THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:22

Yên Bái: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

 

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025” trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

 

Tỉnh Yên Bái tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số 

 

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng dân tộc thiểu số (DTTS) với các địa bàn trong toàn tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chủ động phòng chống các tình huống gây mất an ninh, trật tự vùng đồng bào DTTS; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã.

Theo đó, tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2023 có 100% người có uy tín, 90% ĐBDTTS nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được tiếp cận thông tin, kiến thức về y tế, phòng chống các bệnh đặc thù, tiếp cận thông tin về pháp luật và các chính sách về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, phòng chống thiên tai, nắm bắt thông tin về an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống vùng DTTS, 80% được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và thị trường.

Để thực hiện được những mục tiêu trên, tỉnh Yên Bái tổ chức mô hình đào tạo từ xa dạy tiếng dân tộc, kiến thức về công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; dạy nghề cho thanh niên các DTTS.

Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số. Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc, bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ đồng bào tiếp cận thông tin. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đồng bào chủ động, không bị bất ngờ trong mọi tình huống gây mất an ninh, trật tự...

Mục tiêu đến hết năm 2025: Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc và các ứng dụng hỗ trợ ĐBDTTS. Phấn đấu 100% ĐBDTTS nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường. Hoàn thiện bộ dữ liệu về DTTS Việt Nam; các thông tin về lễ hội, phong tục tập quán, sản phẩm, vật phẩm tiêu biểu của các dân tộc thiểu số được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng.

Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện bao gồm: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ ĐBDTTS tiếp cận thông tin, chú trọng các lĩnh vực kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Xây dựng bộ dữ liệu về các DTTS, tập trung vào các lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán, các sản phẩm truyền thống; thông tin địa lý vùng dân tộc thiểu số có tích hợp dữ liệu thông tin đa phương tiện.

Xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin thuận lợi trên thiết bị di động thông minh để hỗ trợ phổ biến đường lối chính sách, pháp luật; giáo dục về giới tính, quyền phụ nữ, quyền trẻ em; cung cấp thông tin việc làm phù hợp với trình độ, nhu cầu của đồng bào; Xây dựng, phát triển các ứng dụng hỗ trợ cảnh báo thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn; Xây dựng diễn đàn đối thoại trực tuyến về công tác dân tộc nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc gây mất an ninh trật tự; Tận dụng tối đa các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sẵn có thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin.

 

Mục tiêu đến hết năm 2025 có 100% đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (ảnh mh)

 

Nâng cấp nền tảng công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ tỉnh đến các địa phương. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc phù hợp với mô hình tổ chức, nhiệm vụ của cơ quan làm công tác dân tộc từ trung ương đến địa phương bảo đảm khả năng tích hợp, đồng bộ, truy xuất, chia sẻ, trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống thông tin liên quan đến công tác dân tộc; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; Thiết kế, nâng cấp hệ thống hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ tỉnh đến các địa phương… Ưu tiên đầu tư cho các dự án nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ về phần mềm phù hợp với các định hướng phát triển của Đề án.

Xây dựng và tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, phổ cập các kiến thức về công nghệ thông tin; Xây dựng và triển khai việc đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin; Ban hành các văn bản nhằm tăng cường sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan làm công tác dân tộc; Xây dựng cơ chế vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư đóng góp vào bộ dữ liệu dân tộc thiểu số.

Phát triển các hình thức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin trong lĩnh vực công tác dân tộc; Đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, tổ chức các lớp đào tạo từ xa bằng phương thức trực tuyến cho cán bộ, công chức và viên chức làm công tác dân tộc về kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn, an ninh mạng.

Đề án triển khai thực hiện đến hết năm 2025 trên địa bàn 8 huyện, thị xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Thành Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh