4 vi chất dinh dưỡng bắt buộc tăng cường vào thực phẩm
- Sức khỏe
- 12:29 - 15/02/2016
Vi chất dinh dưỡng nêu trên phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc phải phù hợp với quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
3 thực phẩm sau đây bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng tương ứng: Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt; Bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm; Dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc phải tăng cường vitamin A, trừ dầu thực vật dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp.
Thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng nêu trên phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc phải phù hợp với quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Mục đích tăng cường I-ốt vào muối để phòng, chống bệnh bướu cổ, đần độn và các rối loạn do thiếu I-ốt gây ra.
Tăng cường dưỡng chất để đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ.
Tăng cường sắt vào bột mỳ để đề phòng, chống thiếu máu thiết sắt và khắc phục các hậu quả do thiếu máu thiết sắt gây ra như chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng, giảm phát triển trí tuệ.
Tăng cường kẽm vào bột mỳ để cải thiện tăng trưởng góp phần nâng cao tầm vóc con người; phòng, chống một số rối loạn chuyển hóa, biệt hóa tế bào, bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn phát triển xương, suy giảm chức năng sinh dục. Tăng cường vitamin A vào dầu thực vật để phòng, chống khô mắt, mù lòa và khắc phục các hậu quả như còi cọc, suy dinh dưỡng do thiếu vitamin A gây ra và góp phần tăng cường sức đề kháng cơ thể. Nghị định có hiệu lực từ 15/3/2016.
Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam thông qua Nghị định tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, nhằm cải thiện sức khỏe cho người dân, trực tiếp là trẻ em.
Theo UNICEF, hiện nay ở Việt Nam có hơn 54% phụ nữ có thai và hơn 63% trẻ dưới 5 tuổi trong tình trạng thiếu sắt hoặc thiếu máu; 80% phụ nữ có thai và hơn 69% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm; 35% phụ nữ đang cho con bú có sữa mẹ với hàm lượng vitamin A thấp. Do vậy, việc ban hành Nghị định tăng cường dinh dưỡng sẽ góp phần giúp Việt Nam ngăn chặn nhiều hậu quả sức khỏe nghiêm trọng, do thiếu vitamin và chất khoáng gây ra cho người dân và trực tiếp là trẻ em. Những quy định này sẽ mang lại hiệu quả trong việc cải thiện sức khỏe người dân, khi người tiêu dùng không phải mất công xác định và lựa chọn sản phẩm đặc biệt có bổ sung vi chất dinh dưỡng, hoặc thay đổi thói quen và khẩu vị ăn uống thường lệ.