4 cách để biến thử thách thành động lực, đứng vững vàng trước suy thoái
- Huyệt vị
- 02:54 - 05/05/2020
Những ngày này, dịch bệnh như một liều thuốc an thần, cho chúng ta nhiều thời gian để suy ngẫm về những mục tiêu cuộc đời mình, trân trọng giá trị gia đình, tăng cường kết nối và biết yêu bản thân nhiều hơn.
Trên mạng xã hội, mọi người đặt ra cho nhau nhiều thử thách như 3 phút làm động tác plank mỗi ngày, đọc và review một cuốn sách mỗi tuần hoặc tự cam kết với bản thân sẽ học thêm một ngôn ngữ mới hay dành thời gian nấu ăn cho gia đình. Những thử thách cá nhân là một cách tuyệt vời để học hỏi và cải thiện bản thân cũng như gạt đi những nỗi lo sợ và suy nghĩ tiêu cực mà dịch bệnh gây ra.
Bằng cách cam kết với một điều gì đó, bạn sẽ chịu trách nhiệm về những điều bạn có thể kiểm soát và sử dụng thời gian có ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, nếu bạn quyết định thử thách bản thân, hãy thực hiện nó một cách khôn ngoan.
Những thử thách nên là chất xúc tác kích thích năng lượng và động lực làm việc của bạn và hướng bản thân trở nên tích cực hơn chứ đừng để chúng khiến cuộc sống của bạn thêm căng thẳng. Dưới đây là một số lời khuyên về việc xây dựng những thử thách cá nhân bạn có thể tham khảo nếu đang có ý định thực hiện một cam kết nào đó trong mùa dịch bệnh này.
"Bây giờ không phải lúc để bị ám ảnh về năng suất"
Đây là tiêu đề một bài viết của tác giả Rainesford Stauffer trên tạp chí Forge. Đối với những người có nhiều thời gian ở nhà trong mùa dịch này và thường xuyên căng thẳng vì không biết làm gì cho hết thời gian trống thì đây là một nguyên tắc cơ bản. Trong bài đăng của mình, Rainesford chia sẻ rằng ngay cả việc cô dành một chút thời gian để nướng một mẻ bánh quy cũng khiến cô cảm thấy tội lỗi, giống như đã đánh cắp thời gian cho một thứ xa xỉ và phù phiếm.
Đây là dấu hiệu rằng chúng ta đang bị ám ảnh về việc sử dụng thời gian. Nhiều người cho rằng chỉ có các công việc giúp họ tiến gần hơn tới những mục tiêu lớn lao thì mới có giá trị. Một vấn đề chung mà chúng ta đều mắc phải đó là nghĩ rằng mọi thứ chúng ta làm luôn phải khiến bản thân trở nên tốt hơn bằng cách nào đó.
Dịch COVID-19 là một lời nhắc nhở chúng ta nên xem xét lại quan niệm này. Bạn có thể dành thời gian để tạm dừng và thư giãn bằng cách không làm gì cả hoặc thực hiện những thú vui, sở thích của bản thân. Hãy để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng làm việc thay vì luôn nghĩ về năng suất.
Đặt các thử thách hướng tới quá trình thay vì kết quả
Nếu bạn quyết định đặt ra cho mình một thử thách, hãy chắc chắn rằng nó không khiến bạn thêm căng thẳng. Hãy xây dựng thử thách giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn thay vì tạo thêm áp lực. Lời khuyên là hãy đặt ra các thử thách hướng tới quá trình thay vì kết quả.
Ví dụ, bạn thử thách bản thân viết lách và đây là sự khác nhau của hai cách tiếp cận. Nếu bạn đặt mục tiêu hướng đến kết quả, bạn có thể thử thách bản thân rằng bạn phải kiếm được một số tiền cụ thể từ các bài viết. Tuy nhiên, kết quả này thực sự không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của bạn vì nó còn phụ thuộc vào các kênh bạn muốn đăng bài. Và sẽ rất khó để đạt được mục tiêu này khi bạn vừa mới bắt đầu. Việc đặt mục tiêu hướng tới kết quả sẽ khiến bạn căng thẳng và dễ dàng từ bỏ bởi không thể hoàn thành những điều bạn đã cam kết.
Thay vào đó, bạn có thể tạo ra một cam kết hướng tới quá trình. Bạn có thể thử thách bản thân dành một giờ mỗi ngày cho việc viết lách. Với loại cam kết này, bạn có thể kiểm soát bằng cách kỉ luật bản thân phải dành thời gian mỗi ngày và nó hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Bằng cách dặt thử thách hướng tới quá trình như vậy, các cam kết sẽ dễ chinh phục hơn và bạn có động lực để thực hiện hơn.
Thoát khỏi vùng thoải mái nhưng đừng bước vào vùng hoảng loạn
Karl Rhonke, nhà nghiên cứu về giáo dục trải nghiệm đã xây dựng một mô hình về hiệu suất làm việc của con người dựa trên ba vùng. Vùng thoải mái là nơi bạn trải nghiệm sự quen thuộc. Bạn không phải học nhiều điều mới nhưng bạn cần có nhiều thời gian để xử lý các bài học và phục hồi năng lượng. Kế bên vùng thoải mái là vùng co giãn.
Đây là nơi bạn thu thập những chất liệu thô để phát triển và học hỏi thêm. Bạn vượt qua vùng an toàn, thử thách bản thân với những điều mới mẻ, nhưng vẫn ở trong khả năng của bạn. Cuối cùng, khi bạn thử thách bản thân hơn nữa, bạn gặp căng thẳng và hoảng sợ. Điều này báo hiệu bạn đã bước vào vùng hoảng loạn.
Bạn không nên để bản thân thêm hoảng loạn trong những ngày dịch bệnh này. Vì vậy, nếu bạn quyết định xây dựng một thử thách cho bản thân, hãy chắc chắn rằng thử thách đó nằm trong khả năng và tầm kiểm soát của bạn. Hãy vượt qua vùng thoải mái nhưng đừng bước vào vùng hoảng loạn.
Xây dựng thử thách dựa trên lựa chọn của cá nhân
Khi nhà nghiên cứu giáo dục trải nghiệm Rhonke tổ chức và dẫn dắt các thử thách ngoài trời trong dự án Project Adventure, anh nhận thấy một điều thú vị. Bất cứ khi nào Rhonke để người tham gia lựa chọn về cách họ muốn tham gia vào một hoạt động, thay vì buộc họ phải làm điều đó, thì họ thực hiện tốt hơn. Việc thúc đẩy mọi người làm những gì họ không muốn sẽ mang lại những kết quả phản tác dụng. Thay vào đó nếu để mọi người lựa chọn cách họ mong muốn được thử thách, họ sẽ làm tốt hơn.
Bài học của Rhonke có thể đươc áp dụng khi bạn xây dựng thử thách cho bản thân. Lời khuyên là đừng nên ép bản thân cam kết một thử thách nào đó nếu bạn không thực sự muốn làm chúng.
Nhiều người quyết định thử thách bản thân dậy từ 5 giờ sáng mỗi ngày hay đọc sách mỗi tuần chỉ vì người khác làm vậy trong khi bản thân không có hứng thú. Kết quả là bạn thử thách bản thân làm điều mình không mong muốn và gây căng thẳng cho chính mình. Lời khuyên là trước khi bạn quyết định thực hiện một thử thách mượn từ người khác, hãy tự hỏi bản thân rằng đây có phải là điều bạn thực sự muốn làm hay không?