THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:13

Xúc động hình ảnh Putin trong “Trung đoàn bất tử”

 

Hình ảnh cuộc diễu hành của Trung đoàn Bất tử

Những người tham gia cuộc diễu hành mang theo chân dung người thân của mình đã từng tham gia Cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Đây là một trong những phong trào xã hội khơi dậy lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc trong nhiều thế hệ người Nga.   
Cuộc diễu hành của Trung đoàn Bất tử lần đầu tiên được tổ chức ở thành phố Tomsk của Siberia năm 2012. Năm 2013, hoạt động này đã được tổ chức ở 120 thành phố của Nga. Kazakhstan và Ukraine cũng tham gia sự kiện diễu hành của Trung đoàn bất tử. 

Năm ngoái, Trung đoàn Bất tử chào đón sự tham gia của Israel, Kyrgyzstan và Belarus. Năm nay, cuộc diễu hành của Trung đoàn Bất tử diễn ra ở Mỹ và nhiều thành phố khác của Na-uy, thủ đô Berlin của Đức, Dublin, Beirut, Vienna và các thành phố khác.   
Cùng với cuộc duyệt binh hoành tráng nhất trong lịch sử hiện đại Nga để kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng, năm nay lần đầu tiên trên Quảng trường Đỏ ở Moscow đã diễn ra cuộc diễu hành của Trung đoàn bất tử. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho phép thực hiện cuộc diễu hành dọc từ con đường trung tâm Tverskaya đến Quảng trường Đỏ. 

 

Tổng thống Putin mang theo bức ảnh của cha mình đến cuộc diễu hành của Trung đoàn Bất tử


Tổng thống Putin đã gia nhập vào dòng người mang theo chân dung của những người thân đã từng chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại 1941-45 đến cuộc diễu hành. Ông Putin mang theo bức chân dung người cha của mình khi còn trẻ.   
"Theo ước tính của chúng tôi, có khoảng 12 triệu người tham gia vào cuộc diễu hành diễn ra trên khắp nước Nga”, một quan chức Nga cho biết. Riêng ở thủ đô Moscow, có khoảng 500.000 người tham gia.   
Phát biểu về cuộc diễu hành của Trung đoàn Bất tử, Tổng thống Putin cho rằng, "sự kiện đó khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc tiếp tục bảo vệ Tổ quốc mà cha ông ta đã bảo vệ. Nó cũng thể hiện sự tự tin của chính chúng ta, tin vào sức mạnh của chúng ta và tương lai tươi sáng của con em chúng ta”. 

Tổng thống Putin mang theo bức ảnh của cha mình đến cuộc diễu hành của Trung đoàn Bất tử

 

Trước đó cùng ngày, Moscow đã tổ chức một lễ diễu binh hoành tráng nhất trong lịch sử hiện đại của Nga để kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Sự kiện này có sự tham gia của 16.500 binh lính và gần 200 vũ khí có cả hiện đại và truyền thống.   
27 nguyên thủ quốc gia tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở Nga.   

Putin: “Tham dự Ngày Chiến thắng hay không, chân thành mới là điều quan trọng nhất”   
Tổng thống Putin đã nói rằng, ông không tức giận trước thực tế một số lãnh đạo phương Tây không đến tham dự lễ kỷ niêm Ngày Chiến thắng ở Nga.   
Phương Tây được cho là đã tẩy chay lễ diễu binh hoành tráng kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức của Nga. Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron đã từ chối lời mời đến Moscow tham dự lễ diễu binh mừng Ngày Chiến thắng.   
"Bạn biết không, tôi rất vui mừng khi thế giới chào mừng Ngày Chiến thắng phát xít Đức và dường như đối với tôi, dù mọi người kỷ niệm ở đâu, nếu họ thực sự chân thành – điều đó mới là quan trọng”, Nhà lãnh đạo Nga đã phát biểu như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Russia-1 TV khi ông nhận được câu hỏi về việc liệu quyết định của giới lãnh đạo phương Tây về việc không đến tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở Moscow có làm ông buồn và tức giận hay không.

Tổng thống Putin nhấn mạnh, các cựu chiến binh Mỹ, trong đó có các thành viên của đội quân Bắc Cực trong Chiến tranh Thế giới Thứ II và trong cuộc đổ bộ Normandy đã có mặt tại buổi lễ ở điện Kremlin.   

Việc một loạt lãnh đạo phương Tây từ chối tham dự buổi lễ mừng Ngày Chiến thắng của Nga xuất phát từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Cuộc xung đột nghiêm trọng ở Ukraine chứng kiến một cuộc đối đầu Đông -Tây căng thẳng và quyết liệt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.   
Mỹ cùng với Liên minh Châu Âu (EU) liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, các cường quốc Châu Âu dưới sự dẫn dắt của Mỹ vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga. Ngoài “cuộc chiến” trên mặt trận kinh tế, Mỹ và phương Tây còn tìm cách bao vây, dồn ép và cô lập Nga trên mặt trận chính trị, ngoại giao và quân sự. Việc tẩy chay lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng được cho là một bước đi của phương Tây nhằm cô lập Nga trên mặt trận ngoại giao.

Bất chấp việc bị cô lập, dồn ép tứ phía từ các nước phương Tây và một số nước láng giềng xung quanh, Nga vẫn thể hiện sự kiêu hãnh vốn có của nước này bằng việc tổ chức một buổi lễ hoành tráng nhất trong lịch sử hiện đại.

PV-Tổng hợp

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh