4 món bánh dân dã rất dễ nghiện của Thanh Hóa
- Văn hóa - Giải trí
- 13:26 - 01/03/2017
1. Bánh cuốn
Nhắc đến các món bánh ở Thanh Hóa mà không nói đến bánh cuốn thì thiếu quá. Dù rằng bánh cuốn thì nhiều nơi có bán lắm, nhưng nếm thử, bạn sẽ thấy bánh cuốn Thanh Hóa có hương vị rất riêng.
zizohanoi
Bánh cuốn Thanh Hóa là thứ bánh cuốn nhân tôm thịt rất hấp dẫn và lạ miệng. Phần nhân ngọt thanh vị tôm tươi, lớp vỏ bánh mềm dẻo, để lâu cũng không bị cứng khô. Nước chấm bánh chỉ là mắm pha nhạt cùng vài lát ớt nhưng lại rất vừa phải, thêm miếng chả nướng nhưng khi ăn cùng bánh nóng thì không biết bao nhiêu cho đủ.
@largokent
@imthaothoo
Nếu đã từng một lần ăn thử, dám chắc rằng bạn sẽ nhớ mãi hương vị ấy và muốn trở lại quê Thanh để ăn thêm nhiều lần.
2. Bánh đúc sốt
Bánh đúc sốt là món ăn chỉ có ở xứ Thanh với hương vị riêng biệt và màu sắc khá đẹp mắt: màu xanh ngọc. Bột gạo tẻ nấu cùng ít nước vôi trong, phải có cả mỡ và hành phi để dậy mùi thơm. Rau ngót hoặc rau cải giã, lấy nước cốt pha vào nồi bánh, ấy chính là tạo nên màu xanh ngọc của bánh đúc sốt. Cứ đun trên lửa liu riu cho tới khi bánh chín, liên tục đảo đều tay bằng đũa cả để bánh được sánh, không bị vón cục.
Bánh đúc sốt phải ăn khi nóng hổi - Ảnh: H.Sơn
Món bánh đúc này phải ăn nóng, nồi bánh nhấc khỏi bếp được đặt trong thúng có lớp vải và nilông bao bọc kỹ để giữ nhiệt. Khi có khách ăn, cô bán hàng mới múc bánh ra bát, khói tỏa nghi ngút cùng mùi thơm ngào ngạt. Rải lên bát bánh một vài thìa đỗ xanh đã được nấu chín, đánh tơi.
Thức quà quê dân dã gắn bó tuổi thơ - Ảnh: H.Sơn
Bát bánh đúc sốt có màu xanh ngọc sóng sánh, lại thêm màu vàng của đỗ xanh phía trên, hương vị thì khỏi chê bởi vị là lạ, ngầy ngậy của bột gạo nấu nước ngót, lại có đỗ xanh bùi bùi. Đặc biệt, phần cháy nồi của bánh đúc sốt cũng rất ngon, giòn giòn, muốn ăn phải dặn cô bán hàng để dành thì mới có. Món ăn đơn giản, dân dã này gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người dân xứ Thanh.
Cháy bánh đúc sốt - Ảnh: H.Sơn
3. Bánh khoái tép nồi gang
Dẫu tên gọi có hơi hao hao giống món bánh khoái nổi tiếng của Huế nhưng hương vị và cách chế biến của món bánh khoái tép ở Thanh Hóa lại có nhiều điểm khác biệt.
Dầu ăn được đổ vào chảo gang làm nóng, rau được cho vào sau đó là bột. Nguồn: Báo ảnh Việt Nam
Để làm bánh, người ta bắc chiếc chảo gang loại lớn đun cho nóng ran rồi cho mỡ. Lúc này người làm nhanh tay cho một lớp bắp cải, rau cần lên, sao cho rải đều khắp mặt chảo, tiếp đến là cho bột vào và cuối cùng mới rắc tép lên. Đậy vung cho chín bánh khoảng 30 giây đến một phút là có thể gấp lại, bày ra đĩa dùng nóng.
Nguồn: Báo ảnh Việt Nam
Dùng chiếc xẻng nhỏ làm tách lớp bột chín ra khỏi chảo nóng, người xứ Thanh thường chọn loại nước mắm cốt cá ở vùng biển quê hương để pha chế làm nước chấm, không quá ngọt cũng chẳng gay gắt quá, vắt thêm quả quất thơm, một chút tiêu bắc, vài quả ớt chỉ thiên là xong. Bánh thơm, có vị ngọt của rau cần, bắp cải lẫn vị bùi, béo của tép đồng và viền ngoài giòn tan. Bánh ăn ngon nhất khi còn nóng và không tạo cảm giác ngấy khi ăn nhiều.
Nguồn: Báo ảnh Việt Nam
Nếu có dịp đến thăm mảnh đất quê Thanh xinh đẹp, bạn có thể đi cùng bạn bè tìm đến các hàng bánh khoái thường bán vào chiều muộn ở phố Trường Thi, Đào Duy Từ, Hàn Thuyên, chợ Vườn Hoa…
4. Bánh răng bừa
Bánh răng bừa được làm từ gạo tẻ xay nhuyễn gói trong lá chuối, nhân thịt lợn, hành khô, mộc nhĩ. Lá để gói bánh răng bừa thường là lá dong tươi lấy từ trên miền núi về, hoặc lá chuối tươi ngự cắt ở vườn nhà, rửa sạch đã được hơ qua lửa nhằm tăng độ dẻo cho lá và khỏi rách.
thienbinh.kit
Sau khi gói xong, những chiếc bánh lá răng bừa bằng ngón tay trỏ hoặc như những chiếc răng bừa xinh xắn được xếp ngay ngắn vào nồi, sau đó đổ nước đun sôi rồi luộc chín. Khi mới luộc xong, chiếc bánh bốc khói nghi ngút, dậy mùi thơm của hành mỡ, ăn vào thấy mềm và rất vừa miệng. Còn khi để nguội, ăn sần sật cũng ngon không kém phần.
@tien.lc
Trước đây, bánh chỉ xuất hiện vào những dịp lễ Tết, nhưng giờ thì nó được làm quanh năm và là món ăn ưa thích của nhiều người. Bánh răng bừa ăn lúc nào cũng ngon, nhất là trong những ngày mưa lạnh.