CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:54

16 câu nói áp dụng cho mọi trường hợp cha mẹ nào cũng nên biết để con nghe lời hơn

Nếu cha mẹ là tấm gương phản chiếu của con cái, thì ngược lại, con cái cũng chính là tấm gương phản chiếu khả năng làm cha mẹ của bạn. Theo thời gian, bản thân bạn cũng đã phải lùi lại một bước để nhận ra mình cần thay đổi những gì trong quá trình giao tiếp với con hàng ngày.

Hãy nói chuyện với con theo cách mà bạn muốn người khác nói với mình, vậy thì mọi chuyện sẽ suôn sẻ hơn nhiều. 16 câu khích lệ tích cực dành cho con sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể quá trình giao tiếp, tương tác với con hàng ngày.

 Không cần quát mắng, 16 câu nói này cha mẹ nào cũng nên "bỏ túi" để con nghe lời hơn - Ảnh 1.

Hãy nói chuyện với con theo cách mà bạn muốn người khác nói với mình, vậy thì mọi chuyện sẽ suôn sẻ hơn nhiều. (Ảnh minh họa)

1. “Con có nhớ mình cần làm gì không nhỉ?”

Thay vì: “Cẩn thận đấy!”

Ví dụ: “Con có nhớ mình phải làm gì khi chơi trong công viên không nhỉ?” hoặc “Con nhớ di chuyển thật chậm khi leo lên bức tường đó nhé”.

Lý giải: Hầu hết trẻ con đều sẽ làm ngơ với những câu nói được lặp đi lặp lại quá nhiều lần. Để tránh gặp phải tình trạng này, hãy kết nối tư duy phản biện, phân tích của con và khiến con nhắc lại những cảnh báo quan trọng. Hoặc đưa ra chỉ dẫn cụ thể về việc bạn muốn con làm.

2. “Con nói nhẹ nhàng thôi được chứ!”

Thay vì: “Đừng có hét lên nữa!” hoặc “Im lặng đi!”.

Ví dụ: “Con yêu, con có thể nói nhẹ nhàng hoặc ra đây nói thầm với bố mẹ được không,” (nhớ nói với con bằng giọng nhỏ nhẹ thì thầm), hoặc “Mẹ thích giọng hát của con lắm, nhưng mẹ nghĩ con nên ra sân hoặc vào phòng giải trí hát thoải mái hơn”.

Lý giải: Một số đứa trẻ bình thường đã có giọng nói to hơn nhiều đứa trẻ khác. Nếu bạn nhận thấy con khó có thể nói nhỏ, hãy chỉ cho trẻ nơi chúng có thể “cất cao tiếng nói” mà không sợ ảnh hưởng đến người khác.

3. “Con muốn tự mình làm hay muốn mẹ giúp một tay nào?”

Thay vì: “Mẹ nói với con lần này là lần thứ 3 rồi, làm ngay đi!”.

Ví dụ: “Đã đến lúc mình phải đi rồi. Con muốn tự đi giày hay để mẹ giúp nào?” hoặc “Con muốn tự vào xe hay cần mẹ bế lên?”.

Lý giải: Hầu hết mọi đứa trẻ đều có phản hồi rất tích cực khi được trao quyền. Hãy cho con cơ hội được lựa chọn để con có thể động não tư duy đưa ra phản hồi tốt thay vì cảm thấy bị ức chế.

4. “Con học được gì từ lỗi sai vừa rồi nào?”

Thay vì: “Con đúng là đáng xấu hổ” hoặc “Con nên biết mình phải làm gì để cải thiện vấn đề”.

Ví dụ: “Con học gì từ lỗi sai vừa rồi nào?” hoặc “Nói mẹ nghe bài học đắt giá con vừa học được từ lỗi sai vừa rồi, và cho mẹ biết liệu con sẽ làm gì để không gặp rắc rối ở trường nữa đây?”.

Lý giải: Tạo động lực để thay đổi hành vi trong tương lai sẽ cho kết quả tốt hơn là việc cố gắng khiến con xấu hổ hoặc thấy tội lỗi về lỗi lầm trong quá khứ của mình.

5. “Con có thể…..”

Thay vì: “Đừng!” hoặc “Dừng ngay lại!”.

Ví dụ: “Con làm ơn có thể vuốt ve nhẹ nhàng chú cún được không” hoặc “Con có thể tự để giày vào tủ được không”.

Lý giải: Có ai ở đây muốn trải qua một ngày nói toàn những lời chúng ta không muốn nói với những người xung quanh hay không? Không phải, đúng không? Chúng ta cũng sẽ không bao giờ có được sự phản hồi tích cực nếu nói những lời lẽ khó nghe với người khác. Kiểu giao tiếp cực đoan như vậy không chỉ bị bài xích mà còn gây ảnh hưởng tới mối quan hệ của chúng ta với mọi người. Thay vì dùng những lời lẽ khó nghe, hãy nhẹ nhàng giải thích với người xung quanh những gì bạn muốn.

6. “Hôm nay không có thời gian nên chúng ta sẽ phải rất khẩn trương con nhé!”

Thay vì: “Nhanh lên!” hoặc “Sắp muộn rồi đấy!”.

Ví dụ: “Hôm nay thực sự là một ngày bận rộn và chúng ta không có thời gian đâu con, hãy cùng xem mình nhanh nhẹn tới mức nào nhé!”.

Lý giải: Thỉnh thoảng bạn cũng nên cho phép con chậm chạp như con muốn, vậy nên hãy dùng những từ ngữ mang tính chậm rãi và bình tĩnh thay vì suốt ngày thúc giục con.

7. “Con muốn đi luôn bây giờ hay đợi thêm 10 phút nữa?”

Thay vì: “Đến lúc phải đi rồi đấy!”.

Ví dụ: “Các con muốn đi luôn bây giờ hay chơi thêm 10 phút nữa rồi mình đi nhỉ?”.

Lý giải: Trẻ con luôn muốn được làm chủ định mệnh của mình, và nếu bạn có thể khiến con cảm nhận được điều đó thì quá tuyệt vời. Hãy trao cho con cơ hội, bạn sẽ nhận được phản hồi tích cực và tốt hơn bạn nghĩ rất nhiều.

8. “Con viết vào đây món đồ chơi mình muốn vào sinh nhật này nhé”

Thay vì: “Bố mẹ không có tiền đâu” hoặc “Không có đồ chơi gì hết, mẹ nói rồi, KHÔNG CÓ ĐỒ CHƠI ĐÂU!”.

Ví dụ: “Bố mẹ thực sự chưa sẵn sàng muốn mua món đồ chơi đó cho con bây giờ, nhưng con có muốn bố mẹ viết tên món đồ đó vào danh sách quà sinh nhật con ước mình sẽ nhận được hay không?”.

Lý giải: Thay vì đổ lỗi cho tài chính và tạo cảm giác khan hiếm cho con với thứ con muốn, hãy thiết lập giới hạn bằng cách gợi ý tặng cho con món đồ đó vào những dịp đặc biệt, ví dụ như sinh nhật, giáng sinh…

9. “Dừng lại một chút, hít thở đều và nói cho mẹ nghe con muốn gì nào”

Thay vì: “Đừng có rên rỉ nữa!”.

Ví dụ: “Bây giờ mình cùng bình tĩnh lại, hít thở đều và con nói mẹ nghe con muốn gì nhé”.

Lý giải: Nếu muốn con làm như trên, bạn phải làm mẫu trước. Hãy lặp đi lặp lại hành động đó cho đến khi con có thể bình tĩnh và thay đổi cách nói chuyện.

10. “Con hãy tôn trọng bản thân và mọi người, được không”

Thay vì: “Cư xử tử tế vào”.

Ví dụ: “Tình huống hôm nay chính là bài học giúp con biết tôn trọng bản thân và người xung quanh”.

Lý giải: Trong trường hợp này, hãy lý giải mọi thứ thật cụ thể và rõ ràng vì trẻ con thường không hiểu được hết những câu nói chung chung bố mẹ vẫn nói hàng ngày. Hãy nói rõ với con bạn muốn con làm gì, đồng thời yêu cầu con nhắc lại điều cần nhớ.

11. “Mẹ muốn con...”

Thay vì: “Đừng có làm...” và “Thật tệ hại khi con...”.

Ví dụ: “Mẹ muốn con vuốt ve chú cún thật nhẹ nhàng, vì nó thích được yêu thương vỗ về, và chắc chắn nó sẽ bên cạnh con lâu hơn nếu con biết cách âu yếm nó”.

“Mẹ cần con đi chậm lại thay vì lao như ngựa trong khu đỗ xe đầy nguy hiểm này”.

Lý giải: Trẻ nhỏ sẽ có phản ứng tích cực và tốt hơn khi không phải nghe những lời nói mang tính buộc tội. Bên cạnh đó, nói rõ với con những gì bạn muốn con làm sẽ giúp con tuân thủ theo đúng điều bạn muốn.

12. “Không sao mà, con cứ khóc đi”

Thay vì: “Đừng có khóc lóc như trẻ con thế,” hoặc “Đừng có khóc nữa”.

Ví dụ: “Buồn là cảm xúc bình thường mà con, mẹ sẽ luôn ở đây bất cứ khi nào con cần. Mẹ biết con luôn có cách tự chăm sóc bản thân mình thật tốt”.

Lý giải: Bạn sẽ thấy điều kỳ diệu xảy ra khi ngừng thúc ép và gây áp lực để khiến con kìm nén cảm xúc hoặc cấm con không được cáu giận. Hãy trao quyền và khiến con hiểu mình hoàn toàn có khả năng vượt qua cảm xúc và sự buồn phiền - đây cũng đồng thời là phương pháp khiến con trở nên tự lập hơn.

13. “Bố mẹ sẽ từ từ để đợi con xong xuôi mọi việc nhé”

Thay vì: “Cứ để đó bố mẹ làm luôn cho”.

Ví dụ: “Có vẻ con cần thêm thời gian đúng không, bố sẽ ngồi đây đợi hoặc đi xếp bát đũa lên tủ trong lúc đợi con nhé”.

Lý giải: Nhiều khi chính người lớn lại là những người cần thư giãn. Hãy cứ bình tĩnh và đợi con thắt dây giày, hoặc ấn đúng tầng thang máy. Trẻ em chính là người khiến chúng ta cảm thấy mình đang sống, đang tồn tại. Vì thế thỉnh thoảng hãy cho phép bản thân và con được lề mề một chút. Hãy ngủ nướng vài phút trên giường, hoặc thay lại chiếc giày bị nhầm... Mục đích của việc này là khiến trẻ biết thử sức, thất bại, thử lại một lần nữa và cảm nhận khả năng của bản thân để chúng không bị phụ thuộc vào chúng ta.

14. “Bố mẹ luôn yêu con cho dù có chuyện gì chăng nữa”

Thay vì: “Con mà cứ hư như vậy thì sẽ không có ai muốn bên cạnh con đâu,” hoặc “Chính vì hành động tồi tệ đó mà con sẽ không được bố mẹ ôm và hôn ngày hôm nay”.

Lý giải: Tình yêu vô điều kiện là cội nguồn đích thực của cách nuôi dạy con kiểu tích cực, cũng có nghĩa tình yêu của bạn dành cho con không phụ thuộc vào việc con cư xử ra sao. Hãy khiến con hiểu chúng ta luôn yêu thương con dù cho có chuyện gì xảy ra. Một khi nhu cầu cơ bản được đáp ứng, trẻ sẽ ít cư xử tồi tệ hơn.

15. “Mẹ cảm thấy không ổn với...”

Thay vì: “Con chưa đủ lớn đâu,” hoặc “Con quá nhỏ để làm việc đó”.

Ví dụ: “Mẹ thấy không ổn khi con đi bộ vắt vẻo trên bờ tường như vậy, mẹ sợ con sẽ ngã và bị thương”.

Lý giải: Thể hiện với cho con rằng bạn đang lo lắng và sợ hãi sẽ khiến trẻ tôn trọng và nghe lời chúng ta nhiều hơn. Đứa trẻ nào cũng luôn cảm thấy mình đủ lớn, đủ mạnh mẽ, đủ đô và đủ khả năng làm những việc nguy hiểm như đi xe tốc độ cao, leo trèo hay bê cốc nước to đùng. Vì thế hãy luôn sử dụng đại từ nhân xưng như bố, mẹ cảnh báo con để chúng hiểu và tiết chế hành vi của mình.

16. “Con đang cảm thấy thế nào?”

Thay vì: “Thoải mái lên đi, con không cần buồn quá như thế đâu!”.

Ví dụ: “Mẹ có thể thấy con đang rất buồn, bây giờ con thấy thế nào, nói cho mẹ nghe với được không?”.

Lý giải: Giúp trẻ nhận biết cảm xúc của mình và nói ra cảm xúc đó là cách hiệu quả trong phương pháp dạy con tích cực. Khi con có thể thoải mái nói lên cảm xúc của mình với người khác (thay vì chối bỏ và xua đuổi nó), hành vi của con cũng sẽ có xu hướng rõ ràng và có tính tôn trọng hơn rất nhiều.

Bạn đã và đang áp dụng bao nhiêu trong số những gợi ý trên rồi? Đừng quên thường xuyên sử dụng chúng để khiến con luôn vâng lời trong hòa bình nhé.

Vài nét về tác giả:

Chị Linh Phan là một chuyên gia tư vấn phụ huynh theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu". Theo Linh Phan, làm cha mẹ tốt nhất đối với con và đối với chính mình là khi tin vào bản năng của mình.

Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.

Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.

Các mẹ có thể tìm đọc những bài viết của chị Linh Phan TẠI ĐÂY.


Linh Phan

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh