THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:18

Xung quanh vụ bác sĩ Lương- Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình bị bắt tạm giam

 

Bác sĩ Lương bị khởi tố, nhiều đồng nghiệp lên tiếng.


Là người phụ trách chuyên môn khoa Hồi sức tích cực, Đơn nguyên thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bác sĩ Hoàng Công Lương đã trực tiếp kí giấy đề xuất sửa chữa bảo dưỡng định kì hệ thống nước lọc RO2 và RO mini để phục vụ tốt cho việc chạy thận nhân tạo.

Trong ngày 28 tháng 5 năm 2017, hệ thống RO được sửa và thông báo qua điện thoại là xong hoàn chỉnh, nhưng chưa có biên bản nghiệm thu, chưa có biên bản bàn giao. Sáng 29 tháng 5, sau khi xem các điều dưỡng viên kiểm tra thấy máy chạy tốt, bác sĩ Lương đã ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân.

Tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn


Theo Tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn: "Anh Lương là một bác sĩ, công việc của anh là cứu chữa cho bệnh nhân. Bác sĩ Lương được huấn luyện để sử dụng máy chạy thận nhân tạo chạy thận cho bệnh nhân. Anh đã làm đúng các qui trình y khoa trước khi cho y lệnh chạy thận. Anh làm sao biết được nguồn nước còn tồn dư chất độc hại? Nhân viên phòng Vật tư - Trang thiết bị y tế của bệnh viện, người được giao giám sát việc bảo dưỡng máy, đã thông báo với điều dưỡng của Đơn nguyên thận nhân tạo, là hệ thống đã hoạt động bình thường. Như vậy, việc bác sĩ Lương cho y lệnh chạy thận trên một hệ thống hoạt đồng bình thường theo sự xác nhận của người chịu trách nhiệm giám sát quá trình bảo dưỡng là phạm tội sao? Nếu bác sĩ Lương không cho y lệnh chạy thận nhân tạo trên hệ thống máy đã được thông báo là hoạt động bình thường thì mới là có tội. Bác sĩ Lương không có lí do gì để bắt những người bệnh đang có nguy cơ tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời kia chờ đợi khi hệ thống máy đã hoạt động bình thường.

Phó Giáo sư y khoa 41 tuổi nghề: Bắt bác sĩ Lương là điều cực phi lý

Bác sĩ Hoàng Công Lương làm việc với cơ quan công an


PGS Nguyễn Văn Bàng, nguyên Phó trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai  xâu chuỗi các vấn đề trong sự việc và cho rằng bác sĩ Lương không phải là người phải bị bắt tạm giam. Ông đã có những phân tích từ kinh nghiệm của mình trong hơn 40 năm gắn bó với nghề y.

"Với trách nhiệm người đồng nghiệp lớn tuổi và nhiều năm trong nghề Hồi sức Cấp cứu (Nhi khoa) và với những hiểu biết của gần 10 năm làm việc ở Cộng hoà Pháp trong cương vị bác sĩ hồi sức Nhi, trợ lý giáo sư trưởng khoa trong 5 năm du học và sau đó là 4 năm nghiên cứu sinh Y tại Pháp, tôi xin nêu một số quan điểm để các bạn bè đồng nghiệp, các nhà chức trách Bộ Y tế và nhất là các cán bộ chuyên án vụ án về tai nạn hay thảm hoạ tại đơn vị Thận nhân tạo BVĐK tỉnh Hoà Bình suy ngẫm" - PGS Bàng nhấn mạnh.

Theo phân tích của PGS Bàng, đúng là Bộ Y tế đã có quy trình quy phạm đầy đủ. Nhưng mọi người hãy nhìn vào bản chất sự việc để xem tai nạn khởi nguồn từ đâu. Chỉ với 4 câu hỏi dưới đây, nhiều người càng thương cho vị bác sĩ trẻ hơn.

Thứ nhất: Việc công ty Thiên Sơn thuê công ty Trâm Anh bảo trì máy móc đơn vị thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình có được ghi trong hợp đồng của ban giám đốc bệnh viện với Thiên Sơn không? Tại sao Thiên Sơn ký hợp đồng nhưng lại thuê Trâm Anh? Thiên Sơn không còn đủ năng lực, hay chưa từng đủ năng lực, hay có biến động nội bộ không bảo đảm được việc thực thi hợp đồng?

Thứ hai: Việc Trâm Anh chứ không phải Thiên sơn đảm nhiệm việc bảo trì lần này, Ban lãnh đạo Bệnh viên Hòa Bình có biết không? Nếu biết thì ai là người đồng ý cho thay thế hay thuê mướn công việc chuyên biệt này?

Thứ ba: Trâm Anh có tư cách pháp nhân gì trong vụ bảo trì lần này? Nếu có, ai là người xác định năng lực chuyên môn "kẻ đóng thế" này?

Thứ tư: Ai thay mặt ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đồng ý cho Trâm Anh (năng lực chuyên môn thế nào? Ai kiểm định?) làm việc trên trong khi hợp đồng ký với Thiên Sơn (là chủ thể bên B nên chắc chắn là đã kiếm định năng lực).

Bác sĩ làm gì trong trường hợp này?

Về việc bắt giam bác sĩ đơn vị thận nhân tạo, PGS Bàng cho hay, ông không có thông tin cụ thể là bác sĩ Lương sai sót như thế nào trong vụ án này, theo báo chí sau khi được bảo trì bảo dưỡng, hệ thống lọc nước chưa test nước đầu ra, chưa đưa nguồn nước đi kiểm định đã sử dụng cho bệnh nhân. Trong khi theo quy trình của Bộ Y tế phải kiểm tra máy chạy thận, thông số nước, theo dõi giám sát hiện tượng xảy ra bất thường sau khi bảo trì. Cùng với đó, hệ thống lọc nước phải được kiểm nghiệm đầu ra trước khi bàn giao cho cán bộ y tế để đưa vào vận hành.

Nên với tư cách là một bác sĩ, PGS Bàng phản đối việc bắt giam đồng nghiệp bác sĩ Lương. Người trực tiếp vận hành chạy máy thận nhân tạo sau khi các công đoạn an toàn kỹ thuật thuộc các nhóm kỹ thuật khác. Các bác sĩ là người sử dụng máy đã được đảm bảo kỹ thuật do giám đốc, lãnh đạo bệnh viện, phòng vật tư, phòng Kế hoạch tổng hợp.., là những đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm với nhà nước và pháp luật để kí kết với các đối tác kỹ thuật đảm bảo an toàn cho thầy thuốc vận hành máy cứu người.

Những thầy thuốc dùng vật tư đã do các đơn vị/bộ phận có trách nhiệm đảm bảo, trong quy trình Bộ Y tế bắt buộc bác sĩ kiểm tra chất lượng ở những khâu nào? Nếu là thuốc thì đã có quy định "5 tra, 3 đối", nhưng nếu là vật tư, ngoài kiểm tra hạn sử dụng và độ kín, màu sắc..., bác sĩ có trách nhiệm kiểm tra vật tư đó có chứa những gì trong bao đang phong kín ấy không?

Với bác sĩ Lương, máy thận nhân tạo vẫn là máy dùng hàng ngày. Trang thiết bị vật tư vẫn là những loại dùng hàng ngày. Mọi quy trình chuyên môn kỹ thuật vẫn tuân thủ như bất cứ lần nào. Làm sao bác sĩ Lương hay bất cứ bác sĩ nào biết được chuyện ai bảo trì, ai là Thiên Sơn, ai là Trâm Anh, ai không có đủ năng lực bảo trì hay có năng lực nhưng không tuân thủ quy trình kỹ thuật? Và nếu có biết thì bác sĩ Lương phải kiểm tra gì? Bằng phương tiện kỹ thuật nào? Theo văn bản nào?

Qua những phân tích trên PGS. Bàng nhấn mạnh câu hỏi "Bác sĩ Lương phạm tội gì trong chuỗi sai sót chết người do công ty Thiên Sơn kí kết với ban lãnh đạo bệnh viện nhưng lại thuê lại công ty Trâm Anh nào đó với tư cách pháp nhân nào? Và được ai chấp nhận?".

"Về nguyên tắc, thầy thuốc chúng tôi không có trách nhiệm kiểm tra chất lượng bảo trì vật tư. Chúng tôi trao hết niềm tin vào Ban lãnh đạo và không thể chịu trách nhiệm pháp lý cho những sự "loanh quanh, vòng vèo...", mà chính các nhà quản lý mới là những người phải chịu trách nhiệm đó. Ai là người trong Bệnh viện để Trâm Anh chứ không phải Thiên Sơn bảo hành lô máy thận nhân tạo "định mệnh" kia mới phải ra trước vành móng ngựa. Bác sĩ Lương hay đồng nghiệp đơn vi thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình không chịu trách nhiệm về tai nạn do sự thuê mướn lòng vòng kia.

Nhiều ý kiến cho rằng, bác sĩ Lương bị bắt vì ký văn bản đề xuất sửa máy, PGS Bàng cho rằng đây là điều phi lý, và bác sĩ đã làm đúng chức trách, đáng ghi nhận. Chúng ta ai cũng biết là người sử dụng máy móc vật tư thì việc họ làm đề xuất, báo sửa khi hỏng, khi hết hạn bảo trì là bình thường và là một công việc bắt buộc vì máy nào cũng có thời gian sử dụng (hay cơ số bệnh nhân được phép chạy thận nhân tạo sau khi sử dụng đến hạn bảo trì, mỗi lần thay cột lọc trong trường hợp này), đến hạn cần phải thay thế, sửa chữa. Vậy sao có thể qui tội cho việc làm đúng và rất hợp lý này?

Đây không đơn thuần là việc bảo vệ danh dự và lẽ phải cho bác sĩ Lương, đây còn là cuộc chiến bảo vệ nhân viên của toàn ngành y tế, những kẻ yếu thế, trước nguy cơ bị đưa ra để chịu tội thay cho những sai lầm của người khác.


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh