100% đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng
- Dược liệu
- 07:15 - 21/01/2023
Theo Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2022, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng dần mức trợ cấp cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia người cao tuổi, Chương trình Phát triển Công tác xã hội giai đoạn 2021-2030, Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn đoạn 2021-2030.
Thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ, theo báo cáo của các địa phương, hiện nay, cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng cho trên 3,3 triệu đối tượng với kinh phí khoảng 28.000 tỷ đồng.
Nhiều địa phương đã ban hành Nghị quyết nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội và mở rộng đối tượng khó khăn được hưởng trợ giúp xã hội, góp phần bảo đảm đời sống cho đối tượng thụ hưởng chính sách.
Quan tâm chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi, hiện nay đã có gần 3,3 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng (trong đó có hơn 2,5 triệu người cao tuổi), khoảng 1,2 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, hơn 1,87 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 10 nghìn người cao tuổi đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội; 95% người cao tuổi được cấp thẻ BHYT, 32% người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe ban đầu.
Công tác trợ giúp và phục hồi chức năng cho người khuyết tật được thực hiện hiệu quả[3]; gần 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật; thực hiện trợ cấp xã hội và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trên 1,5 triệu người khuyết tật.
Tập trung xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đến nay cả nước đã thành lập được 425 cơ sở trợ giúp xã hội (195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập)[4] nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ trợ giúp xã hội của đối tượng cần trợ giúp xã hội.
Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã cung cấp dịch vụ cho người lớn và trẻ em khuyết tật và tâm thần chiếm tỷ lệ lớn 46,5%, số đối tượng là trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi chiếm một tỷ lệ tương đối 19,3%, người già cô đơn chiếm tỷ lệ 10,3%, trẻ em và người lớn nhiễm HIV/AIDS chiếm tỷ lệ 1,4%.
Các tỉnh, thành phố từng bước chuyển đổi hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội sang hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với người già, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Trợ giúp đột xuất kịp thời, không để người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tại, dịch bệnh mà không được trợ giúp; tính từ đầu năm đến nay Chính phủ cấp xuất tổng số gần 25 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho 492,5 nghìn hộ với hơn 1,6 triệu nhân khẩu.
Trong đó: gần 14 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho gần 292 nghìn hộ với hơn 930 nghìn nhân khẩu trong dịp tết; 10,3 nghìn tấn gạo cho hơn 192 nghìn hộ với hơn 691 nghìn nhân khẩu dịp giáp hạt; 432,8 tấn gạo hỗ trợ hậu quả khắc phục thiên tai cho 8,4 nghìn hộ với 28,8 nghìn nhân khẩu.
Hàng năm, phối hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ Tài chính cùng các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xuất cấp hàng nghìn tỉ đồng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, ổn định đời sống dân sinh.
Ước thực hiện năm 2022, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói; trên 87% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời; trên 87% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời, đạt mục tiêu.