CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:01

Xử lý tình huống mất phanh và cách nhận biết phanh ô tô hỏng

 

Xử lý tình huống khi mất phanh

Thực tế, nhiều lái xe sau một thời gian làm việc có thể chủ quan, thậm chí liều lĩnh khi tắt máy, thả dốc với số 0 (số mo) để tiết kiệm nhiên liệu. Cũng có người do lạ đường, thiếu kinh nghiệm đi đường đồi núi nên để xe xuống dốc với số cao (số 4, 5) và liên tục rà phanh khiến má phanh nóng lên và dễ bị trơ hoặc nhiệt độ cao của má phanh làm lộn cupen ở xi-lanh phanh làm dầu thất thoát nhanh ra ngoài và phanh mất hiệu lực.

Không biết cách xử lý khi ô tô mất phanh dễ gây tai nạn đáng tiếc khi lưu thông trên đường. (Ảnh Giao thông)

 

Không may xe bị mất phanh, người lái xe cần cố gắng giữ bình tĩnh, nhả hoàn toàn chân ga và tiếp tục đạp phanh để tìm hiểu nguyên nhân. Nếu phanh mềm và đạp sát tận sàn, rất có thể nguyên nhân là do hỏng đường ống làm mất áp suất dầu phanh.

Trong trường hợp này, người lái thử đạp lại nhiều lần thì sẽ có cơ may hồi phục áp suất phanh. Tuy nhiên, nếu chân phanh cứng đanh, điều này chứng tỏ hệ thống phanh đang bị tắc đường dẫn thủy lực, hoặc phanh bị bó cứng thì người lái vẫn nên tiếp tục đạp phanh thật nhiều để có thể kích hoạt hệ thống chống bó cứng phanh ABS (nếu xe có trang bị) đồng thời về số thấp. Tuy vậy, cũng nên chú ý trả số một cách cẩn trọng từ 1 đến 2 cấp mỗi lần và nên theo tuần tự.

Lưu ý, việc tắt động cơ là điều tuyệt đối không nên làm, bởi khi đó hệ thống lái mất dần trợ lực nên rất nặng và khó điều khiển. Bên cạnh đó, việc động cơ ngừng đột ngột khi xe đang đi ở tốc độ cao sẽ dẫn tới hiện tượng mất lái.

Ngoài việc cố gắng đạp phanh chân, người lái nên tìm cách giật phanh tay nhưng lưu ý kéo nhẹ nhàng, từ từ và đủ lực bởi nếu kéo quá mạnh, quá nhanh có thể làm khóa bánh, gây hiện tượng trượt, mất lái. Mỗi khi thấy xe có hiện tượng mất lái, cần nhả phanh tay ngay để tránh nguy cơ mất lái hoặc lật xe.

Tài xế cũng có thể đánh võng từ trái sang phải và ngược lại để tăng lực cản, giảm tốc độ nhưng không nên làm điều này ở tốc độ cao bởi có thể lật xe. Trong trường hợp bất đắc dĩ, tài xế sẽ phải tìm chướng ngại vật mềm như bụi cây, vũng lầy để có thể dừng xe.

Cách nhận biết phanh chân bị hỏng

Phanh là bộ phận an toàn quan trọng trên xe hơi và xe tải. Nếu hệ thống này gặp sự cố, những người ngồi trên xe sẽ gặp phải những nguy hiểm không lường trước được. Vì vậy, nhận biết sớm các hỏng hóc của phanh (qua việc đạp phanh) sẽ cứu sống tính mạng của chính bạn.

Đạp phanh bị hẫng

Trong trường hợp đạp chân phanh nếu có cảm giác hẫng chân thì đó chính là hiện tượng bị mất áp suất phanh. Nguyên nhân là do xi lanh phanh bị trầy xước, rỗ khiến dầu bị hồi lại mỗi khi đạp phanh, dẫn đến phanh không ăn, hoặc do tuy ô dẫn dầu bị rạn nứt, khiến dầu bị rò rỉ. Lúc này, nếu đạp phanh đột ngột, tuy ô có thể bị vỡ, dẫn tới hiện tượng mất phanh khiến người lái không thể kiểm soát được xe.

Đạp phanh không nhả (Bó phanh)

Bó phanh là dấu hiệu cho thấy lò xo kéo hoặc lò xo hồi vị các má phanh bị hỏng, hoặc kẹt xi lanh bánh xe, xi lanh tổng phanh bị hỏng, hoặc ắc phanh bị bó do khô dầu, hoặc do các lỗi thao tác sai của người lái như: hành trình của chân phanh không đúng hoặc phanh tay điều chỉnh sai…

Đạp phanh thấy nặng

Các hệ thống phanh ngày nay thường dùng trợ lực chân không để giảm vất vả cho người lái khi phải đạp phanh. Với hiện tượng đạp phanh thấy nặng nguyên nhân thường xảy ra là trợ lực phanh bị hỏng. Rò khí đã không tạo ra chênh lệch áp suất đủ lớn để hỗ trợ lực từ bàn đạp. Người lái vẫn có thể phanh được xe với một lực mạnh hơn.

Một nguyên nhân khác, đường ống dẫn dầu bị tắc, áp lực dầu tăng cao nhưng không thể truyền được tới cơ cấu phanh. Trong trường hợp này, dù cố sức thì phanh cũng không hiệu quả hoặc hiệu quả giảm đi nhiều.

Đạp phanh hết cỡ nhưng xe không dừng

Đây là “bệnh” thường gặp với những xe trang bị phanh tang trống. Các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là: cần đẩy piston xi lanh chính bị cong, thiếu dầu hoặc lọt khí trong hệ thống phanh, má phanh quá mòn… Trong trường hợp này, bạn cần mang xe con hoặc xe tải tới gara để thợ điều chỉnh các piston chính bị cong hoặc thay má phanh mới. Nếu dầu phanh bị thiếu, bạn nên yêu cầu bổ sung thêm dầu phanh theo đúng loại mà nhà sản xuất khuyến cáo cho từng dòng xe (tại Việt Nam, 3 loại dầu phanh cho phanh tang trống phổ biến nhất là: DOT3, DOT4 và DOT5).

Đạp phanh thấy xe bị lệch

Một sự cố thường gặp khác với phanh trang trống là hiện tượng xe bị lệch sang một bên khi phanh, nguyên nhân do lực phanh tác động lên các bánh xe không đồng đều, do một trong số chúng dính dầu, khe hở má phanh tang trống không đều, đường dẫn dầu bị tắc cục bộ… Nếu bạn gặp phải tình huống này thì nên mang xe tới ngay gara để sửa chữa, bởi vận hành kéo dài sẽ khiến xe rất dễ lật trong các tình huống phanh gấp ở tốc độ cao, hoặc vào cua…

Đạp phanh có tiếng kêu ken két

Tiếng kêu ken két phát ra đều đặn chỉ khi bạn đạp phanh, đơn giản đó làm tín hiệu cho biết má phanh đã bị mòn, cần được thay thế. Đây là biện pháp an toàn mà nhà sản xuất đưa ra.

Nếu tiếng kêu không lớn hoặc không xuất hiện liên tục, có thể chất bẩn, rác đã lọt vào cơ cấu phanh. Hiện tượng này sẽ hết sau khi cơ cấu phanh được làm sạch.

Một vài nguyên nhân khác như chất lượng má phanh kém, guốc phanh không đúng, lò-xo gẫy, guốc phanh không đồng tâm… Đôi khi tiếng kêu phát ra không phải từ cơ cấu phanh, mà do bi mai ở bị mòn quá mức.

Kinh nghiệm nhận biết phanh tay ô tô đang gặp vấn đề

Đối với các dòng xe sang, nhiều nhà sản xuất trang bị thêm hệ thống phanh tay điện (EWB - Electronic Wedge Brake) thông minh rất tiện lợi. Khi lái xe nhấn vào nút phanh tay thì tín hiệu sẽ được gửi về hộp điều khiển ngay lập tức để kích hoạt phanh tay hoạt động. Thậm chí hệ thống điện tử sẽ điều tiết lực, tránh rung giật khi sử dụng hệ thống phanh tay. Công nghệ tiên tiến này hiện mới chỉ được áp dụng trên một số dòng xe đắt tiền như Chevrolet Captiva, Audi A3, A5 hay Cadillac SRX...

Bất cứ hệ thống nào trên xe ô tô đều có công năng riêng của nó. Trong trường hợp này phanh tay có tác dụng giữ xe không di chuyển trên đường dốc, không bị trôi xe gây tai nạn và trợ giúp phanh chân trong trường hợp khẩn cấp. Dù xe của bạn có đang sử dụng hệ thống phanh tay gì thì cũng sẽ đủ để giữ an toàn cho xe của bạn (tất nhiên là trong trường hợp tài xế thường xuyên kiểm tra chăm sóc hệ thống phanh tay).

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh