CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:18

Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của Chiến thắng 30/4

Ảnh Tư liệu: Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh độc lập ngày 30/4/1975

Ảnh Tư liệu: Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh độc lập ngày 30/4/1975

Chiến thắng 30/4 làm thất bại hoàn toàn tham vọng của đế quốc Mỹ, hòng thôn tính miền Nam Việt Nam bằng cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới với quy mô lớn nhất và dài ngày nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945). Với sức mạnh kinh tế, quân sự của một siêu cường, đế quốc Mỹ tưởng chừng nhanh chóng khuất phục được nhân dân Việt Nam yêu nước. Nhưng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lực lượng vũ trang cùng toàn dân đoàn kết thành một khối vững chắc, phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đánh giặc giữ nước, với sức mạnh của trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hy sinh, kiên gan, bền chí, “quyết đánh, biết đánh và biết thắng” kẻ địch mạnh, từng bước thực hiện “Đánh cho Mỹ cút” tiến lên “Đánh cho ngụy nhào”, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng 30/4 khẳng định đường lối chính trị, quân sự, phương pháp tiến hành cách mạng và chiến tranh cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp cực kỳ to lớn để nhân dân ta đánh thắng lực lượng khổng lồ và những cố gắng chiến tranh rất cao của đế quốc Mỹ và đồng minh của Mỹ. Đây chính là nhân tố quyết định nhất để làm nên thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chiến thắng 30/4 là biểu hiện sinh động sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thật vậy, bước vào cuộc đụng đầu với đế quốc Mỹ, Đảng ta xác định rõ đường lối tiến hành chiến tranh, đồng thời vạch ra phương châm, phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân, đảm bảo cho quân và dân ta càng đánh, càng mạnh, lực lượng ngày càng phát triển, tạo ra và giữ được thế chủ động chiến lược thúc đẩy cuộc kháng chiến tiến lên những bước vững chắc và đi tới thắng lợi hoàn toàn.

Trên thực tế, quy luật của mọi cuộc chiến tranh là mạnh được yếu thua, và dù có những đặc điểm và hình thái khác thường như thế nào, kết cục cuối cùng của cuộc chiến vẫn được quyết định bởi đòn tiến công quân sự. Đòn tiến công quân sự của lực lượng vũ trang, trong đó giữ vai trò nòng cốt là Quân đội nhân dân Việt Nam đã bẻ gãy các cuộc tiến công, phản công, đánh bại các kế hoạch chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam, thúc đẩy đấu tranh chính trị, tạo thế cho đấu tranh ngoại giao, tạo đà cho mặt trận thống nhất chống Mỹ. Do vậy, chiến tranh nhân dân được thể hiện cụ thể bằng sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các mặt đấu tranh, trong đó đấu tranh quân sự giữ vai trò then chốt trong việc tạo ra sức mạnh tổng hợp để thắng Mỹ. 

Chiến thắng 30-4 cũng đồng thời là thành quả của liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương. Việt Nam, Lào, Campuchia đều có số phận giống nhau, bị cùng một đế quốc xâm lược, do đó, có chung mục đích đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc, xây dựng cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc. Đó là cơ sở tất yếu khách quan của sự hình thành và phát triển khối liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương. Dù đế quốc Mỹ có dùng trăm phương nghìn kế để chia rẽ, phá hoại, nhưng trước sau khối liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương vẫn không ngừng được củng cố, tạo ra sức mạnh to lớn, bảo đảm cho mục tiêu của mỗi nước và cả ba nước.

Chiến thắng 30/4 thể hiện sức mạnh, sức sống của hậu phương chiến tranh; là kết quả mối quan hệ giữa hậu phương chiến lược với hậu phương tại chỗ, giữa hậu phương trong nước với hậu phương quốc tế. Tiến hành cuộc kháng chiến trong điều kiện lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, đòi hỏi quân và dân ta phải biết thắng từng bước, đánh bại từng bộ phận, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Trong quá trình ấy, vai trò của hậu phương, cả hậu phương chiến lược miền Bắc và hậu phương trực tiếp miền Nam. Cần khẳng định, không thể nào có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nếu không có hậu phương chiến lược miền Bắc - căn cứ địa của cả nước và của cách mạng ba nước Đông Dương. Hậu phương miền Bắc đã tạo được sức mạnh cực kỳ to lớn, bảo đảm vừa xây dựng, vừa chiến đấu để tự bảo vệ một cách vững chắc, đồng thời động viên sức người, sức của chi viện cho các chiến trường.

Cùng với hậu phương chiến lược, hậu phương tại chỗ giữ vai trò là nhân tố cơ bản để xây dựng và tăng cường tiềm lực và sức mạnh của cách mạng, xây dựng và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân, tiến hành chiến lược tiến công, giữ vững quyền chủ động chiến trường, thu hẹp hậu phương của địch, tạo thế cài răng lược, không phân vùng, phân tuyến giữa ta và địch…

Sự nối kết chặt chẽ giữa hậu phương lớn với hậu phương tại chỗ được thực hiện qua tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Các lực lượng trên đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh vừa thực hiện nhiệm vụ vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, nhưng đồng thời cũng là căn cứ, hậu cần trực tiếp, áp sát chiến trường, bảo đảm cung ứng kịp thời nhu cầu của chiến trường.

Bên cạnh hậu phương trong nước, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam còn có hậu phương quốc tế rộng lớn, hết lòng ủng hộ, giúp đỡ. Trên tinh thần quốc tế vô sản, Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa đã dành cho sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ toàn diện, to lớn và quý báu về tinh thần và vật chất, với hàng triệu tấn hàng hóa, hàng trăm nghìn tấn vũ khí, trang bị - kỹ thuật quân sự. Sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, hiệu quả của các nước xã hội chủ nghĩa cùng với phong trào nhân dân tiến bộ trên thế giới chính là sức mạnh của thời đại, kết hợp với sức mạnh của dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn đồng thời là nhân tố quan quan trọng góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.

*     *

Chiến thắng 30/4 đã trở thành một trong những sự kiện quan trọng, có tầm vóc và ý nghĩa to lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới ở thế kỷ XX. Chiến thắng 30-4 để lại cho chúng ta nhiều bài học lịch sử vô cùng quý giá đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài học về nhận định, nắm bắt thời cơ chiến lược tiếp tục được vận dụng sáng tạo, góp phần quyết định giúp cho Đảng ta lãnh đạo đất nước vượt qua những thử thách sống còn. Điều đó thể hiện bằng những quyết định lịch sử - khởi xướng công cuộc Đổi mới vào năm 1986 (Đại hội Đảng lần thứ VI), đưa đất nước ta dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, tiến từng bước vững chắc trên con đường đổi mới, hội nhập ngày càng toàn diện và sâu rộng vào thế giới với xu thế toàn cầu hóa.

Hiện nay, đất nước ta lại đang đứng trước thời cơ chiến lược mới với những thách thức mới, nghiêm trọng và phức tạp. Quá trình toàn cầu hóa ngày càng tăng tốc đã đưa lại cho sự nghiệp phát triển bền vững đất nước, những nguồn lực và vận hội mới. Việt Nam đã và đang tham gia ngày càng tích cực và có trách nhiệm xứng đáng trong các công việc mang tầm vóc thế giới và khu vực, uy tín quốc gia ngày càng được nâng cao. Song, toàn cầu hóa cũng đặt ra nhiều thách thức to lớn chưa từng có. Biến đổi khí hậu toàn cầu có thể đặt một số vùng của nước ta trước nguy cơ thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn khó bề khắc phục; làn sóng xâm thực văn hóa có thể làm biến dạng lối sống và xói mòn hệ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; chiến tranh, xung đột, bệnh dịch, nhất là đại dịch Covid-19 đang hoành hành, có thể gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn... 

Trước chuyển động của tình hình trong nước và quốc tế hiện nay đòi hỏi tính sáng tạo và mưu lược đối với sự lãnh đạo và chỉ đạo chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Thành tựu của công cuộc đổi mới, nhất là của cuộc công cuộc phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian qua đã cho thấy rõ bản lĩnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đó là cơ sở chắc chắn nhất để giữ gìn và phát huy thành quả cách mạng của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đã tạo dựng.

Chiến thắng 30/4 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại ngày càng được khẳng định và nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn. Chiến công hiển hách đó đã mở ra một trang sử mới trong lịch sử dân tộc, đồng thời là niềm tự hào, nguồn cổ vũ lớn lao đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thượng tá Lê Quang Lạng – Viện Lịch sử quân sự - Bộ Quốc phòng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh