THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 06:57

Lần đầu tiên xuất khẩu vượt ngưỡng 150 tỷ USD

10 sự kiện tiêu biểu gồm:

1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,6%

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 ước tính tăng 5,98% so với năm 2013, trong đó quý I tăng 5,06%; quý II tăng 5,34%; quý III tăng 6,07%; quý IV tăng 6,96%. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,15% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có chuyển biến khá tích cực với mức tăng cao là 8,45%, cao hơn nhiều so với mức tăng của một số năm trước. Tính chung cả năm 2014, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 7,6% so với năm 2013 (cao hơn nhiều so với mức tăng 5,9% của năm 2013 so với năm 2012).

2. Kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên vượt ngưỡng 150 tỷ USD

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2014 ước tính đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 48,4 tỷ USD, tăng 10,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 101,6 tỷ USD (gồm cả dầu thô), tăng 15,2%.

Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực gồm điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt, may, giày dép, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; điện tử, máy tính và linh kiện vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đánh giá cao những nỗ lực của ngành Công thương năm 2014 tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm của Bộ Công thương

3. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương

Theo Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 01/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tái cơ cấu ngành Công Thương theo lĩnh vực: Công nghiệp; năng lượng; thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế.

4. Cổ phần hóa thành công Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Ngày 22-9-2014, nhà đầu tư đã mua hết số cổ phần đã đăng ký tại buổi đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Theo đó, Vinatex đưa ra 121.999.150 cổ phần với mức giá khởi điểm 11.000 đồng/cổ phần.

Theo phương án cổ phần hóa Vinatex được chính phủ phê duyệt, tập đoàn này có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. Sau khi cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ 51% vốn, còn lại 24% bán cho nhà đầu tư chiến lược, 0,6% cho người lao động và 24,4% các nhà đầu tư khác.

5. Đưa điện ra huyện đảo Lý Sơn

Ngày 28-9-2014, tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ Khánh thành Dự án cấp điện từ hệ thống điện Quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm.

Tiếp sau huyện đảo Lý Sơn, huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) tiếp tục được đầu tư kéo điện lưới quốc gia từ đất liền ra xã Hòn Tre là Trung tâm Hành chính - Kinh tế huyện này. Theo Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, dự án công trình dự kiến hoàn thành đóng điện vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015.

6. Kết thúc đàm phán 3 Hiệp định thương mại tự do

Năm 2014, Việt Nam đã kết thúc đàm phán 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm: FTA Việt Nam – Liên minh Hải quan (Nga-Belarus-Kazakhstan); FTA Việt Nam – Hàn Quốc; FTA Việt Nam – EU.

Ngoài ra, Việt Nam đang tích cực tham gia các vòng đàm phán các FTA còn lại để tiến tới kết thúc như FTA với Khối mậu dịch tự do (EFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP)… tiến tới sớm kết thúc các FTA)song phương và đa phương.

7. Thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, hàng giả

Ngày 23-5-2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) đã ký các Quyết định số 31/QĐ-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo Quy chế, Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở hồ sơ, tài liệu và tình hình thực tế; triệu tập họp Ban Chỉ đạo 389 hàng quý, hoặc đột xuất khi có vấn đề, vụ việc phức tạp, nghiêm trọng; thành lập hoặc chỉ đạo thành lập các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra thực hiện nếu cần thiết.

8. Dự án sản xuất phân bón DAP số 2 bắt đầu đi vào hoạt động tại Lào Cai

Ngày 28-12, tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng, Lào Cai), lãnh đạo ngành Công Thương và tỉnh Lào Cai đã tham dự Lễ xuất xưởng lô sản phẩm phân bón DAP đầu tiên của Công ty Cổ phần DAP số 2-VINACHEM. Lô sản phẩm phân bón DAP đầu tiên sản xuất từ ngày 26 đến 28/12/2014 đã đạt sản lượng 900 tấn.

Từ nay đến đầu quý 1-2015, Nhà máy sẽ tiếp tục vận hành sản xuất để hiệu chỉnh các thông số kỹ thuật cho toàn bộ dây chuyền được đồng bộ.

9. Triển khai Dự án xây dựng Nhà máy điện phân nhôm ở Nhân Cơ, Đăk Nông

Lễ động thổ dự án xây dựng Nhà máy điện phân nhôm ở Nhân Cơ, Đăk Nông đã được tổ chức sáng 4-9-2014 tại Khu công nghiệp Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông. Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông là một mắt xích quan trọng kết nối chuổi sản phẩm từ Alumin tại Nhân Cơ và Tân Rai và công nghiệp phụ trợ có ảnh hưởng lớn đến nghành công nghiệp Nhôm nói riêng và nền công nghiệp nói chung.

10. Xăng sinh học E5 được lưu hành tại 7 tỉnh, thành phố

Từ ngày 1-12-2014, xăng sinh học E5 được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo lộ trình, từ ngày 1-12-2015 xăng E5 được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc; từ ngày 1-12-2016 xăng E10 được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu; từ 1-12-2017, xăng E10 được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh