100% nạn nhân bị mua bán được hưởng các chế độ hỗ trợ
- Dược liệu
- 00:00 - 20/01/2021
Tổ chức tốt công tác cai nghiện và quản lý sau cai
Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, công tác cai nghiện ma túy, phòng chống mại dâm; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; có các giải pháp đảm bảo thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát mạnh.
Sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan ở địa phương tiến hành lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với những trường hợp người nghiện ma túy theo quy định; tổ chức tốt công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy nhằm bảo đảm an toàn và trật tự xã hội.
Số liệu mới nhất cho thấy, tính đến hết tháng 10/2020, các cơ sở cai nghiện ma túy trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho 64.549 lượt người, trong đó số tiếp nhận mới là 26.305 người (số cai nghiện tự nguyện: 8.436 lượt người, số cai bắt buộc theo quyết định của Tòa án: 17.869 lượt người), số chuyển từ năm 2019 sang 38.244 người, số tái hòa nhập cộng đồng 19.563 người.
Hiện nay, tổng số người đang quản lý tại cơ sở cai nghiện là 38.409 người, trong đó 30.253 người cai nghiện bắt buộc, 5.181 người cai nghiện tự nguyện và 2.975 người trong cơ sở xã hội.
Duy trì hoạt động 5.892 tổ công tác cai nghiện ma túy với 42.804 lượt cán bộ tham gia; trong năm đã vận động được 2.663 lượt người đăng ký cai nghiện tại cộng đồng và 3.011 lượt người đăng ký cai nghiện tại gia đình; phát triển hình thức cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện dân lập cho khoảng gần 1.276 lượt người; tổ chức quản lý sau cai cho 26.876 người.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm ở 21 tỉnh, thành phố; triển khai và duy trì 113 điểm thực hiện can thiệp theo 03 mô hình của Chương trình.
Trong đó, có 12 địa phương tổ chức xây dựng mô hình tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực của người bán dâm trong tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới;
9 địa phương triển khai mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng và trung tâm công tác xã hội, 17 địa phương triển khai mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm với tổng số người bán dâm tham gia ban chủ nhiệm câu lạc bộ, nhóm tự lực, nhóm đồng đẳng trên là 4.463 người.
Làm tốt công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, tính đến hết tháng 10/2020 có 100 nạn nhân và 100% số nạn nhân này được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân và được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định.
100% nạn nhân bị mua bán được hưởng các chế độ hỗ trợ
Nhìn chung, theo Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2016 - 2020, công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo đồng bộ từ trung ương đến địa phương; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai;
Việc xây dựng và tổ chức triển khai thí điểm các mô hình, dịch vụ hỗ trợ xã hội người bán dâm ở cộng đồng, các mô hình thí điểm trong cai nghiện ma túy bước đầu có hiệu quả, mang lại nhiều cách tiếp cận mới, làm cơ sở cho việc đề xuất các chính sách, pháp luật trong thời gian tới.
Nhiều địa phương ban hành các chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ cho công tác cai nghiện ma túy.
Các cơ sở cai nghiện bắt buộc đã tổ chức cai nghiện cho 172.963 lượt người (trong đó: cai nghiện tự nguyện là 64.273 lượt người; cai bắt buộc theo quyết định của Tòa án là 108.690 lượt người; quản lý sau cai nghiện tại cơ sở cai nghiện: 4.023 người; tổ chức dạy văn hóa, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho 108.481 lượt người);
Thực hiện cai nghiện cho 27.917 lượt người tại cộng đồng và 22.237 lượt người tại gia đình; quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng cho 116.035 người.
Bên cạnh đó, 16 cơ sở cai nghiện ma túy do tư nhân thành lập đã cai nghiện cho khoảng gần 4.000 lượt người.
Theo báo cáo của các lực lượng chức năng, từ năm 2016 đến tháng 7/2020, toàn quốc đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận, xác minh gần 4.000 người.
Trong đó xác định 1.715 người là nạn nhân bị mua bán; 100% nạn nhân được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Dự kiến hoàn thành mục tiêu đề ra năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020 là:
Áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc cho 100% người nghiện ma túy có quyết định của Tòa án; tỷ lệ người nghiện ma túy được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý đạt 72%;
100% nạn nhân bị mua bán được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân và được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.