Nhật Bản là nhà đầu tư vào Việt Nam có số vốn lớn nhất
- Huyệt vị
- 22:15 - 04/05/2017
Theo Tổng Cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Tư ước tính đạt 19.463,1 tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 4.358 tỷ đồng; vốn địa phương 15.105,1 tỷ đồng.
Tính chung 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 64,4 nghìn tỷ đồng, bằng 22,2% kế hoạch năm và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2016, gồm có:
Vốn trung ương quản lý đạt 14,1 nghìn tỷ đồng, bằng 21% kế hoạch năm và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước; Vốn địa phương quản lý đạt 50,3 nghìn tỷ đồng, bằng 22,6% kế hoạch năm và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 35.047,2 tỷ đồng, bằng 21,3% và tăng 1%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 12.597,5 tỷ đồng, bằng 25,1% và tăng 10,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 2.651,1 tỷ đồng, bằng 31,5% và tăng 8%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 7.836,2 tỷ đồng, bằng 24,2% kế hoạch năm và giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 3.952,7 tỷ đồng, bằng 11,6% và tăng 2,4%; Nghệ An 1.874,6 tỷ đồng, bằng 29% và tăng 12,1%; Vĩnh Phúc 1.651 tỷ đồng, bằng 27,5% và tăng 35,6%; Thanh Hóa 1.377,5 tỷ đồng, bằng 28,8% và tăng 4,2%; Bà Rịa - Vũng Tàu 1.364,4 tỷ đồng, bằng 25,9% và giảm 12,6%; Bình Dương 1.290,2 tỷ đồng, bằng 18% và tăng 8,3%.
Nhìn chung, tình hình giải ngân và thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm còn chậm. Trong thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương cần nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn theo chỉ đạo của Chính phủ.
Về đầu tư trực tiếp của nước ngoài, từ đầu năm đến thời điểm 20/4/2017 đã thu hút 734 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 4.881,6 triệu USD, tăng 5,3% về số dự án và giảm 4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, có 345 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4.361,2 triệu USD.
Cũng theo Tổng Cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2017 có 1.687 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 1.355,2 triệu USD.
Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 4 tháng đầu năm đạt 10.598 triệu USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng ước tính đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 4 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 2.581,4 triệu USD, chiếm 52,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành khai khoáng đạt 1.279 triệu USD, chiếm 26,2%; các ngành còn lại đạt 1.021,2 triệu USD, chiếm 20,9%.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước và góp vốn, mua cổ phần thì tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 4 tháng đầu năm 2017 đạt 7.369,3 triệu USD, chiếm 69,5% tổng vốn đăng ký; ngành khai khoáng đạt 1.280,1 triệu USD, chiếm 12,1%; các ngành còn lại đạt 1.948,6 triệu USD, chiếm 18,4%.
Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó Kiên Giang có số vốn đăng ký lớn nhất với 1.304,7 triệu USD, chiếm 26,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bình Dương 861,7 triệu USD, chiếm 17,7%; Tây Ninh 326 triệu USD, chiếm 6,7%; Bắc Giang 301 triệu USD, chiếm 6,2%; Bình Phước 282,3 triệu USD, chiếm 5,8%;
Thành phố Hồ Chí Minh 212,5 triệu USD, chiếm 4,4%; Đồng Nai 152,5 triệu USD, chiếm 3,1%; Bắc Ninh 142,5 triệu USD, chiếm 2,9%; Hà Nội 132,8 triệu USD, chiếm 2,7%; Nghệ An 122,7 triệu USD, chiếm 2,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu 113,2 triệu USD, chiếm 2,3%; Hải Dương 97,6 triệu USD, chiếm 2%.
Trong số 46 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, Nhật Bản là nhà đầu tư có số vốn lớn nhất với 1.521,6 triệu USD, chiếm 31,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 1.092,1 triệu USD, chiếm 22,4%;
Trung Quốc 735,2 triệu USD, chiếm 15,1%; Xin-ga-po 498,9 triệu USD, chiếm 10,2%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 283,1 triệu USD, chiếm 5,8%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 128,2 triệu USD, chiếm 2,6%.