4 lưu ý quan trọng người lao động cần nắm rõ để nhận tiền theo gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng
- Dược liệu
- 20:55 - 30/04/2020
Có 6 nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp trong gói 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP. Trong đó bao gồm 3 nhóm đối tượng là người lao động. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng không tường tận về quy trình làm thủ tục dẫn đến làm mất quyền lợi chính đáng bản thân.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ ra 4 lưu ý quan trọng người lao động cần biết để quá trình xử lý thủ tục nhanh chóng và họ có cơ hội sớm nhận được số tiền hỗ trợ hơn.
Căn cứ Quyết định 15/2020/QĐ-TTg thì người lao động (NLĐ) gặp khó khăn do ảnh hưởng kinh tế của dịch Covid-19 hãy tuân thủ các việc dưới đây để nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9-4-2020:
1. Trường hợp NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: NLĐ lập và gửi văn bản đề nghị hỗ trợ theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Quyết định 15/2020 cho UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) để rà soát, xác nhận mức thu nhập và tổng hợp danh sách trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục giải quyết hỗ trợ cho NLĐ.
2. Trường hợp NLĐ không giao kết HĐLĐ (hay lao động tự do) bị mất việc làm: NLĐ lập và gửi văn bản đề nghị theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Quyết định 15/2020 cho UBND cấp xã sau ngày 15 hằng tháng để rà soát và lập danh sách NLĐ đủ điều kiện hỗ trợ gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục giải quyết hỗ trợ cho NLĐ.
3. Trường hợp lao động tự do có nơi thường trú và tạm trú không trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi tạm trú về việc không đề nghị hưởng các chính sách theo Quyết định 15/2020 và ngược lại.
4. Cuối cùng là trường hợp NLĐ bị tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương, thì doanh nghiệp sẽ chủ động lập danh sách NLĐ trong doanh nghiệp có đủ điều kiện được hỗ trợ để gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết hỗ trợ cho NLĐ, nên NLĐ không phải lập và gửi văn bản đề nghị hỗ trợ nữa.
Như vậy, hi vọng sau những lưu ý mà ông Lê Đình Quảng đã nêu trên, anh chị em lao động có thể hiểu rõ hơn về quy trình xử lý thủ tục hồ sơ nhận tiền trợ cấp. Hãy cố gắng và đừng để mất đi quyền lợi của mình nhé!