11 đối tượng được tăng lương, niềm vui đã đến
- Bài thuốc hay
- 15:33 - 04/04/2015
Nghị định có hiệu lực từ 6/4, tuy nhiên các chế độ quy định sẽ được tính hưởng từ 1/1/2015. Số tiền lương tăng thêm không được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm và các loại phụ cấp lương. Sau khi có Nghị định về công chức lương thấp được tăng thêm 8%, phóng viên thuviensuckhoe.org đã ghi lại một số cảm nhận của công chức, viên chức và người lao động tại một số đơn vị khi Nghị định 17/2015 của Chính phủ đi vào cuộc sống.
Giáo viên mầm non phải làm việc khá vất vả, số tiền lương nhận được lại ít ỏi - (Ảnh minh họa)
Chị Lê Thi Hoa, giáo viên mầm non Trung tâm giáo dục sớm IPD TP. Thanh Hóa:
“Được tăng lương là vui rồi !”
Tôi đi làm được hơn 1 năm, đối với giáo viên mầm non mức lương rất thấp, khởi điểm chỉ được trên 2 triệu đồng tháng, nên cuộc sống rất khó khăn. Thời gian đầu mới đi làm, tôi vẫn phải xin thêm tiền của gia đình. Từ 6/4 những những viên chức như chúng tôi được tăng lương thêm 8 %, đối với nhiều người có thể là không đáng là bao. Nhưng với những người mới đi làm, thu nhập thấp cũng đã giúp cải thiện đáng kể cuộc sống, có thêm tiền để chi tiêu, xăng xe, điện thoại…giúp cuộc sống dễ thở hơn. Với tôi, được tăng lương là vui rồi !
Anh Thiều Văn Tú, công nhân Cty kim khí Thăng Long, Hà Nội:
“Tăng lương là cần thiết !”
Hiện nay, mức lương của tôi được Cty chi trả là 3 triệu đồng/tháng, mặc dù mức lương này đã cao hơn mức tối thiểu do nhà nước quy định với loại hình doanh nghiệp. Nhưng trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, tôi và nhiều đồng nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhiều khoản chi phí hàng tháng như :tiền nhà, điện, nước...hết khoảng 800.000 đồng/tháng; 2 bữa ăn hằng ngày tốn khoảng 60.000-70.000đ… Do đó, để duy trì cuộc sống, tôi đã phải gắng hết sức mình để đảm bảo hoàn thành định mức công việc ở Cty và đăng ký làm thêm giờ để có thêm thu nhập từ các khoản: chuyên cần, làm thêm giờ…Theo tôi, việc tăng lương tối thiểu rất cần thiết với người lao động(trong đó có công chức, viên chức thuộc các cơ quan nhà nước) tuy nhiên trước khi quy định mức trần thì các cơ quan nhà nước cần tìm hiểu sát với thực tế mức thu nhập, chi tiêu của người lao động để đưa ra được mức lương “gần” đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của họ.
Chị Phùng Thị Thư, giáo viên mầm non, Hoàng Cầu, Hà Nội:
“Lương còn thấp vẫn chưa đủ sống ”
Với mức thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, rất may tôi không phải thuê nhà, có phần dễ thở hơn nhiều giáo viên khác ở trường, vì họ còn phải thuê nhà trọ. Mỗi tháng tôi phải chi 600.000 đồng tiền xăng xe; rồi tiền học phí, quần áo, sách vở cho đứa con lớn (vừa học xong lớp 9), tiền ăn của cháu ở trường mỗi tháng khoảng 500.000 đồng, tiền học thêm mỗi tháng 300.000 đồng nữa; chưa kể còn lo ăn uống, sinh hoạt cho bà nội cháu và con nhỏ 22 tháng tuổi nữa. Nói thật là với thu nhập như thế, ăn uống cũng phải tằn tiện, đảm bảo no, chứ chưa yên tâm về mặt dinh dưỡng. Ở trường tôi hiện nay có mấy cô mới vào làm lương thấp hơn, lại phải thuê nhà trọ… nên nhiều khi chưa đến kỳ lương, phải đi vay mới trang tạm đủ trang trải cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Hà, công nhân may KCN Bắc Ga, Thanh Hóa:
“Lương thấp khó bám trụ làm việc lâu dài”
Công chức, viên chức được điều chỉnh lương, dẫu không nhiều nhưng cũng giúp họ cải thiện phần nào cuộc sống. Tôi và nhiều đồng nghiệp đã được điều chỉnh lương theo qui định của Chính phủ về tiền lương tối thiểu doanh nghiệp, nhưng cuộc sống cũng vẫn còn khó khăn. Lương thấp như hiện nay, công nhân rất khó trụ lại làm việc lâu dài. Nhiều người đã bàn nhau bỏ Cty về quê sinh sống bởi với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng, lại phải làm việc mỗi ngày từ 10-12h, công nhân sẽ bị kiệt sức dần. Đó là thực trạng đáng lo ngại với đa số người lao động đang làm việc ở các KCN. Vì vậy theo tôi thời điểm các nhà quản lý, quyết định tiền lương cho cán bộ, công chức có mức lương thấp là hợp lý. Nếu không tăng lương trong thời điểm hiện nay sẽ có rất nhiều có nhiều công chức, viên chức khó yên tâm làm việc .