYT, cơ sở y tế đó phải đủ điều kiện ký hợp đồng với BHXH. Vì vậy, các cơ sở điều trị HIV/AIDS phải được kiện toàn lại. Để thực hiện, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chuyên môn  và với sự hỗ trợ kỹ thuật của các dự án, đối tác quốc tế, đến nay hơn 90% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn để được ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, khoảng 85% cơ sở điều trị đã thanh toán ít nhất một dịch vụ từ nguồn quỹ BHYT. Năm 2019, năm đầu tiên sẽ triển khai khám chữa bệnh BHYT ở 188 cơ sở, dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có 48.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV từ BHYT.

Hiện Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV để tránh tình trạng nhận thuốc nhiều nguồn.  Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động để người nhiễm HIV hiểu và chủ động tham gia BHYT. Các nhân viên y tế đã được cung cấp đầy đủ thông tin về BHYT và điều trị ARV và được tập huấn nhằm tăng cường kỹ năng tư vấn, truyền thông, giáo dục cho người nhiễm HIV tầm quan trọng tham gia BHYT và tự nguyện tham gia BHYT.

Về vấn đề cung ứng thuốc, sau một thời gian nỗ lực, khẩn trương chuẩn bị cho sự chuyển đổi nguồn thuốc, đến giờ phút này, chúng ta có thể khẳng định những viên thuốc ARV đầu tiên từ nguồn BHYT sẽ đến tay người bệnh trong những ngày đầu tháng 3 năm 2019 này.

 

Tư vấn điều trị ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV

 

Sắp tới, Bộ Y tế sẽ có giải pháp gì  để người nhiễm HIV tham gia BHYT toàn diện, thưa ông?

Hiện nay, Chính phủ đã xác định BHYT sẽ là nguồn chính chi trả thuốc ARV khi nguồn viện trợ cắt giảm và chấm dứt với mục tiêu tăng tỷ lệ người nhiễm có thẻ lên 100% . Để thực hiện được mục tiêu này với các nhóm đối tượng khác nhau có giải pháp khác nhau, cụ thể:

 Với những người không thuộc diện hỗ trợ của nhà nước cần  tuyên truyền cho người nhiễm HIV hiểu được lợi ích của BHYT, khuyến khích người nhiễm HIV tham gia BHYT ngay vì BHYT không chỉ phục vụ khám điều trị HIV/AIDS hay cấp thuốc ARV mà còn để khám và chữa các bệnh khác. Hiện nay đã có những chính sách khuyến khích người nhiễm HIV mua thẻ BHYT như nếu mua theo hộ gia đình sẽ được giảm trừ từ những người thứ hai trở đi hoặc người nhiễm HIV đã tham gia BHYT rồi mà chưa thể tham gia theo hộ gia đình thì vẫn tiếp tục được mua BHYT theo cá nhân, hay người nhiễm HIV có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS có đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện và tuyến tỉnh.

Với những đối tượng được nhà nước hỗ trợ như người nghèo, người cận nghèo, người sống ở vùng núi, dân tộc, vùng sâu, vùng xa thì sử dụng thẻ BHYT mà nhà nước đã hỗ trợ để khám và điều trị HIV/AIDS.

Một số đối tượng thật sự rất khó khăn không thể mua được thẻ BHYT mà lại chưa nằm trong nhóm đối tượng nghèo hay cận nghèo hoặc nhóm được chính phủ hỗ trợ thì các địa phương có thể sử dụng một phần kinh phí kết dư của quỹ BHYT để hỗ trợ mua thẻ cho họ.

Hy vọng rằng, với những giải pháp trên trong thời gian tới độ bao phủ của BHYT trong nhóm người nhiễm HIV sẽ tăng nhanh và có thể đạt được mục tiêu như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh