10 doanh nhân ảnh hưởng lớn bất động sản Việt năm qua
- Huyệt vị
- 00:11 - 25/02/2015
Tính đến 31/12/2014, tổng tài sản Vingroup đạt 90.483 tỷ đồng, tăng 14.710 tỷ đồng so với quy mô của năm 2013, trở thành doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn nhất ở Việt Nam.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa hết khó khăn, nhưng Vingroup đã sớm bán thành công hàng loạt căn hộ cao cấp tại ba dự án Time City, Royal City, Vinhomes Nguyễn Chí Thanh, góp phần mang về doanh thu tới gần 28.000 tỷ đồng trong năm 2014.
Năm qua cũng đánh dấu việc Vingroup đưa một loạt dự án vào hoạt động tại Tp.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Quốc… Những dự án quy mô lớn như Vinhomes Central Park đang tiếp tục được Vingroup xây dựng sẽ dần góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị trong nước.
Và vì vậy, ông Phạm Nhật Vượng, vị doanh nhân Việt được Forbes vinh danh là tỷ phú đô la đầu tiên không chỉ có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường bất động sản năm 2014, mà có lẽ còn trong những năm tới.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam: Sau nhiều năm kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực địa ốc, ngân hàng, ông Dương Công Minh, vốn rất hiếm khi đăng đàn trên các phương tiện truyền thông, đã bất ngờ xuất hiện khi công bố dự án 20.000 tỷ đồng để phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên. Tuy vậy, 20.000 tỷ chỉ là một con số “không lớn” với quy mô mà Him Lam đang có.
Tên tuổi của vị doanh nhân Dương Công Minh gắn liền với lĩnh vực bất động sản mà Him Lam đã thực hiện. Đến nay, Him Lam đã đầu tư xây dựng trên 70 dự án nhà ở, khu đô thị quy mô hàng ngàn ha có giá trị lớn trên khắp cả nước, như Him Lam - Tân Hưng, Him Lam Riverside, Him Lam 6A, Him Lam Nam Khánh, Him Lam Đồng Diều, khu nhà ở Him Lam, Phổ Quang, Tân Bình, Him Lam Vạn Phúc…
Với lợi thế của mình, những dự án của Him Lam có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường bất động sản và cũng làm cho các đối thủ phải kiêng nể. Năm 2014, hàng loạt dự án của Him Lam đã được chào bán thành công.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch SeABank: Nói đến cái tên Nguyễn Thị Nga, người ta thường biết đó là bà chủ SeABank, tuy nhiên, tập đoàn BRG mới thực sự là dấu ấn lớn mà bà Nga đã gây dựng.
Sân golf quốc tế Đảo Vua - Kings’ Island Golf Resort (Sơn Tây, Hà Nội), khu nghỉ dưỡng ven biển và sân golf quốc tế Đồ Sơn Seaside Golf Resort (Hải Phòng), khu vui chơi giải trí thể thao và sân golf quốc tế Legend Hill - Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn, Hà Nội), khách sạn Hilton Hanoi Opera - khách sạn Hilton Garden Inn… là loạt dự án thuộc BRG - tập đoàn có sức ảnh hưởng lớn tới phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, sân golf, văn phòng, với danh mục nhiều dự án lớn nằm ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác.
Năm 2014, báo giới từng tốn nhiều giấy mực với thương vụ BRG thâu tóm cổ phần khách sạn Thắng Lợi, một khách sạn có vị trí đắc địa ở Hồ Tây.
Là bà chủ một ngân hàng có quy mô tổng tài sản gần 4 tỷ USD, ảnh hưởng của bà Nga tới thị trường tài chính là không nhỏ. Tuy vậy, tầm ảnh hưởng của bà tới thị trường bất động sản thì cũng khiến nhiều đại gia trong ngành phải “nể mặt”.
Ông Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Công ty Cổ phần Địa ốc Đại Quang Minh: Gần 20 năm sau ngày khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch là trung tâm hành chính của Tp.HCM, hình hài của một Thủ Thiêm hiện đại, từng được vẽ ra như là một “Phố Đông” của Sài Gòn vẫn chưa hiện rõ.
Nhiều tập đoàn trong và ngoài nước dù đã có giấy phép đầu tư vào mảnh đất này, nhưng khó khăn của nền kinh tế và sự suy trầm của thị trường bất động sản đã khiến họ thoái chí.
Tuy nhiên, sự trở mình của Thủ Thiêm đã có hy vọng khi nhiều dự án bắt đầu được triển khai kể từ đầu năm 2014. Mở màn là dự án khởi công xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm vào cuối tháng 2, do Đại Quang Minh làm chủ đầu tư.
Phát pháo mở màn năm 2014 của Đại Quang Minh với tư cách là đơn vị phát triển hạ tầng và kinh doanh bất động sản đã khiến không ít người kinh ngạc, bởi đây là một tên tuổi còn khá mới trong giới kinh doanh và phát triển địa ốc tại khu vực phía Nam, với hai nhân vật chính là ông Trần Đăng Khoa trong vai trò Chủ tịch và ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải) nắm cương vị Tổng giám đốc.
Ngoài dự án Sala tại quận 2, Tp.HCM, Đại Quang Minh còn phát triển dự án khu nhà thấp tầng và thương mại dịch vụ tổng hợp, bao gồm dự án trường học và trung tâm văn hóa, tổng diện tích đất phát triển dự án khoảng 22,3 ha; dự án khu nhà thấp tầng và thương mại dịch vụ tổng hợp, tổng diện tích đất phát triển dự án khoảng 18,8 ha…
Ông Trần Đăng Khoa, sinh năm 1970, từng được giới đầu tư mệnh danh “Khoa Keangnam”. Ngoài những dự án của Đại Quang Minh, vị doanh nhân kín tiếng này cũng được biết đến với việc nắm nhiều dự án bất động sản khác.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC: Không phải ngẫu nhiên mà cái tên FLC được nhắc đến trong gần như tất cả các thống kê về M&A (mua bán, sáp nhập) bất động sản năm 2014 của cả nước. Dường như, thay vì phải mất 5-10 năm để sở hữu danh mục dự án lớn như hiện tại, FLC đã chọn M&A là công cụ để đưa tập đoàn này trở thành một “ông lớn” thực sự trong ngành bất động sản, khi liên tiếp thâu tóm hàng loạt dự án có triển vọng vào thời điểm hợp lý.
FLC bắt đầu thực hiện cú “hat-trick” M&A khi công bố đầu tư 3.500 tỷ đồng mua lại dự án Alaska Garden City, sau đó đổi tên thành FLC Garden City, trên diện tích 8 ha tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội, giữa lúc thị trường còn đang trầm lắng.
Tiếp đó, tập đoàn này mua vào thêm hai dự án khác là Ion Complex Tower (nay đổi tên là FLC Complex Tower) tại 36 Phạm Hùng Nam Từ Liêm, Hà Nội, với quy mô xây dựng 39 tầng; và The Lavender (tên mới là FLC Star Tower) với quy mô xây dựng 41 tầng; đưa tổng mức đầu tư các dự án bất động sản M&A lên 6.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, là các dự án bất động sản mà FLC tự phát triển, với tổng quy mô đầu tư lên tới hơn 12.000 tỷ đồng tại khắp các tỉnh thành, như khu resort cao cấp Vĩnh Thịnh tại Vĩnh Phúc, FLC Landmark Tower tại Hà Nội, đại dự án FLC Samson Beach & Golf Resort, đầu tư 5.500 tỷ đồng tại Thanh Hóa, hai khu công nghiệp tại Quảng Bình và Vĩnh Phúc, dự án BT xây dựng trung tâm hành chính mới, quy mô 7.000 tỷ đồng tại Khánh Hòa…
Được xem là hiện tượng trên thị trường bất động sản năm qua khi đã đánh thức nhiều dự án “ngủ quên”, sự chú ý đối với FLC có thể là kết quả của ba yếu tố: sự cung cấp thông tin khá đầy đủ, liên tục của doanh nghiệp ra thị trường, tốc độ tăng trưởng ổn định trong hoạt động kinh doanh. Trong 5 năm liền, lợi nhuận của FLC đều tăng trưởng tốt.
Ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Bitexco: Sau 10 năm, vai trò một nhà phát triển bất động sản hàng đầu của Bitexco đã được khẳng định, không chỉ bằng số lượng và chất lượng của các dự án, mà còn bởi sự độc đáo và tính nghệ thuật rất cao của các công trình.
Nhiều dự án bất động sản của tập đoàn này còn mang tính biểu tượng, hoặc ít nhiều góp phần thay đổi diện mạo đô thị lớn như tòa tháp tài chính Bitexco Financial Tower tại Tp.HCM, khách sạn J.W Marriott tại Hà Nội, các khu đô thị đa chức năng The Manor tại Hà Nội và Tp.HCM, khu đô thị Nguyễn Cư Trinh, tháp The One tại Tp.HCM...
Với vai trò lãnh đạo của vị doanh nhân quê gốc Thái Bình, không chỉ xây dựng nhiều cao ốc văn phòng, khu đô thị, khách sạn, Bitexco còn tham gia xây dựng dự án hạ tầng, như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco: Nhắc đến ông Vũ Văn Tiền, nhiều người sẽ nhớ đến ông trong vai trò Chủ tịch ABBank. Tuy nhiên, tập đoàn Geleximco mà ông Tiền cũng là Chủ tịch còn có ảnh hưởng đáng kể đến nhiều lĩnh vực như công nghiệp và đặc biệt là bất động sản.
Từ những năm 2010, Geleximco có 20 công ty thành viên, hàng chục công ty liên doanh, liên kết hoạt động trên địa bàn cả nước. Tập đoàn này cũng là cổ đông chiến lược của nhiều doanh nghiệp lớn.
Lĩnh vực bất động sản, hạ tầng là một thế mạnh của tập đoàn này, với nhiều dự án nhóm A, tiêu biểu có các khu đô thị Cái Dăm (37,04 ha) tại Quảng Ninh, Lê Trọng Tấn (135 ha) tại Hà Nội, Đồng Trúc - Ngọc Liệp (250 ha) tại Quốc Oai, Hà Nội, Phú Mãn (461,2 ha) tại Hà Nội; nhiều khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 4 sao và 5 sao, các trung tâm thương mại…
Năm 2014 đánh dấu sự thành công của nhiều dự án do các đơn vị thuộc Geleximco đầu tư. Là một người khá kín tiếng với giới truyền thông, nhưng ảnh hưởng của ông Vũ Văn Tiền tới thị trường bất động sản thì không có gì là bí ẩn.
Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát: Nắm hàng chục cao ốc - trung tâm thương mại lớn, khách sạn…, Vạn Thịnh Phát được xem là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản.
Theo giới thiệu của công ty, kể từ khi ra đời vào năm 1992 do bà Trương Mỹ Lan thành lập với tên gọi Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, hoạt động ban đầu trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng - khách sạn, công ty đã mở rộng hoạt động sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Đến nay, công ty đã lần lượt khai trương nhiều nhà hàng, khách sạn, cao ốc văn phòng và cao ốc căn hộ, trong đó có hai công trình lớn như cao ốc Times Square, khu Vincom Centre A, Windsor Plaza Hotel, Sherwood Residence, khu dân cư Bonville Land, Elegance Residence, khu dân cư L'amour Villas, trung tâm thương mại Thuận Kiều…
Khác với nhiều vị doanh nhân có doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, tài sản của bà Trương Mỹ Lan không được biết một cách chính xác thông qua lượng cổ phiếu đang nắm giữ. Tuy vậy, giới bất động sản thì không xa lạ gì với khối tài sản khổng lồ của Vạn Thịnh Phát và tầm ảnh hưởng của bà.
Để bán thành công các dự án nhà ở, các chủ đầu tư phải tìm đến những nhà phân phối có uy tín và có đủ khả năng làm marketing và thậm chí là các “thủ thuật” bán hàng.
Trong năm 2014, CEN Group do ông Nguyễn Trung Vũ luôn được nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản lớn chọn là nhà phân phối.
Với khoảng 4.000 sản phẩm giao dịch thành công năm 2014, CEN Group với hệ thống siêu thị dự án (STDA) đang chiếm vị trí dẫn đầu thị trường môi giới bất động sản tại Hà Nội.
Năm qua, Đất Xanh Đã có khoảng 8.800 giao dịch thành công trên cả nước.
Với khả năng “phủ” tốt trong hoạt động môi giới bất động sản tại hai thành phối lớn là Hà Nội và Tp.HCM, năm 2015, công ty này đang hướng tới 10.000 giao dịch thành công.