THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:08

29 năm chăm sóc thương binh nặng bằng lòng biết ơn

Từ “ác mộng tuổi thơ”…

Đó là câu chuyện của điều dưỡng Nguyễn Thu Hà, nhân viên Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng – Hà Nam (thuộc Cục Người có công – Bộ LĐ-TB&XH). Chị Hà đã có 29 năm gắn bó với công việc chăm sóc thương binh tâm thần kinh tại đây. Chăm sóc thương binh bình thường đã khó, chăm sóc những thương binh nặng, nhất là những thương binh bị chấn thương về thần kinh  còn khó khăn, vất vả hơn rất nhiều. Những lúc trái gió trở trời, nhiều bác lên cơn loạn thần, lúc đó người điều dưỡng phải hết sức bình tĩnh, nhẵn nhịn, chịu đựng; “và thực sự nếu không có tâm, không có lòng yêu thương, không có lòng biết ơn và trách nhiệm thì không thể trụ được với nghề”, chị Hà tâm sự.

Empty

Điều dường Nguyễn Thu Hà (áo trắng giữa) cùng các đồng nghiệp luôn gần gũi, động viên, chia sẻ với các thương binh đang điều dưỡng tại Trung tâm

Nói về nhân duyên đến và gắn bó với nghề điều dưỡng chăm sóc thương binh, chị Hà kể: Tôi có bố cũng là thương binh bị chấn thương vùng đầu (Bố chị Hà là Thương binh Nguyễn Trường Tâm, sinh năm 1950; bị trấn thương sọ não, với thương tật 81%) hiện vẫn đang điều trị tại Trung tâm. Do mẹ cũng là điều dưỡng làm việc tại Trung tâm và cũng là người trực tiếp điều trị cho bố, nên ngày đó gia đình được phân một căn hộ tập thể ngay trong khuôn viên của Trung tâm. Chính vì vậy tuổi thơ của tôi đã chứng kiến những cơn loạn thần của bố và các bác, các chú thương binh tại Trung tâm mỗi khi vết thương tái phát do trái gió trở trời.

“Thời gian đó, tuổi bố và các bác, các chú thương binh vẫn chỉ ở độ tuổi ngoài 30 trên 40 tuổi, nên sức khỏe vẫn rất tốt (trừ những lúc bệnh tái phát). Do đó, mỗi khi trái gió trở trời, vết thương tái phát  bố và các bác, các chú lên những cơn loạn thần rất khủng khiếp. Là người những lúc tỉnh táo, bố rất yêu thương mẹ và các con. Nhưng mỗi lần bố lên cơn rối loạn tâm thần là bố gần như không nhận biết được gì; bố đập phá bất cứ thứ gì trong tầm tay; đánh mẹ, đánh các con… Những lúc đó 3 chị em ở nhà rất hoảng loạn, chỉ còn biết cách chui vào gầm giường hoặc chạy ra khỏi nhà để tránh những trận đòn của bố…

Những lúc như vậy, bố lại được mẹ và các y, bác sĩ của Trung tâm trói lại đưa lên phòng điều trị của Trung tâm để tiêm thuốc an thần và điều trị. Mỗi đợt điều trị như vậy, nhanh thì khoảng một ngày; lâu thì khoảng 3 – 4 ngày tình trạng thân kinh của bố ổn định, bố lại được về nhà.

Sau này lớn hơn một chút, 3 chị em chúng tôi được mẹ dạy cách trói bố mỗi khi bố có hiện tượng lên cơn rối loạn tâm thần. Bởi trước mỗi cơn rối loạn, bố thường báo trước cho vợ và các con. Khi thấy cơ thể khó chịu, thần kinh căng thẳng bố thường bảo chúng tôi “các con trói bố lại đi, bố khó chịu lắm”. Dù nhà chỉ có 3 chị em gái, lúc đó dù rất sợ nhưng chúng tôi cũng phải cố gắng nhớ lại cách mẹ hướng dẫn để trói bố lại…”, chị Hà kể.

Tuy nhiên, với chị Hà đó vẫn là may mắn, bởi bố chị vẫn trở về dù ông mang trên người thương tật rất nặng. Và chính thời gian tuổi thơ được chứng kiến những cơn đau hành hạ khi vết thương tái phát của bố, của các bác, các chú thương binh đã níu chân chị gắn bó với Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng – Hà Nam trong suốt 29 năm qua, với tâm nguyện “đây là cơ hội để được trả ơn những người đã bỏ lại một phần xương thịt, và sức khỏe tại chiến trường, để chúng ta có cuộc sống như ngày hôm nay”.

Đến lòng biết ơn và trách nhiệm

Nhớ lại những ngày đầu khi mới ra trường về làm việc tại Trung tâm (năm 1994), chị Hà kể: “Ngày đầu về Trung tâm. Kinh nghiệm điều trị cho các bệnh nhân về tâm thần chưa có nhiều. Có những hôm đang phát thuốc hoặc tiêm, các bác, các chú lên cơn rối loạn tâm thần hoặc bức xúc việc gì đó có những lời nói, hành động thiếu nhã nhặn như: chửi mắng hay cầm cả khay thuốc ném vào người, vào mặt điều dưỡng ….Những lúc như vậy, tôi thực sự bị khủng hoảng về tinh thần và có ý nghĩ bỏ nghề.

Nhưng nhớ lại những cơn đau hành hạ bố và các chú, các bác mỗi khi vết thương tái phát mà khi tuổi thơ mình đã chứng kiến; cộng với sự động viên của mẹ và các cô, chú, anh, chị đi trước của Trung tâm tôi đã níu tôi ở lại với nghề”.

Empty

29 năm qua, Điều dưỡng Nguyễn Thu Hà luôn ân cần chăm sóc thương binh như chính người thân của mình

Thấu hiểu rằng, bên cạnh những đớn đâu, những cơn rối loạn thần kinh do vết thương gây ra, các thương bệnh binh còn đối mặt với nỗi cô đơn. Bởi có thương binh đã gắn bó với trung tâm này suốt mấy chục năm trời, không có gia đình, không vợ con nên chị Hà và các nhân viên của Trung tâm Điều dưỡng luôn coi các bác thương bệnh binh như người thân của mình. Do đó, ngoài công việc chuyên môn chăm sóc sức khỏe, chị Hà và các nhân viên của Trung tâm đều cố gắng dành thời gian chuyện trò, tâm sự chia sẻ nỗi khó khăn, vất vả của các thương bệnh. Nhờ đó những người lính già vơi đi nỗi buồn, giảm đau đớn.

Theo chị Hà, đến nay, do tuổi cao, sức khỏe của các bác, các chú đã yếu, cộng với thời gian điều trị những cơn rối loạn tâm thần đã giãn và giảm nhiều hơn trước, vì thế những vất vả của người điều dưỡng cũng phần nào cũng đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, tuổi cao lại đi cùng với phát sinh nhiều bệnh tật nên việc phải đưa các thương binh đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh hoặc Trung ương lại ngày càng dầy thêm. Đồng nghĩa với các đêm trực tại bệnh viện của mỗi nhân viên y tế của Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng – Hà Nam cũng dài thêm. Tuy nhiên, vất vả là vậy, nhưng tại bệnh viện, không ai biết họ là những điều dưỡng, y tá của Trung tâm mà thấy họ chăm sóc các thương binh như những người con chăm sóc bố của mình. “Đi trông người bệnh, đặc biệt đó lại là chăm sóc thương binh nặng (có ca cả tuần ở bệnh viện), rất vất vả. Vì thế mỗi đợt đi về ai cũng phải hao đi mất một vài cân. Nhưng bù lại các bác thương, bệnh binh khỏi bệnh, mạnh khỏe trở về, chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của anh chị em cán bộ, nhân viên”, chị Hà chia sẻ.

HÀ HUY LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh