THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 08:29

15.000 bức thư của trái tim

 

Bà Mai Thị Tuyết, quê gốc ở xã Hải Chính (huyện Hải Hậu, Nam Định). Năm 1962, lúc đó mới tuổi đôi mươi, nhưng bà Tuyết đã là xã đội trưởng xã Hải Chính, có nhiệm vụ động viên thanh niên lên đường nhập ngũ vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ cứu nước. Chiến tranh kết thúc, bà Tuyết theo chồng vào Nam sinh sống, công tác tại Hội Phụ nữ tỉnh Đồng Nai, rồi qua trường Cán bộ phụ nữ Trung ương II. Năm 1984, do vết thương tái phát, mất sức lao động, bà được nghỉ chế độ.Năm 2003, trong một lần về thăm quê (xã Hải Chính) bà tìm gặp đồng đội cũ - những thanh niên năm nào mình đã  động viên lên đường nhập ngũ. Tới thăm gia đình một đồng đội, bà mẹ liệt sĩ nắm tay bà hỏi “Con từ Nam ra chơi, thế có biết “Mặt trận phía Nam là ở đâu không? Bao năm nay gia đình mẹ đã đi tìm mà chưa biết  “anh nó” yên nghỉ ở nghĩa trang nào?”. Câu hỏi như  khứa vào lòng nữ cựu xã  đội trưởng năm nào. Bà thắp nén hương trước anh linh của người liệt sĩ và nhận lời hứa từ gia đình, khi vào lại miền Nam sẽ tìm anh về với gia đình. Năm 2004, bà Tuyết một mình lặng lẽ hành trình tìm kiếm nơi an nghỉ của liệt sĩ. Bà đặt chân tới hầu hết  các nghĩa trang phía Nam, từ Củ Chi, Tây Ninh, Bình Dương, Long An... Trong quá trình tìm kiếm phần mộ liệt sĩ xã  Hải Chính, bà Tuyết nhận thấy rất nhiều phần mộ liệt sĩ mấy chục năm mà chưa một lần thân nhân đến nhận. “Tôi thấy xót xa khi rất nhiều mộ liệt sĩ quê miền Bắc, miền Trung yên nghỉ ở nghĩa trang mà người thân không biết.  Tôi trăn trở làm sao để báo tin cho gia đình họ biết. Nhưng thân mình già nua, biết báo bằng cách nào? Rồi không chừng mọi người lại nghĩ mình nhà ngoại cảm giả đạo, trục lợi từ hài cốt liệt sĩ...” - bà Tuyết tâm sự.

Cuộc sống đời thường của bà Tuyết là bán trứng vịt lộn.

Nhiều đêm suy nghĩ, bà Tuyết đưa ra phương án là đến các Hội CCB, BCH quân sự (huyện, tỉnh), các sở LĐ-TB&XH để xin  thông tin, tổng hợp và đối chiếu thông tin trên bia mộ liệt sĩ. Sau đó, bà xin mẫu phiếu 09 (Phiếu cung cấp thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ trong chiến tranh của Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ) về điền  thông tin họ tên, quê quán, ngày hy sinh, hoàn cảnh hy sinh... rồi gửi thư báo tin cho từng gia đình liệt sĩ.

Nói về bà Tuyết, ông Nguyễn Phúc Khánh, Chủ tịch Hội CCB phường Trường Thọ cho biết: “Với việc làm thầm lặng và nghĩa cử cao đẹp của bà Mai Thị Tuyết đối với những người hy sinh vì đất nước và những thân nhân liệt sĩ, bà rất xứng đáng là tấm gương tiêu biểu. Trước công lao đó, Hội CCB phường Trường Thọ đã họp bàn và  chu cấp lộ phí cho bà Tuyết, nhưng lần nào bà cũng từ chối, chỉ nhận bì và tem thư”.

Hơn 10 năm qua, bà Tuyết vẫn thầm lặng làm công việc đầy nghĩa cử cao đẹp ấy. Đôi chân già nua của bà lão ở cái tuổi 70 vẫn rảo bước khắp các nghĩa trang liệt sĩ khu vực phía Nam như Tây Ninh, Củ Chi, Long An... sang đến nước bạn Lào và     Campuchia. Có khi bà một mình lặn lội tới vùng sâu, vùng xa để tìm gặp đồng đội cũ,  đến Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành xin thêm thông tin về liệt sĩ, rồi lại cặm cụi viết thư báo tin. Gần 15.000 bức thư do chính tay bà viết  được chuyển đến thân nhân liệt sĩ miền Bắc, miền Trung trong những năm qua. Có những cánh thư đi, chỉ vài ngày là nhận được tin vui từ  gia đình liệt sĩ. Cũng có những bức thư đi, nhưng bặt vô âm tín. Bà  động viên mình: “Có lẽ thân nhân liệt sĩ không còn ai, hay gia đình chuyển đi nơi khác nên lạc địa chỉ...”

Ngày nào bà cũng nhận được thư hoặc điện thoại cảm ơn từ những gia đình liệt sĩ mà mình đã báo tin. Bà kể về trường hợp của Thiếu tướng Nguyễn Quý Phát, quê ở Quỳnh Côi (Thái Bình). Nhờ lá thư bà báo tin, mà cuối năm 2014, gia đình đã tìm thấy phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Qúy Khánh, hy sinh tại Đức Hòa, Long An. Hay anh Phạm Văn Hậu (ngụ tỉnh Ninh Bình) chỉ biết bố hy sinh ở tỉnh Tây Ninh, nhưng chẳng biết tìm mộ bố ở đâu, bắt đầu như thế nào. Nhờ bà Tuyết giúp đỡ báo tin, anh đã làm hồ sơ để đưa bố về quê...

Đó là những câu chuyện hạnh phúc trong hàng ngàn câu chuyện mà bà Tuyết đã làm. Công việc thầm lặng và nghĩa cử cao đẹp của bà Mai Thị Tuyết  là một trong 150 gương sáng được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng giữa đời thường” do TP. Hồ Chí Minh tổ chức năm 2016.

PV/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh