Xuất khẩu dệt may 4 tháng giảm gần 7% so với cùng kỳ
- Tây Y
- 14:22 - 06/05/2020
Trong thời gian vừa qua, với tác động của dịch Covid-19, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn, trong đó có các doanh nghiệp dệt may. Chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến về xuất khẩu dệt may trong bối cảnh dịch Covid-19, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may.
Kết quả, kim ngạch xuất khẩu dệt may 4 tháng đầu năm 2020 giảm 6,6% về mức 10,64 tỷ USD. Thậm chí, mức giảm này chưa phản ánh hết thực tế thiếu đơn hàng xuất khẩu của ngành, ông Cẩm nhấn mạnh. Con số cụ thể phải chờ đến tháng 5 và tháng 6, khi lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều nằm trong khoảng thời gian này.
Nhưng, trong nguy có cơ, doanh nghiệp cũng đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, chuyển sang sản xuất khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn để đáp ứng nhu cầu trong nước và chuyển sang xuất khẩu, qua đó góp phần đem lại thu nhập, giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Từ đầu năm đến ngày 19/4, tổng lượng khẩu trang đã xuất khẩu là 415,7 triệu chiếc, trị giá 63,19 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu chính là Nhật, Hàn Quốc, Đức, Mỹ, Hong Kong, Singapore...
Với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP ngày 29/4/2020, khẩu trang các loại, bao gồm cả khẩu trang vải và khẩu trang y tế, đã được tự do xuất khẩu. Trong đó, khẩu trang cũng như các thiết bị phòng hộ cá nhân (PPE) khác đều là những mặt hàng liên quan đến sức khỏe, an toàn của người sử dụng. Do vậy, các nước nhập khẩu thường có những tiêu chuẩn về chất lượng đối với các mặt hàng này. Đặc biệt, đối với các thị trường như EU và Hoa Kỳ, các tiêu chuẩn này là bắt buộc. Nếu không có các chứng chỉ phù hợp, hàng hóa có thể bị khó khăn khi nhập khẩu, thậm chí bị trả lại.
Mặc dù vậy, thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã lúng túng khi muốn xin cấp chứng nhận CE và FDA là những tiêu chuẩn phổ biến ở EU và Hoa Kỳ, thắc mắc về tổ chức có thẩm quyền cấp chứng nhận, băn khoăn về việc giấy chứng nhận được cấp liệu có được nước nhập khẩu chấp nhận hay không... Nhiều trường hợp xuất đi rồi khi khách hàng yêu cầu chứng nhận CE hay FDA thì mới bắt đầu tìm hiểu và xin cấp.
Tại Hội thảo, để làm rõ về 2 tiêu chuẩn trên, các chuyên gia trong ngành cho biết tiêu chuẩn FDA chính là những quy định nghiêm ngặt, khắt khe của Cục quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA). Đây là kết luận đưa ra, giám sát mức độ an toàn cho những sản phẩm nằm trong danh mục quản lý của mình và lưu hành trên thị trường Hoa Kỳ. Nếu không có giấy chứng nhận FDA và tuân thủ quy định của FDA thì sản phẩm đó sẽ không được lưu hành tại thị trường Hoa Kỳ.
Hình cắt từ slide trình bày của chuyên gia.
Còn với tiêu chuẩn CE, là viết tắt của Conformité Européenne, có nghĩa là tiêu chuẩn châu Âu. CE Marking là tên chính thức của CE. Một sản phẩm nếu gắn nhãn CE đồng nghĩa với việc nó có thể lưu thông tự do trong thị trường châu Âu, được pháp luật của Liên minh châu Âu công nhận.
Khi xuất khẩu khẩu trang sang EU, một sản phẩm có dấu CE có nghĩa là sản phẩm đó đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khỏe và bảo vệ môi trường của EU. Thông qua việc gắn dấu CE lên sản phẩm, nhà sản xuất tuyên bố dựa trên trách nhiệm của họ về sản phẩm đó đáp ứng mọi yêu cầu về mặt pháp lý để có được tiêu chuẩn CE Marking.
Cần nhấn mạnh, không phải tất cả các sản phẩm phải có dấu CE mà tùy vào sản phẩm được xuất khẩu. Trong đó, nếu doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang thường thì không cần nhãn CE, nếu xuất khẩu khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang y tế thì cần nhãn CE.
Nói thêm tại Hội thảo, người trong cuộc cho hay hiện tại Anh do nhu cầu khẩu trang quá cấp thiết do đó những quy định đang được nới lỏng hơn. Song, muốn xuất khẩu một cách bài bản cũng như làm tiền đề cho thời gian tới, chuyên gia khuyên doanh nghiệp cần phải kỹ lưỡng rà sát, có sự chuẩn bị về kiến thức và hành động để xuất khẩu khẩu trang không chỉ là động thái nhất thời mùa dịch.