CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:11

“Xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri”

TS. Đàm Hữu Đắc.

Đầu năm 1978, tôi xung phong đi làm nhiệm vụ tăng cường biên giới Cao Bằng và tham gia trong suốt thời gian chiến tranh biên giới. Kết thúc chiến tranh, đầu năm 1980, tôi chuyển về công tác tại Bộ Vật tư và tiếp tục đi học tại trường Đại học Kinh tế quốc dân. Tháng 10/1984, tôi chuyển về công tác tại Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Lao động. Từ cán bộ đã phấn đấu được Bộ bổ nhiệm Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo (Bộ LĐ-TB&XH). Như vậy, từ tốt nghiệp  trung cấp loại giỏi tôi được Bộ giữ lại làm giáo viên, tiếp tục thi vào học Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Từ năm 1990 đến năm 1993 tôi học lớp chính trị cao cấp Nguyễn Ái Quốc; cuối năm 1993 tham gia nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đến ngày 22/5/1996 tôi đã bảo vệ thành công Luận án Phó tiến sĩ khoa học kinh tế (Tiến sĩ) tại Hội đồng chấm luận án Quốc gia, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Từ tháng 12/1997 đến tháng 11/2007 tôi được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Từ  tháng 12/2007 đến tháng 11/2010, tôi được Bộ trưởng phân công làm Thứ trưởng Thường trực Bộ LĐ-TB&XH.

TS Đàm Hữu Đắc thăm Trung tâm Dạy nghề cho LĐNT tỉnh Yên Bái.

Trong 13 năm làm Thứ trưởng, Thứ trưởng Thường trực, tôi được phân công phụ trách các lĩnh vực công tác xã hội, được cử làm thành viên của 35 Ban chỉ đạo Trung ương. Tôi đã cùng cán bộ chủ chốt của Bộ nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ, Quốc hội nhiều chính sách về lĩnh vực xã hội, người cao tuổi (NCT) như: Trình Quốc hội phê chuẩn Chương trình mục tiêu Quốc gia về xóa đói giảm nghèo đầu tiên ở nước ta năm 1998; Pháp lệnh về NCT Việt Nam; Pháp lệnh về Người khuyết tật Việt Nam, Pháp lệnh Phòng chống TNXH; Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010; và một số Nghị định, Quyết định về: Chính sách Bảo trợ xã hội, chính sách đối với gia đình có nhiều người bị nhiễm chất độc da cam, về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, về NCT, về trợ cấp cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề do bão lụt, hạn hán, thiên tai; nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ: Đề án 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; Đề án 32/2010/QĐ-TTg, ngày 25/3/2010 về phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020.

TS Đàm Hữu Đắc chúc Tết NCT tại Trung tâm Chăm sóc NCT Bách Niên Thiên Đức.

Sau khi về công tác tại Trung ương Hội NCT Việt Nam, tôi đã cùng các đồng chí trong Thường trực Trung ương Hội chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ chức năng nghiên cứu, xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật NCT; Trình Chính phủ Chương trình hành động quốc gia về NCT VN giai đoạn 2012 - 2020, Quyết định số 544/QĐ-TTg ngày 25/4/2015 về Tháng hành động vì NCT Việt Nam. Đặc biệt có sự chỉ đạo sát sao trong toàn Hội tham gia bổ sung sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Lần đầu tiên trong 5 lần bổ sung, sửa đổi, Hiến pháp 2013 đã đề cập đậm nét đến NCT tại khoản 3, Điều 37 và khoản 2 Điều 59. Thực hiện  tốt 3 mặt công tác của Hội: Về chăm sóc NCT; phát huy vai trò NCT; từng bước kiện toàn tổ chức, cán bộ Hội, phát triển hội viên; 2 chương trình trọng điểm của Hội: “Chương trình Mắt sáng cho NCT” và “Chương trình NCT tham gia bảo vệ Môi trường, xây dựng nông thôn mới”...

Được Trung ương Hội giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, được Hội đồng Bầu cử quốc gia giới thiệu về ứng cử tại Thủ đô Hà Nội. Nếu trúng cử Quốc hội khóa XIV là niềm vinh dự cho bản thân, gia đình và cho Hội, nhưng cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề, làm sao đại diện cho tiếng nói của hơn 10 triệu NCT trên Diễn đàn Quốc hội.

TS Đàm Hữu Đắc tặng quà cho Ủy ban Dân tộc thị xã Sơn La.

Nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, tôi sẽ phấn đấu hoàn thành tốt trọng trách, nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội, tham gia đầy đủ các hoạt động của đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của tổ chức, công dân, trong đó có lớp NCT.

 Cho đến nay vẫn còn một số đối tượng chính sách xã hội, trong đó có NCT chưa được hưởng đầy đủ chính sách, chế độ mà Nhà nước qui định tại Luật NCT, Chương trình hành động quốc gia vì NCT Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020. Nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, tôi sẽ làm việc với các bộ, ngành chức năng để từng bước đưa các chính sách, chế độ của Nhà nước đã ban hành vào cuộc sống, như: Chính sách bảo trợ xã hội theo Luật Người cao tuổi, Nghị định số 136/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ; khi điều kiện kinh tế Nhà nước cho phép kịp thời kiến nghị với các cơ quan chức năng trình Chính phủ nâng mức trợ cấp, hạ độ tuổi cho NCT xuống từ 75 đến dưới 80 tuổi, ưu tiên trước cho NCT chưa được hưởng chính sách nào của Nhà nước, nhất là NCT ở khu vực miền núi, biên giới, nông thôn.

Các bộ, ngành sớm ban hành cơ chế, chính sách cụ thể để thực hiện chính sách xã hội hóa của Đảng, Nhà nước để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở, trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc NCT, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh dạy nghề cho lao động nông thôn để nâng cao kiến thức, hiểu biết kỹ năng nghề góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu qủa sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống của người dân nông thôn; Đối với khu vực đô thị phát triển ngành nghề truyền thống, hoạt động dịch vụ kinh doanh, chế biến tăng thu nhập cải thiện đời sống...

Cùng với Thường trực Trung ương Hội chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình phối hợp công tác đã ký kết với 7 Bộ, Ngành: Với Bộ Y tế về chăm sóc sức khỏe cho người dân, NCT; Với Bộ VH-TT&DL để đẩy mạnh các hoạt động VH-TT&DL; Với Bộ TN&MT; Bộ NN&PTNT về NCT tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị; Với Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng về bảo vệ an ninh, biên giới biển đảo; Với Bộ Công an tham gia phòng chống tội phạm; với Bộ LĐ-TB&XH về thực hiện chính sách bảo trợ xã hội, an sinh xã hội đối với đối tượng xã hội, NCT…

Có trách nhiệm thực hiện mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân, với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan chức năng; phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp, pháp luật.

Tham gia chất vấn Chính phủ, người đứng đầu các cơ quan chức năng về những vấn đề kinh tế, xã hội liên quan đến đối tượng chính sách xã hội, NCT, người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những vấn đề bức xúc của công dân, NCT trong cuộc sống. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân liên quan đến chính sách người có công, người nghèo, người bị nhiễm chất độc da cam, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi cha mẹ cần sự giúp đỡ đưa vào Làng trẻ em SOS Việt Nam… có trách nhiệm phản ánh kịp thời, trung thực đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, kiến nghị biết đồng thời đôn đốc, theo dõi, giám sát việc giải quyết của các cơ quan chức năng.

Thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân và xử lý theo qui định của pháp luật. Bản thân và gia đình gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ dân phố nơi cư trú. Rất mong nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cử tri nói chung, cử tri ở khu vực bầu cử: Quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, Gia Lâm do Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội phân công về ứng cử.

VÂN KHÁNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh