THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:40

Xót thương cụ bà 86 tuổi ở Thanh Hóa còng lưng nuôi 4 người con tật nguyền

Cuối tháng mười hai, trời trở mặt mưa rét căm căm. Lần theo con đường ngoằn nghèo chúng tôi tìm tới thôn Ngọc Đới, xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương. Ngồi giữa sân gạch, bà Gấm vẫn đều tay tước những sợi cói. Một con mắt đã bị mù, mắt còn lại cũng chỉ nhìn mờ mờ. Tưởng hàng xóm qua chơi, bà Gấm bảo, “lo đan lấy cái chiếu, chết còn có cái mà quấn!”

Theo lời Trưởng thôn Nguyễn Bá Hiền, bà Gẩm gốc người huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, khoảng 60 năm trước bà nên duyên vợ chồng với người thanh niên xã bên. Sau khi hai ông bà cùng tham gia Dân công hỏa tuyến trở về địa phương. Hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, bà theo chồng về quê tại làng Ngọc Đới làm lụng mưu sinh, mong ước về một cuộc sống bình dị như nhiều gia đình thuần nông khác trên mảnh quê nghèo, nép dưới bờ đê sông Yên.

A2baG

Trưởng thôn Hiền và người em đưa anh cả về nhà sau khi đi lạc

Hạnh phúc tới với họ khi những đứa con kháu khỉnh lần lượt ra đời. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, con bà Gẩm lên ba, lên bốn mà không thể đi lại, nói năng như thường lệ. Dù chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình của các con không hề thiên chuyển. Khát vọng có một người con lành lặn để chăm sóc các anh khi bố mẹ trút hơi thở cuối cùng, hai người con một gái, một trai tiếp tục chào đời. Số phận hẩm hiu thay khi họ cũng ngây ngây, ngơ ngơ.

Trưởng thôn Hiền phải nói như hét vào tai để bà Gẩm biết là có khách tới thăm, tặng gạo chứ không phải hàng xóm. Bà tiếp chúng tôi bằng chiếc giường đơn để giữa sân chất đầy chăn, gối cáu bẩn. Dường như bà Gẩm cũng đã ước lượng quỹ thời gian của mình không còn nhiều. Chỉ là những đứa con dại, ai là người lo toan.

“Cuộc đời không ai giống ai cháu ạ. Tôi với ông nhà quen nhau từ khi cùng đi Dân công hỏa tuyến ở Thượng Lào, khi về vợ chồng nên duyên rồi về đây làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Khi thằng út được mấy tháng thì ông ấy lâm trọng bệnh. Ông ấy ra đi, bỏ tôi một mình với đàn con nheo nhóc. Giờ tôi cũng gần chín chục tuổi rồi, cũng chỉ mong còn có sức khỏe để lo cho mấy đứa con thôi. Tôi đã lo xong cho 1 đứa mồ yên, mả đẹp rồi. Còn 3 đứa này không biết mình chết bó chiếu rồi ai lo cho chúng.” Vừa nói, Bà Gấm vừa chỉ vào góc nhà nơi đặt chiếc bàn thờ tềnh toàng. Bài vị ghi Nguyễn Đình Năm.

Chị Nguyễn Thị Hương, cán bộ chính sách xã Quảng Phúc dẫn đường cho chúng tôi cho hay: “Chính quyền địa phương thường xuyên nhận được tin các con bà Gấm đột nhiên đi đâu không rõ tung tích. Thế là mọi người phải chia nhau đi tìm. Có khi vài ngày, vài tháng mới tìm thấy người. Có lần người con út tên Nguyễn Bá Sơn đi lạc lên tận huyện miền núi Bá Thước (cách nhà 150km), khiến bà và hàng xóm tìm kiếm hơn 6 tháng mà không tung tích gì. May mắn, sau đó có một chị bán hàng tạp hóa trên đó thương tình cho ăn và dò hỏi liên hệ bên chính quyền nên tìm lại được.

A1baG

Ngôi nhà nơi bà Gẩm và mấy người con trú ngụ

Người con thứ 2 của bà Gấm tên Nguyễn Đình Năm (gần 50 tuổi) cũng thường xuyên bỏ nhà đi lang thang, không biết đường về. Hơn 1 năm trước, anh Năm đi lạc mãi tít trong thị xã Nghi Sơn. “Tôi và mọi người đi tìm hơn một tuần thì nghe hung tin. Nhờ người chở xe máy vào nhận thì đúng là con mình. Nó đi lạc vào đó, có lẽ đêm tối lại bệnh tật không ai biết nên chịu đói chịu rét mà chết. Nó đi sớm, xuống đó có ông nhà tôi lo cho. Còn 3 đứa này, tôi mà chết thì chẳng biết ai chăm chúng”, giọng bà Gẩm nghẹn lại.

Khi biết hoàn cảnh đáng thương của gia đình bà Gẩm, chính quyền địa phương cũng như một số mạnh thường quân tới thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình. Một căn nhà mái bằng được xây dựng lên để giúp mấy mẹ con bà Gẩm tránh mưa, nắng. 3 người con bà Gẩm đang được hưởng chế độ tàn tật nặng với mức 540.000 đồng/người/tháng. Bà Gẩm thì hưởng chế độ người cao tuổi 180.000 đồng/tháng.

Vừa buộc gọn túm tóc cho cô con gái đã ngoài 40 tuổi mà vẫn ngây ngô như trẻ lên ba, bà Gẩm kể: “Ngoài tiền hỗ trợ của nhà nước, thì tôi tranh thủ ra dòng Yên mò cua bắt, hoặc mót thêm tí khoai, lạc hay bện cói bán lại cho người ta. Hàng xóm cũng hay qua lại cho cái này, thứ nọ. Lọ mọ cháo cơm rồi cũng qua ngày đoạn tháng. Lo nhất là mấy đứa này đi lang thang, không biết đường về nhà thôi. Nhà lại gần sông, nhiều ao sâu, sợ chúng sa chân không ai cứu thì chỉ có chết co.”

A4baG

Bà Gẩm lo mình chết đi các con không ai chăm lo

Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc Bùi Ngọc Tam cho biết: “Rất kỳ lạ, tại thôn Ngọc Đới có tới hơn 60 trường hợp bị tật nguyền. Thôn này chiếm 1 nửa hộ nghèo trong toàn xã. Gia đình bà Gẩm là khó khăn và đáng thương nhất. Ngoài chế độ hỗ trợ theo quy định của nhà nước, mặc dù với điều kiện còn eo hẹp nhưng vào các dịp lễ, tết địa phương đều tới thăm hỏi tặng quà cho các hộ khó khăn. Chúng tôi mong cấp trên sớm có đoàn về kiểm tra, nghiên cứu xem nguyên nhân tại sao thôn Ngọc Đới lại có nhiều người sinh ra không bình thường như vậy. Chính quyền địa phương nhiều lần phải tổ chức đoàn đi tìm con cho các gia đình như bà Gẩm mà cảm thấy xót xa. Tuổi già, bệnh tật và cái chết rồi sẽ đến. Chẳng thể nào mẹ ngồi đỏ mắt trông con về mãi được. Anh em họ hàng bà Gẩm cũng chẳng có ai đủ điều kiện để cậy nhờ nay mai.”

Hoàn cảnh đáng thương của gia đình bà Gẩm rất cần sự chung tay giúp đỡ của các bạn đọc gần xa. Mọi giúp đỡ cho gia đình bà Gẩm vui lòng liên hệ chính quyền xã Quảng Phúc.

HOÀNG MINH - THANH PHƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh