THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:03

Niềm tin mang tên y tế vùng biên

 

A Lưới là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế. Được thành lập từ năm 1976, dân cư sinh sống trên địa bàn huyện A Lưới chủ yếu là đồng bào dân tộc dân tộc thiểu số như: Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều,...Bên cạnh đó, A Lưới còn có hơn 80 km chiều dài sát với nước bạn Lào nên huyện được coi là địa bàn xung yếu về công tác an ninh biên giới của tỉnh.

Tính đến nay, do đặc thù địa hình, điều kiện chủ quan, khách quan lẫn trình độ dân trí chưa cao, vì vậy, A Lưới vẫn là huyện nghèo nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế. Chính điều này đã dẫn đến chất lượng các dịch vụ an sinh xã hội của địa phương thua kém so với các địa phương khác nằm trong tỉnh cũng như trên địa bàn cả nước.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây với các chính sách ưu tiên đầu tư cho những địa bàn miền núi, địa bàn biên giới, địa bàn đặc biệt khó khăn của Đảng, Nhà nước và sự phát triển đi lên của nền kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, huyện A Lưới nói riêng, chất lượng các dịch vụ phục vụ cộng đồng, đời sống an sinh xã hội của bà con vùng biên A Lưới đã có sự chuyển biến tích cực. Trong đó, dịch vụ y tế cộng đồng đã và đang chiếm được niềm tin của người dân.

 Niềm tin của người dân ngày càng tăng cao khi mà chất lượng của hệ thống các Trạm y tế cấp xã không ngừng được cải thiện; các Trạm xá Quân dân y, bác sỹ quân y bám địa bàn có mặt ở hầu hết các bản làng, sẵn sàng phục vụ người dân mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Đảng bộ, chính quyền địa phương, mức độ phủ sóng của thẻ Bảo hiểm y tế ở A Lưới đạt trên 95%.

Quên thầy mo, nhờ thầy thuốc 

Thiếu tá, bác sĩ Đặng Hồng Minh đang đo huyết áp cho cụ Hồ Văn Canh


Sáng 14/2, các y bác sỹ của Trạm xá Quân dân y xã Nhâm thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế và Trạm y tế xã kết hợp để khám chữa bệnh cho người dân. Đây là hoạt động kết hợp nhằm nâng cao hơn chất lượng khám chữa bệnh và nó được tổ chức 3 lần/ tuần. Có mặt tại Trạm y tế xã Nhâm, chúng tôi khấp khởi vui cùng những thầy thuốc thường lẫn thầy thuốc “Quâm hàm xanh” khi được chứng kiển cảnh người đến khám rất trật tự và nghiêm túc. Sau khi đưa thẻ Bảo hiểm y tế, người dân ra ngồi ở ghế chờ đến lượt, ai được gọi tên thì đi vào.

Cụ Hồ Văn Canh (78 tuổi, trú tại xã Nhâm) đến Trạm y tế xã khám với những triệu chứng nhức mỏi trong cơ thể. Dù đã gần 80 tuổi, song nhìn bên ngoài nếu không hỏi thì chúng tôi cứ nghĩ cứ nghĩ cụ mới khoảng 65 – 70 tuổi. Cụ Canh cho biết, hiện nay đã có nhiều y bác sỹ có chuyên môn tốt về cắm bản nên người dân rất tin tưởng và mỗi khi bị đau ốm là đến các cơ sở y tế địa phương khám, chứ không còn tự vào rừng lấy thuốc về chữa trị nữa. Đặc biệt, cụ còn cho biết, đồng bào dân tộc ở A Lưới giờ không nhờ thầy mo cúng bái khi bị đau ốm nữa.

Sau khi đo và phát hiện bệnh nhân bị cao huyết áp, Thiếu tá, Bác sỹ chuyên khoa 1 – Nội khoa Đặng Hồng Minh, Trạm trưởng Trạm xá Quân dân y kết hợp xã Nhâm dặn dò người bệnh rất kỹ càng rằng khi về nhà phải làm thế nào, rồi khuyên nên thường xuyên đến trạm y tế để khám. Thấy người bệnh than ho nhiều, với kinh nghiệm của mình, bác sỹ Minh chuẩn đoán có thể do thay đổi thời tiết nên người bệnh bị viêm phế quản. Bác sỹ cẩn thận kê đơn thuốc đưa cho ngườu bệnh rồi bảo họ sang phòng kế bên nhận thuốc miễn phí về uống. Chỉ trong một buổi sáng, hàng chục người dân đã được các bác sỹ khám và kê đơn, phát thuốc miễn phí.

Nói về những hoạt động của các bác sỹ “Quân hàm xanh”, bác sỹ Đặng Hồng Minh cho biết: “Theo chương trình phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng tỉnh với y tế địa phương, các bác sỹ của Trạm xá Quân dân y xã Nhâm phối hợp với các bác sỹ ở Trạm y tế xã phục vụ khám chữa bệnh cho các đối tượng có thẻ Bảo hiểm y tế lẫn đối tương không có thẻ với tần suất vời 3 ngày trên 1 tuần vào các ngày thứ 3, 4, 5. Những ngày còn lại, chúng tôi trực tại Trạm Quân dân y để phục vụ người dân khi họ bị đau ốm, hay gặp phải các tai nạn ngoài ý muốn và tìm đến chúng tôi. Ngoài các hoạt động nói trên, chúng tôi còn tham gia vào các hoạt động chung của Đồn Biên phòng, tham gia các hoạt động y tế cộng đồng được tổ chức tại địa bàn phụ trách. Với tinh thần của những thầy thuốc “Quân hàm xanh”, chúng tôi sẽ đem hết khả năng của mình để chăm sóc sức khỏe cho người dân nơi vùng biên giới”.

Với khả năng đã được khẳng định khi từng giữ chức Trạm trưởng Trạm xá Quân y – Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng với kinh nghiệm địa bàn sau 4 năm gắn bó với mảnh đất A Lưới, Thiếu tá, bác sỹ Đặng Hồng Minh dường như hiểu rất rõ những khó khăn và những căn bệnh mà người dân nơi đây gặp phải. Anh chia sẻ: “Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nên hiện này việc chăm sóc sức khỏe của người dân A Lưới còn nhiều mặt hạn chế. Khí hậu ở đây thường rất ẩm nên những căn bệnh chúng tôi thường gặp nhiều nhất là bệnh về đường hô hấp, như: viêm phế quản, viêm phổi, sốt siêu vi,…Những người lớn tuổi thì hay gặp phải những căn bện xương khớp mãn tính,…”

Y tế cộng đồng ngày càng được cải thiện

Thiếu tá, bác sỹ Đặng Hồng Minh không phải là một cánh én đơn lẻ, mà là một trường hợp tiêu biểu đại diện cho hàng chục y, bác sỹ có chuyên môn cao, mang trên mình trách nhiệm của đội ngũ bác sỹ “Quân hàm xanh” đang ngày đêm tận tình phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng biên giới A Lưới. Hiện nay, trên địa bàn huyện A Lưới bên cạnh Trạm xá Quân dân y kết hợp xã Nhâm, thì tại xã A Đớt cũng có 1 trạm xá tương tự, thậm chí còn được xây dựng, thành lập trước trạm tại xã Nhâm từ rất lâu và hoạt động rất có hiệu quả. Ngoài ra, toàn bộ 21 xã, thị trấn thuộc huyện đều có Trạm y tế. Tại các Trạm y tế này, mỗi trạm đều có 1 bác sỹ “Quân hàm xanh” được cử về để giúp đỡ, phối hợp với đội ngũ y bác sỹ của trạm để phục vụ người dân.

Bác sỹ "Quân hàm xanh" Hồ Xuân Phước hiện đang được cử về công tác tại Trạm y tế xã Hồng Thái


Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Xuân Trăng, Bí thư Huyện ủy A Lưới cho biết: “Hiện nay, vấn đề quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho người dân tại huyện nhà đang rất được chú trọng, quan tâm. Việc nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ, chất lượng cơ sở hạ tầng, phương tiện khám chữa bệnh là nhiệm vụ trọng yếu. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ các ban ngành, đoàn thể, các đơn vị đóng chân trên địa bàn, nhất là sự giúp đỡ của lực lượng quân y, đang góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân A Lưới.”

Để mọi người dân A Lưới được hưởng lợi từ chính sách Bảo hiểm y tế, ông Trăng khẳng định: “Ngay từ khi còn làm Chủ tịch huyện, tôi đã chỉ đạo rất sao vấn đề này. Nay lên làm Bí thư, tôi vẫn chỉ đạo đồng chí Chủ tịch tiếp tục thực hiện như trước. Đối với đơn vị nào không thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước, với người lao động như: nợ thuế, nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế thì nhất quyết loại ngay, không cho tham gia đấu thầu các dự án tại huyện A Lưới”. Nhờ sự kiên quyết này, mà công tác cấp, khám chữa bệnh theo Bảo hiểm y tế ở huyện vùng biên này đạt được những kết quả hết sức khả quan. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội huyện A Lưới, tính đến hết năm 2016 mức đô phủ sóng thẻ Bảo hiểm y tế toàn dân của huyện này là 95,79%.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hỏi thăm 1 phụ nữ ở xã Hồng Thái, khi chị mới đi nhận thuốc theo diện Bảo hiểm y tế hộ nghèo về


Với việc có nhiều cơ sơ y tế gần nơi ở hơn, có đội ngũ y bác sỹ chuyên môn tốt và được cầm trên tay tấm thẻ Bảo hiểm y tế, những người dân ở huyện miền núi biên giới A Lưới như: cụ Hồ Văn Canh, anh Hồ Văn Uốn, chị Lê Thị Lê, Hồ Thị Chạy,...dù có ở những bản xa xôi nhất cũng đã có thể an tâm, tự tin khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại huyện nhà.

Thảo Vi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh