Xử lý tài sản bất minh: Tịch thu hay đóng thuế?
- Tây Y
- 21:53 - 25/10/2018
Trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc (Điều 52), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lựa chọn phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục tố tụng tại tòa án). Đây là phương án có nhiều ưu điểm hơn so với các phương án còn lại.
Tuy nhiên, còn có nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho ý kiến về 2 phương án. Phương án 1 là việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc sẽ do tòa án xem xét, quyết định.Phương án 2 là trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển vụ việc cho cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền, yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.
"Người phải nộp thuế có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật. Việc thu thuế quy định không loại trừ việc xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người có nghĩa vụ kê khai nếu chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có", bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, những người đủ mưu mô tham nhũng, moi được tiền nhà nước vào túi mình thì cũng thừa mưu mô che giấu tài sản bất minh. Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ quan điểm cần phải tịch thu tài sản không kê khai. “Bởi khi không kê khai tức là cố tình che giấu, cần phải xử lý nghiêm khắc cũng không có gì là oan”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, với những tài sản tài sản kê khai nhưng không chứng minh được nguồn gốc thì phải chuyển sang cơ quan thuế.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần tịch thu tài sản không kê khai
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đồng tình xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc. Vì theo đại biểu, đến nay chưa có quy định về xử lý vấn đề này, trong khi đó các trường hợp vi phạm việc kê khai tài sản, thu nhập lại tăng thêm.
“Thời gian qua cho thấy số cán bộ công chức, viên chức có tài sản có giá trị rất lớn và giải trình không hợp lý về nguồn gốc nhưng chưa có cơ chế xử lý tài sản này gây nghi ngờ trong nhân dân”, ông Hòa nói.
Đối với phương án xử lý, ông Hòa chọn phương án 2 thông qua thuế thu nhập cá nhân, đồng thời sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung loại tài sản này là thu nhập chịu thuế.Tuy nhiên, việc thu thuế cũng không loại trừ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản của người có nghĩa vụ kê khai nếu sau đó nhà nước chứng minh được tài sản này là do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có. Người có nghĩa vụ kê khai nếu không đồng tình có thể khiếu kiện ra toà án. Theo đại biểu Hòa, theo hướng này sẽ xử lý nhanh, không tạo ra tâm lý nặng nề đối với người phải kê khai so với việc xử lý thông qua con đường toà án.
Ngược lại, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, không nên áp dụng đánh thuế. Lập luận quan điểm này, bà Mai đưa ra 6 lý do, trong đó có lý do chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính công bằng, cũng không mang ý nghĩa răn đe. “Điều này chưa chạm được đến tính nghiêm minh và tính công bằng, và hệ lụy là có thể để lọt tội phạm và không công bằng”, bà Mai nói.
Phát huy tai mắt của nhân dân trong phòng chống tham nhũng Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm – đoàn TP. HCM đánh giá đây là luật quan trọng mà cán bộ và nhân dân rất kỳ vọng để góp phần vào việc phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn. Cho ý kiến cụ thể vào dự luật, bà Tâm tập trung phân tích trách nhiệm xã hội trong phòng chống tham nhũng, trong đó có trách nhiệm của công dân. Bởi thực thế người dân rất muốn tham gia cùng cơ quan quản lý nhà nước vào công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, theo đại biểu Tâm, phải có cơ chế để người dân tham gia phòng chống tham nhũng hợp pháp. “Người dân có trách nhiệm tham gia phòng chống tham nhũng, nhưng nếu không có tổ chức nào giúp cho người dân làm việc đó thì sẽ khó có thể thực thi”, bà Tâm nói. Theo bà Tâm nếu chúng ta tổ chức tốt, sẽ có lực lượng rất đông đảo tham gia phòng chống tham nhũng. “Chúng ta nói tai mắt của nhân dân, tai mắt của quần chúng cần phải phát huy. Nhưng muốn thực hiện được thì cần phải có cơ chế”, đại biểu TP. HCM nói thêm. |