3 chỉ báo quan trọng báo hiệu điểm đảo chiều của thị trường bất động sản
- Huyệt vị
- 10:43 - 05/10/2023
Bất động sản (BĐS) có thể bắt đầu khởi sắc vào cuối năm 2023
Nhận định được đưa ra trong Hội nghị bất động sản Việt Nam - VRES 2022 vào cuối năm ngoái và dựa trên phân tích bài học từ giai đoạn khủng hoảng nhà đất 2008 - 2012 kết hợp với những dữ liệu và nghiên cứu chuyên sâu về tình hình thị trường theo từng thời kỳ. Dự báo có 3 chỉ báo cơ bản của thị trường BĐS đã diễn ra phù hợp với xu hướng mà đơn vị này từng dự báo.
Thứ nhất, về lãi suất ngân hàng, ở giai đoạn khủng hoảng trước đây, tính từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái hạ trần lãi suất cho đến lúc thị trường BĐS bắt đầu đảo chiều là phải mất 1,5 năm. Nếu giai đoạn 2008 - 2012, thị trường mất đến 4 năm mới có dấu hiệu điều chỉnh lãi suất ngân hàng thì ở giai đoạn này, ngay từ quý I/2023, NHNN đã thực hiện 2 đợt điều chỉnh giảm giảm lãi suất điều hành, tiếp theo đó là các đợt giảm nhiều loại lãi suất.
Thứ 2, về tăng trưởng tín dụng, xét lại câu chuyện năm 2012, tăng trưởng tín dụng giảm từ 20% xuống còn 7%, đồng thời lạm phát lên tới 8%. Sang năm 2013, tăng trưởng tín dụng tăng lên 12% và lạm phát 6%. Ngay trong năm thực hiện nới lỏng tín dụng, thị trường BĐS có ngay tín hiệu đảo chiều. Ở bối cảnh thị trường hiện tại, từ đầu năm 2023, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 là 14 - 15%, so với mức 14% của năm 2022, đây là một tín hiệu tích cực.
Thứ 3, về chính sách BĐS, năm 2008, thanh khoản thị trường BĐS lao dốc nhưng phải đến năm 2013 mới có các chính sách hỗ trợ thị trường như gói hỗ trợ 30.000 tỷ và ban hành Luật Đất đai sửa đổi. Năm 2022, thị trường lặp lại diễn biến trầm lắng khi tín dụng bị siết, lãi suất tăng, thanh khoản giảm. Tuy nhiên ngay từ cuối năm 2022, Chính phủ đã liên tiếp thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS như gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Nghị định 08 giúp giải tỏa áp lực thanh toán trái phiếu cho doanh nghiệp, Nghị quyết 33 góp phần khơi thông cho thị trường BĐS, Nghị định 35 cho phép UBND tỉnh quy định khu vực được phân lô bán nền…
Dựa trên phân tích các chỉ báo trên, ông Nguyễn Quốc Anh vẫn giữ nhận định: “Thị trường BĐS có khả năng phục hồi vào khoảng quý II đến quý IV/2023”.
Giá đất nền trong 5 năm qua: miền Nam tăng mạnh nhưng miền Bắc tăng ổn định hơn
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, chỉ số giá đất nền duy trì mức tăng ổn định từ 2018 đến nay trên cả nước nhưng có xu hướng phân hóa giữa các vùng và khu vực cụ thể trong năm 2023. Sau một giai đoạn dài từ quý I/2018 đến quý III/2023, giá rao bán đất nền miền Nam đã tăng 71%, miền Bắc tăng 54%. Như vậy, trong vòng 5 năm qua, mức độ tăng giá trung bình của đất nền miền Nam cao hơn miền Bắc.
Tuy nhiên, xét riêng năm 2023, giá đất nền 2 miền đã có chiều hướng dịch chuyển khác biệt. Giá rao bán trung bình đất nền miền Bắc vẫn duy trì xu hướng tăng, đến quý III/2023 đã tăng 4,9% so với quý IV/2022. Trong khi đó, biểu đồ giá đất nền miền Nam có dấu hiệu đi xuống, từ cuối năm ngoái đến nay đã giảm 26,2%.
Các tỉnh tiêu biểu ở miền Bắc chứng kiến giá đất nền tăng trưởng ổn định trong thời gian dài, từ quý I/2018 đến quý III/2023 là: Hải Phòng (tăng 128%), Quảng Ninh (tăng 44%), Hưng Yên (tăng 36%), Bắc Ninh (tăng 20%).
Tại miền Nam, Bình Dương có giá đất nền tăng đến 147% so với đầu năm 2018, là một trong những tỉnh duy trì nhịp tăng giá đất tốt nhất khu vực. Đất nền ở các địa phương khác như Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai mặc dù thời gian gần đây có suy giảm về giá rao bán nhưng xét tổng thể trong 5 năm qua vẫn đạt mức tăng giá lần lượt là 89%, 64% và 60%.