THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:39

19 năm đồng hành giúp người dân giảm nghèo ở Quảng Bình

Anh Hồ Minh ở bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi dê

Anh Hồ Minh ở bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi dê

Dòng chảy vốn chính sách luôn được khơi thông, kịp thời tạo điều kiện cho 100% hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn tại Quảng Bình được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Vì vậy, 19 năm qua, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình đã đạt nhiều thành tựu quan trọng góp phần vào công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội địa phương, tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 3,5%.

'Đòn bẩy' thoát nghèo

Trước đây, anh Hồ Minh, dân tộc Vân Kiều, ở bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) lập nghiệp chỉ với 400.000 đồng trong tay. Được sự giúp đỡ từ chính quyền xã Trường Xuân, anh mạnh dạn vay 50 triệu đồng. Có tiền trong tay, anh mua 10 con trâu cái thả vào rừng. Vài năm sau, đàn trâu của anh Minh đẻ lứa đầu tiên và anh bán 5 con nghé, số tiền bán được anh dùng để đào ao rộng 60m² và thả 1.000 con cá các loại. Sau đó, anh tiếp tục bán nghé và mua 15 con dê về nuôi trong vườn.

Đến nay, 10ha cây keo anh trồng năm 2010 đã bán được 2 lần, mỗi lần bán thu về gần 50 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, anh thả 20 con trâu trong rừng, mỗi năm anh bán 3 con cho lãi hơn 100 triệu đồng. Còn đàn dê, mỗi năm thu nhập từ tiền bán dê được 30 triệu đồng. Anh Minh cũng dự tính sẽ xuất bán toàn bộ cá trong thời gian tới.

"Hiện tại thu nhập của gia đình tôi mỗi năm được 200 triệu đồng. Tôi đã xây dựng một ngôi nhà khang trang và quán tạp hóa để vợ tôi bán hàng. Người dân trong bản ai muốn nuôi trâu, dê, cá đều được tôi hướng dẫn tận tình. Nếu không có nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi đã không thể có được cơ ngơi như ngày hôm nay," anh Hồ Minh phấn khởi.

Với gia đình anh Đinh Pin, người dân tộc A Rem ở xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, nhờ đồng vốn vay ưu đãi đã trồng được 1ha thông lấy nhựa, nuôi béo khỏe 7 con bò, 25 con dê, thoát hết cảnh nghèo túng xây cất cả căn nhà mới kiên cố để an cư lập nghiệp.

Anh Đinh Pin tâm sự: “Người dân tộc A Rem trước kia khổ cực lắm, chỉ biết sống dựa vào rừng, đi săn nuông thú thôi. Từ khi được vay vốn ưu đãi và Trưởng bản động viên, mình đã biết trồng trọt, chăn nuôi, cuộc sống cải thiện hẳn lên.”

Tập trung nguồn lực hỗ trợ vùng khó

Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tài cho biết với định hướng hoạt động từ khi thành lập đến nay là tập trung nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước về một đầu mối, chi nhánh luôn bám sát chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân địa phương để triển khai nhiều giải pháp phù hợp để huy động nguồn vốn từ nhiều kênh, nhiều đối tượng với nhiều hình thức.

Từ nguồn vốn bàn giao ban đầu 200 tỷ đồng, đến 30/9, tổng nguồn vốn của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình đã đạt 3.672 tỷ đồng, gấp 18 lần so với năm 2002. Chi nhánh đã nỗ lực huy động nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình cho hơn 20.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh đã quán triệt đầy đủ nội dung Chỉ thị 40-CT/TW chỉ đạo sâu sát việc giao các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước về một đầu mối quản lý thống nhất đồng thời cân đối bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hiện, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 100,6 tỷ đồng, đạt 165% kế hoạch tăng trưởng.

Bên cạnh đó, hiện nay 523 tổ chức chính trị-xã hội các cấp nhận ủy thác đang tham gia quản lý 3.624 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ.

Mặc cho thiên tai, dịch bệnh nguồn vốn được Trung ương cấp đều được đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách chuyển tải về 151 điểm giao dịch phân bổ tới 1724 tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp các thôn, bản, giúp người dân có vốn kịp thời khôi phục, phát triển kinh tế gia đình.

Nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ mô hình đánh bắt cá và nuôi cá lồng trên sông từ vốn vay chính sách.

Nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ mô hình đánh bắt cá và nuôi cá lồng trên sông từ vốn vay chính sách.

Nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ mô hình đánh bắt cá và nuôi cá lồng trên sông từ vốn vay chính sách.Trên chặng đường đồng hành với hộ nghèo, chi nhánh đã xây dựng được bộ máy điều hành, tác nghiệp khá hoàn chỉnh, có trình độ, có năng lực chuyên sâu một công việc và biết nhiều việc, không quản ngại đèo cao, sình lầy để trực tiếp giải ngân, thu nợ, thu lãi tại Điểm giao dịch ở các xã vùng sâu, vùng xa.

Đặc biệt những ngày này, toàn đơn vị từ tỉnh đến huyện, từ lãnh đạo đến cán bộ tín dụng chính sách không quản ngại thiên nhiên khắc nghiệt, dịch bệnh lan rộng, vẫn khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết mới của Chính phủ về việc cho vay để trả lương ngừng việc, trả lương khôi phục sản xuất kinh doanh cho người lao động chịu ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, đồng thời tổ chức giao dịch bù các phiên giao dịch bù phải hoãn do dịch bệnh.

Thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục bám thật sát các chính sách, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, tập trung huy động thật nhiều nguồn lực, chuyển tải kịp thời đồng vốn về các vùng miền phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội bền vững

QUÝ ĐỨC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh