THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:46

Xử trí đúng cách khi bị chó cắn

 

Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) mới đây đã tiếp nhận bé trai 4 tuổi bị chó becgie nhà cắn, phải khâu hàng chục mũi trên mặt. Bệnh nhi nhập viện với nhiều vết rách chằng chéo ở vùng mặt, đầu và sau gáy.Trường hợp này dù không đe dọa tính mạng nhưng sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ về sau. Còn trước đó không lâu, một bé trai 4 tuổi tại Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, đã tử vong do bị chó dữ tấn công với nhiều vết thương nặng ở mặt, ngực, mông, đầu. 

Trong năm 2013, cả nước có 300.000 người bị chó dại tấn công, 99 người tử vong. Thống kê những năm gần đây của Viện Pasteur  cho thấy, có hơn 40% trường hợp bị chó cắn là trẻ em.

Khi bị chó cắn, ngoài nguyên nhân thẩm mỹ và sức khỏe, nó còn có thể gây ra bệnh dại (bệnh viêm não tủy cấp tính) do virus dại. Virus dại thường lây sang người qua vết cắn, nhiều nhất là do chó và mèo cắn. Ngoài ra, nó còn lây qua người qua vết cắn của chồn, dơi, gấu, chuột, sóc, chó rừng... Người bị nhiễm virus này sẽ lên cơn dại và tử vong nếu không được xử trí đúng cách và kịp thời.

Triệu chứng dại ở động vật

- Hung dữ khác thường.

- Nước dãi nhiều.

- Giọng sủa khàn.

- Liệt hàm dưới, liệt chi, toàn thân và chết.

- Triệu chứng dại của mèo giống của chó, nhưng mèo thích lánh vào chỗ tối, rất nguy hiểm.

Ảnh minh họa.                                                     Nguồn: Internet.

Biện pháp phòng chống bệnh dại

- Hạn chế nuôi chó mèo.

- Tiêm phòng dại cho chó mèo.

- Chó nuôi phải xích, nhốt.

- Chó ra đường phải có rọ mõm.

- Người bị chó, mèo nghi dại cắn phải đi tiêm phòng dại sớm, đầy đủ.

- Không nên điều trị thuốc Nam khi bị chó, mèo dại cắn.

Lưu ý các bậc phụ huynh nuôi chó khi trong nhà có trẻ nhỏ

- Phải xích chó hoặc nhốt vào chuồng cẩn thận, tốt nhất nên có rọ mõm.

- Phải luôn để mắt đến các bé ngay cả khi chó đã đươc xích.

- Nếu chẳng may bé bị chó cắn, phải xử lý như các bước phía dưới, tuyệt đối không vì tức giận quá mà đánh chết con chó.

Cách xử trí khi bị động vật cắn

- Rửa thật kỹ vết cắn bằng xà phòng và các chất sát khuẩn để diệt virus dại.

- Băng ép cầm máu nếu có tổn thương chảy máu nhiều, nhưng không nên băng quá kín nếu không chảy máu.

- Đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Nếu trường hợp vết cắn nhẹ, xảy ra ở chân, xa thần kinh trung ương và tại thời điểm bị chó cắn, con vật vẫn bình thường thì không cần tiêm văcxin mà chỉ cần theo dõi chó trong vòng 10-15 ngày. Trong thời gian theo dõi, nếu thấy chó bỏ ăn, chết, mất tích hoặc bị bán mổ thịt thì phải tiêm văcxin dại ngay. Nếu theo dõi sau 15 ngày, chó vẫn sống bình thường thì không cần tiêm văcxin.

Đối với các trường hợp bị cắn nghi ngờ chó dại hoặc chó đang lên cơn dại; bị cắn ở vùng đầu, mặt, cổ, đầu chi nơi có nhiều dây thần kinh, bộ phận sinh dục... dù vết cắn rất nhẹ; hoặc có nhiều vết cắn ở chỗ nguy hiểm, vết cắn sâu thì phải tiêm đồng thời cả văcxin phòng dại và huyết thanh kháng dại.

Tiêm ngừa dại trong những trường hợp bị vết cắn nhẹ, xa thần kinh trung ương nhưng không theo dõi được con chó hoặc con chó đang bị ốm.

Nếu đến cơ sở y tế muộn sau khi chó cắn thì việc tiêm huyết thanh kháng dại sẽ không còn tác dụng, vì thế chỉ tiêm văcxin. Khi tiêm văcxin dại phải tiêm đủ liều theo quy định của loại văcxin, sử dụng đúng liều lượng, kỹ thuật và tiêm đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn.

Có thể đến Viện Pasteur, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng, Trung tâm y tế dự phòng, Đội vệ sinh phòng dịch các quận huyện để chích ngừa dại, riêng huyết thanh kháng dại chỉ đến Viện Pasteur và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới mới có.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh