Xóm bánh ú tro nửa thế kỷ lừng danh ở Sài Gòn, đỏ lửa 5 ngày đêm để nấu bánh dịp Tết Đoan Ngọ
- Y học 360
- 03:05 - 07/06/2019
Vào những ngày này tới con hẻm nhỏ trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP.HCM, ta lại nghe tiếng cười nói râm ran, những luồng khói nghi ngút kèm mùi hương đặc trưng của một loại bánh gói bằng lá tre tỏa ra ngào ngạt.
Hàng ngày, xóm nhỏ này ai cũng bận rộn lo công việc, nhưng cứ đến dịp gần Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), mọi người lại quây quần bên nhau, tất bật chuẩn bị củi lửa, đậu xanh, lá tre để làm ra những mẻ bánh ú tro ngon nức tiếng.
Theo các cô chú ở trong xóm, hoạt động này dựa theo phong tục dân gian trong ngày Tết Đoan Ngọ, với ý nghĩa thể hiện ước mơ cho một năm thắng lợi, gia đình sung túc. Ngoài ra, đây cũng là dịp để các gia đình trong "xóm bánh ú" quây quần bên nhau, làm bánh để bán kiếm thêm thu nhập.
Hàng năm, đến tầm 30 tháng 4 âm lịch là cả xóm lại tập trung chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh. Mỗi người một việc, nhà thì tìm mua lá tre, nhà thì nấu đậu xanh, chuẩn bị gạo nếp, củi lửa đầy đủ để nấu bánh. Đến, trưa mùng 5 là sẽ nghỉ bán và cả xóm sẽ tổ chức đón Tết Đoan Ngọ.
Cô Phạm Thị Năm năm nay đã 66 tuổi, nhưng vẫn xắn tay áo vào cùng làm với các chị em hàng xóm và con cháu. Biết làm bánh từ năm 15 tuổi, đến nay cũng đã hơn 50 năm làm bánh ú tro rồi. "Làm bánh này cực lắm, làm phải quen tay mới nhanh và đẹp, làm cả ngày lẫn đêm để có nhiều mà bán cho bà con cùng ăn, cùng chung vui ngày Tết nữa", cô Năm nói.
Hàng ngàn chiếc bánh ú tro được làm ra mỗi ngày bởi đôi tay khéo léo của các cô trong "xóm bánh ú".
Nghề làm bánh ú tro đã xuất hiện tại xóm nhỏ này hơn 50 năm qua, loại bánh này là một trong những món ăn nổi tiếng được nhiều người tìm mua mỗi dịp Tết Đoan Ngọ.
Các nguyên liệu để làm món bánh này giờ khó kiếm, lá tre, dây lát giờ phải đi xa để mua hoặc phải đặt ở các mối quen từ trước mới có. "Nhiều người hay qua chợ ở Bà Hom để mua lá làm bánh, nhưng do cô làm lâu rồi, có mối quen nên lấy thẳng ở Tây Ninh luôn", cô Năm nói.
Để có thể làm ra được một mẻ bánh ngon, cần rất nhiều công đoạn làm như ngâm đậu, đãi đậu, nặn nhân bánh, cắt lá tre, tước lát, gói và nấu bánh... Chính vì vậy cần có sự hợp sức của rất nhiều người, kể cả những đứa trẻ trong nhà. Năm nay gia đình bà Năm làm nhiều hơn mọi năm một chút, khoảng 25 thiêng bánh (mỗi thiêng 20 xâu, một xâu 60 cái), vừa để cúng vừa để bán cho khách đi đường.
Nhân bánh được làm bằng đậu xanh, bên ngoài là lớp áo bằng gạo nếp, rồi được gói lại bằng lá tre, cuối cùng là dùng sợi lát để buộc lại.
Cô Lan (65 tuổi) vừa gói bánh, miệng cười đùa cùng các cô trong xóm rồi kể rằng từ năm 1983 cô đã bắt đầu học làm bánh. Nhưng bắt đầu làm bán thì khoảng 10 năm trở lại đây. "Trước đây xóm này được người ta gọi là xóm lát, nhưng dần nhà cửa mọc lên nhiều, lát bị phá dần hết. Chỉ vài nhà biết làm bánh này thôi, nhưng sau đó truyền tay nhau, rồi giờ cũng phải gần 200 nhà trong xóm đều biết làm rồi", cô Lan chia sẻ.
Các cô cho biết mỗi ngày bắt đầu làm bánh từ 3 giờ sáng đến 11h giờ đêm mới thôi, mỗi ngày một người làm được từ 4.000 - 5.000 chiếc. "Ngồi một chỗ khom lưng hoài cũng hơi mệt nhưng một năm có mấy ngày như vậy cũng vui, mọi người vừa làm, vừa trò chuyện nên cũng không thấy mệt gì", cô Lan nói.
Sau khi bánh được gói xong, sẽ chuyển qua nồi để luộc, những chiếc nồi lớn cao gần 2 mét, mỗi mẻ có thể luộc được vài trăm chiếc bánh.
Bình thường bánh sẽ được luộc khoảng 3 giờ đồng hồ, phải canh lửa thật đều, nếu trong thời gian đó mà nước cạn hết, phải cho thêm nước vào để nấu đủ 3 tiếng.
Tuy làm rất cực nhọc, nhưng mỗi chiếc bánh chỉ được bán với giá 6.000 đồng/cái, thường sẽ bán theo xâu 10 cái.
Sau 3 giờ đồng hồ nấu trong nồi, hàng trăm chiếc bánh ú tro nóng hổi được vớt ra khỏi nồi.
Sau khi chín, bánh được vớt ra và ngâm qua nước lạnh để bánh không bị quá dẻo và ít dính hơn.
Bánh sẽ được bán ở ngay đầu xóm, dọc đường Phạm Thế Hiển, chủ yếu là người trong xóm và người đi đường mua, vì số lượng không quá nhiều nên chỉ bày bán một lúc là đã hết.