THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:35

10 tháng qua cả nước thu ngân sách đạt 821.000 tỷ đồng

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số ngành gặp khó khăn

Số liệu cập nhật của Bộ Tài chính cho thấy, 10 tháng qua, cả nước thu ngân sách đạt 821.000 tỷ đồng, bằng 80,9% dự toán năm, tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2015; còn chi ngân sách 980.500 tỷ đồng, bằng 77% dự toán năm, tăng 6,9% so cùng kỳ năm 2015. Cân đối ngân sách cho thấy, bội chi 10 tháng ước 159.500 tỷ đồng, bằng xấp xỉ 62,8% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm. 

Trong đó: Thu nội địa tháng 10- 2016 ước đạt 83,45 nghìn tỷ đồng, tăng 70,6% so tháng trước. Lũy kế thu 10 tháng đạt 663 nghìn tỷ đồng, bằng 84,5% dự toán năm, tăng 13,3% so cùng kỳ năm 2015. 

Các khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất - kinh doanh cơ bản đều đạt khá so dự toán và tăng so với cùng kỳ, như thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 89,9% dự toán, tăng 19,6%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 84,9% dự toán, tăng 16%; thuế thu nhập cá nhân đạt 87,9% dự toán, tăng 15,4%; các khoản thu về nhà, đất đạt 130,6% dự toán, tăng 35,4%; lệ phí trước bạ đạt 96% dự toán, tăng 22,2%.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khoản thu tiến độ đạt thấp, như thu phí, lệ phí đạt 75,5% dự toán năm; thu khác ngân sách đạt 69,1% dự toán năm. Đặc biệt là thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước tình hình vẫn chưa được cải thiện; ước tính đến hết tháng 10 mới đạt 68,8% dự toán năm, giảm 1,8% so cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số ngành (khai thác, chế biến dầu, khí; thủy điện; than;...) gặp khó khăn, số thu nộp ngân sách giảm; số thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại phát sinh thấp .

Thu từ dầu thô đạt 32,46 nghìn tỷ đồng, bằng 59,6% dự toán năm, giảm 42,4% so cùng kỳ năm 2015. Sản lượng dầu thanh toán 10 tháng khoảng 12,67 triệu tấn, bằng 90,3% kế hoạch năm; giá dầu thanh toán bình quân 10 tháng khoảng 42,7 USD/thùng, giảm 17,3 USD/thùng so với giá tính dự toán.

Cũng trong tháng 10- 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 4,1% so với tháng trước; trong đó riêng kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng chủ yếu có đóng góp số thu lớn cho NSNN tăng, như xăng dầu các loại tăng 13,2%; nguyên liệu dệt, may, da, giày tăng 10,5%; sản phẩm hóa chất tăng 7,7%;... 

Do đó tổng số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 10 tháng đạt 215,76 nghìn tỷ đồng, bằng 79,9% dự toán năm, tăng 3,3% so cùng kỳ năm 2015. Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ, thu cân đối NSNN đạt 122,26 nghìn tỷ đồng, bằng 71,1% dự toán năm, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2015. 

Tổng chi ngân sách nhà nước 10 tháng đạt 980,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77% dự toán năm, tăng 6,9% so cùng kỳ năm 2015.

Chi trả nợ và viện trợ tiếp tục tăng

Đối với chi ngân sách nhà nước, chi đầu tư phát triển đạt 163.200 tỷ đồng, bằng 64% dự toán năm, tăng 19,1% cùng kỳ năm 2015. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã có nhiều cải thiện trong những tháng gần đây, nhờ các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn theo Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 8/7/2016 của Chính phủ.

Ước đến hết tháng 10, lũy kế vốn đầu tư nguồn NSNN cho các dự án khoảng 161.600 tỷ đồng, đạt 64% dự toán năm; vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân ước đạt khoảng 44,1% dự toán năm Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2015 đạt 54% dự toán năm).

Chi trả nợ và viện trợ 130.840 tỷ đồng, bằng 84,4% dự toán năm, tăng 2,8% so cùng kỳ năm 2015, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết, không để tác động xấu đến kinh tế vĩ mô.

Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính 679.900 tỷ đồng, bằng 82,5% dự toán năm, tăng 4,2% so cùng kỳ năm 2015.

Bộ Tài chính cũng cho biết, công tác phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2016 khá thuận lợi, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán. Đến hết ngày 24/10/2016, đã phát hành được 268.300 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán.

 

Trong tháng 10, Bộ Tài chính hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương về quản lý, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu năm 2016, cơ chế tài chính thực hiện các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 (phần vốn sự nghiệp); hướng dẫn cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương về việc kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án thuộc Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, dự án đầu tư trên địa bàn huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh